Sóng nhà phố cổ

Tôi là dân Hải Phòng "jin". Nhưng số phận lại dắt đưa tôi trở thành một chàng rể Hà Nội. Quê vợ tôi chính là phố Hàng Gai. Cưới nhau xong, tôi về ở rể tại nhà bố vợ tôi tầng 3 nhà 60 Hàng Bông. Cái mà căn buồng thân thương này cho tôi không chỉ là một không gian trú ngụ, mà còn là cả một biển sóng những mái nhà lô xô, nhấp nhô của bao phố cổ khi đứng nhìn xung quanh trên nóc sân thượng của căn buồng.

Nếu chỉ đi trên những con đường phố cổ, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy được sự lỳ thú của biển sóng này. Ðấy là một góc khuất của Hà Nội mà không phải ai cũng được tận mắt chứng kiến.

Ðứng trên nóc sân thượng, mới thấy sự dào dạt của biển sóng những mái nhà trào lên từ đời này qua đời khác. Những ngày nắng, thấy biển sóng này lấp loáng những mảng sóng tối như nỗi niềm sâu kín của kinh thành đang lặng lẽ kể lể cùng ta những thăng trầm, những biến động thủ đô qua năm thắng thời gian. Những ngày mưa, thấy biển sóng trắng xóm như được dệt nên từ những sợi mưa ướt rượt cảm hoài thăm thẳm của Thăng Long đang âm thầm hát khẽ bên ta những éo le, những thất lỡ tình yêu chốn Kẻ chợ đời nào chẳng làm cho con tim day dứt. Những đêmtrăng sáng một màu vàng rười rượi, thấy biển sóng ràn rụa ngỡ đang đắm chìm mộng mị Ðông Ðô hư hư thực thực những khát vọng mà phù sa nền văn minh sông Cái cứ mải miết đắp bồi qua bao thế hệ. Nhưng ngỡ ngàng hơn cả là những mùa sương giăng bồng bềnh mỗi sớm, mỗi chiều. Ðấy là những khoảnh khắc huyễn diệu, ẩn hiện của biển sóng tưởng đang xao xác giá lạnh chùng chình hơi may hay se sắt cóng buốt từng ngọn gió bấc nơi Hà Nội cổ xưa khuất dần, khuất dần dưới từng dải sương trắng muốt. Một rung động gì không rõ rệt chợt tách khỏi ta trải trên biển sóng như con thuyền giấy chòng chành của ấu thơ.

Bao người Hà Nội hơn một lần thưởng thức vẻ đẹp kỳ thú của biển sóng này để rồiDù có đi bốn phương trời- Lòng vẫn nhớ về Hà Nội còn với riêng cái nóc sân thượng nơi tôi hiện đang cư trú, biết bao bạn bè văn nghệ đã từng chiêm ngưỡng biển sóng này để rồi mong nó vào tác phẩm của mình. Có thể nào nhận ra những gì có thêm trong Phố Phái từ sau buổi danh họa họ Bùi này ngồi cụng ly cùng anh em trên nóc sân thượng. Còn ở Trịnh Công Sơn thì thốt lên rằng: "Mái ngói thâm nâu" trong tình khúc "Nhớ mùa thu Hà Nội". Và còn xô dạt biển sóng này trong biết bao tác phẩm của những ai?

Song đấy là sáng nhà phố cổ của 20 năm trước nghèo nàn và trễ tràng. Những kiến trúc nhà hộp cao tầng của hiển đại hôm nay đã xé vụn, đã làm mất hẳn sóng nhà phố cổ ngày nào. Ðể chống thấm dột triệt để cho căn phòng tầng 3, chính tôi cũng phải làm mái che bằng tôn ốp-nan trên nóc sân thượng. Vĩnh viễn mất đi cái trống trải thoáng rợn khi đứng ngắm sóng nhà phố cổ ngày nào. Hoài niệm về một biển sóng nhà phố cổ đã đóng khung vuông vức trên những mảng tường kính sắc lạnh đến mức ngỡ chạm vào là có thể rỉ ra như máu.

Nguyễn Thụy Kha

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những người "góp lửa" cho nhà hát tuồng Đào Tấn  (28/02/2003)
Có một độ tuồng đồng ấu  (28/02/2003)
Phạm Chương - nghệ sĩ tuồng bậc thầy  (28/02/2003)
Đội tuyển Việt Nam trở về trong cờ hoa  (28/02/2003)
Trương Thị Minh Đức - cô đào thanh sắc vẹn toàn  (28/02/2003)
Trò chuyện với tác giả "Cô gái vót chông"  (28/02/2003)
Hồn gỗ  (28/02/2003)
Kết thúc cuộc thi ảnh nghệ thuật Bình Định quí III-2002  (28/02/2003)