Những người "góp lửa" cho nhà hát tuồng Đào Tấn

Nhà hát tuồng (NHT) Ðào Tấn được xem là cánh chim đầu đàn của sân khấu Tuồng Việt Nam bởi có được một đội ngũ cố vấn, cộng tác viên rất “nặng ký”, gồm các nhà nghiên cứu - lý luận, tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ: Ðáng kể nhất là Giáo sư - Tiến sĩ NSND Ðình Quang, NSND họa sĩ Nguyễn Hồng, Giáo sư Hoàng Chương, NSND - Biên đạo múa Ðặng Hùng, tác giả Lê Duy Hạnh. Ðó chính là những người “góp lửa” cho sự phát triển của NHT Ðào Tấn hôm nay.


Từ bao năm qua, NHT Ðào Tấn được xem là cánh chim đầu đàn của sân khấu Tuồng Việt Nam vì nhà hát có bề dày truyền thống 50 năm từ Ðoàn tuồng Liên khu V (LKV); đứng trên cái nền nghệ thuật vững chãi và trường tồn, xuất phát từ Ðào Duy Từ, Ðào Tấn và bao thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau. NHT Ðào Tấn có một lực lượng nghệ sĩ- diễn viên- nhạc công tài năng, yêu nghề; có đông đảo khán giả ủng hộ; có sự quan tâm chỉ đạo, chăm sóc của lãnh đạo tỉnh, ngành VHTT tỉnh. Ðiều đặc biệt, NHT Ðào Tấn còn vinh dự có được một đội ngũ cố vấn, cộng tác viên rất “nặng ký” gồm các nhà nghiên cứu - lý luận, tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ. Ðáng kể nhất là Giáo sư - Tiến sĩ NSND Ðình Quang; NSND họa sĩ Nguyễn Hồng; Giáo sư Hoàng Chương; NSND - Biên đạo múa Ðặng Hùng; tác giả Lê Duy Hạnh. Trong số này có đến 3 người là dân gốc Bình Ðịnh (Ðặng Hùng, Lê Duy Hạnh, Hoàng Chương).
Xin giới thiệu đôi nét về những người “góp lửa”.

* GS-TS-NSND Ðình Quang (Hà Nội)
Ngoài tư cách là một nhà văn hóa lớn, nhà nghiên cứu - lý luận, đạo diễn sân khấu, GS Ðình Quang là một con người chí tình. Ông đến với NHT Ðào Tấn đã gần 20 năm nay, từ khi ông còn là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, như ông từng tâm sự: Vì yêu nghệ thuật tuồng, vì tình cảm với đồng chí Tô Ðình Cơ - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, người nổi tiếng “cầm chầu” giỏi, cùng các đồng chí lãnh đạo ngành VHTT tỉnh; vì những kỷ niệm với nhà hát. Ông bộc bạch: “Nếu chỉ thuần túy là niềm vui, con người cũng dễ quên, nhưng niềm vui gặt hái sau những phút nhọc nhằn làm cho ta nhớ lâu hơn.

Vâng, đó là những lời rất thật lòng của ông. Mỗi lần vào Quy Nhơn, ông từ chối ở khách sạn “xịn” mà chỉ “đòi” ở nhà khách của Trung tâm Chỉnh hình (bên cạnh NHT Ðào Tấn) thiếu thốn mọi tiện nghi, với lý do rất “dễ thương” là: để chạy qua chạy lại cho nhanh! Ông cũng cho rằng: Làm việc với đội ngũ diễn viên, nhạc công NHT Ðào Tấn là một niềm vui.

Là một trí thức lớn, nhưng khi ông ngồi phân tích vở diễn, tâm lý nhân vật, tình huống kịch tôi thấy ông thật bình dị, với lời lẽ rất đơn giản, dễ hiểu, nên tất cả diễn viên, nhạc công đều thích; chăm chú nghe như uống từng lời của ông. Những buổi làm việc với ông bao giờ cũng vất vả nhưng đầy thú vị vì ai cũng được ông gợi mở cho hướng sáng tạo trong nghệ thuật.

20 năm, GS Ðình Quang tham gia sáng tác và dàn dựng cho NHT Ðào Tấn 4 vở: Sáng mãi niềm tin, Hồn Tuồng, Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Trời Nam đều cùng của tác giả Lê Duy Hạnh. Ngoài vở Hồn Tuồng, 3 vở còn lại đều là tác phẩm tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và đều đoạt Huy chương vàng. GSTS-NSND Ðình Quang là người bạn lớn của NHT Ðào Tấn.

* NSND- Họa sĩ Nguyễn Hồng (Hà Nội)
NSND Nguyễn Hồng là họa sĩ lão làng trong giới mỹ thuật sân khấu Việt Nam, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, là họa sĩ sân khấu đầu tiên trong cả nước đi học nước ngoài. Ông vừa là lãnh đạo, vừa là họa sĩ của Ðoàn tuồng LKV trên đất Bắc. Sau năm 1975 ông vẫn còn gắn bó với NHT Ðào Tấn, thiết kế và thực hiện khâu trang trí cho rất nhiều vở diễn của nhà hát. Mặc dù xa xôi cách trở nhưng khi nhà hát cần là ông có mặt, cùng ăn ở tập thể, làm việc suốt mấy tháng liền.

Sân khấu của họa sĩ Nguyễn Hồng bao giờ cũng vừa hoành tráng, vừa mang đậm dấu ấn cách điệu, ước lệ (đặc trưng của nghệ thuật tuồng). Ông làm việc rất cẩn thận, chu đáo; chăm chút đến từng tấm panô phông cảnh, từng kiểu phục trang nên anh chị em diễn viên đều yêu quý. Những năm gần đây, vì tuổi cao sức yếu nên ông không thể vào Quy Nhơn - Bình Ðịnh để giúp cho nhà hát.

* GS Hoàng Chương (Hà Nội)
Là người con của đất Hoài Ân, xuất thân từ Ðoàn tuồng LKV (sau này ông là Viện trưởng Viện Sân khấu Việt Nam) nên ông rất gắn bó với NHT Ðào Tấn, từng đạo diễn các vở Quang Trung đại phá quân Thanh (1980), Nàng Sơkuntơla (1982) và tham gia các hoạt động nghiên cứu, giới thiệu nghệ thuật tuồng Bình Ðịnh. Ông đã kết hợp cùng Sở VHTT tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội nghị khoa học; hội thảo chuyên đề về Ðào Tấn, về NHT Ðào Tấn. Vừa qua, ông đã tổ chức thành công một hội thảo về những nét độc đáo của tuồng Bình Ðịnh so với các địa phương (có nghệ thuật tuồng) khác tại tỉnh Phú Thọ (do Công ty Giấy Bãi Bằng tài trợ). Tháng 10-2002 ông đã cùng với NHT Ðào Tấn đi biểu diễn tại CHLB Ðức.

* NSND - Biên đạo múa Ðặng Hùng (TP Hồ Chí Minh)
Tham gia hoạt động nghệ thuật cách mạng từ quê hương Hoài Nhơn trong kháng chiến chống Pháp, có thể nói NSND Ðặng Hùng đi lên từ nghệ thuật Tuồng. Những tác phẩm múa của ông như: Tuần đuốc, Con ngựa bất kham…. đoạt Huy chương vàng quốc tế đều được phát triển trên cái nền của múa tuồng. Ông cho rằng: Cuộc gặp gỡ của ông với NHT Ðào Tấn là “duyên phận” từ 46 năm về trước, từ khi ông tham gia đoàn văn công LKV. Ông sau mê bộ môn sân khấu truyền thống của quê hương Bình Ðịnh là “cái duyên”, sau này được làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ của NHT Ðào Tấn là “cái phận”. Trong những lần gặp gỡ, ông thường tâm sự với người viết bài này rằng: “Quê hương cần là tôi có mặt!”. Vâng, cũng chính vì quê hương luôn đau đáu trong lòng người nghệ sĩ đầu ngành của bộ môn nghệ thuật múa Việt Nam nên ông đã dốc hết trí tuệ và sức lực để góp phần cho thành công của các vở diễn Mặt trời đêm thế kỷ; Trời Nam; Ðào Duy Từ; Sáng mãi niềm tin; Bùi Thị Xuân… của NHT Ðào Tấn. NSND Ðặng Hùng còn là tổng đạo diễn các chương trình chào mừng các ngày lễ lớn của tỉnh như: Lễ hội kỷ niệm 396 năm Quy Nhơn và 100 năm thành phố tỉnh lỵ; Kỷ niệm 210 năm chiến thắng Ðống Ða; Lễ hội chào mừng thiên niên kỷ mới.
NSND Ðặng Hùng cho rằng “duyên phận” còn gắn chặt ông với NHT Ðào Tấn và quê hương Bình Ðịnh cho đến cuối đời !

* Tác giả Lê Duy Hạnh (TP Hồ Chí Minh)
Xa quê hương Tây Sơn để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ trong phong trào sinh viên học sinh, rồi thoát ly công tác ở Trung ương cục miền Nam, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Lê Duy Hạnh trở thành một tác giả sân khấu nổi tiếng cả nước (hiện anh là Phó Tổng thư ký Hội nghệ sĩ Sân khấu VN, TTK Hội NSSK TP HCM).

Lê Duy Hạnh là tác giả nhiều vở cải lương xuất sắc, nhưng anh không quên tuồng - bộ môn sân khấu in đậm dấu ấn trong tuổi thơ của anh. Tính đến nay, anh đã sáng tác cho NHT Ðào Tấn 6 vở tuồng, được dàn dựng thành công và toàn là những vở diễn lớn của nhà hát, gồm Mặt trời đêm thế kỷ; Sáng mãi niềm tin; Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc; Trần Cao Vân - người mang hồn nước; Trời Nam. Trong đó có 3 vở đoạt HCV Hội diễn SKCN TQ. Ðặc biệt, các tác phẩm đề tài Tây Sơn của anh đã khai thác được cái hồn người Bình Ðịnh qua phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, được xếp vào loại “top ten” của mảng đề tài lịch sử trên sân khấu kịch hát dân tộc.

Tác giả Lê Duy Hạnh tâm sự: Nghệ thuật tuồng Bình Ðịnh là nguồn sáng tạo nghệ thuật vô tận đã định hướng hoạt động của đời tôi, dù tôi không còn được sinh sống và làm nghề ở quê nhà.

Thúy Vi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Có một độ tuồng đồng ấu  (28/02/2003)
Phạm Chương - nghệ sĩ tuồng bậc thầy  (28/02/2003)
Đội tuyển Việt Nam trở về trong cờ hoa  (28/02/2003)
Trương Thị Minh Đức - cô đào thanh sắc vẹn toàn  (28/02/2003)
Trò chuyện với tác giả "Cô gái vót chông"  (28/02/2003)
Hồn gỗ  (28/02/2003)
Kết thúc cuộc thi ảnh nghệ thuật Bình Định quí III-2002  (28/02/2003)