Đôi nét về bốn gương mặt thơ nữ Bình Định

1) Trong số các gương mặt thơ nữ Bình Định, nhà thơ Lệ Thu là người đã có tiếng nói từ trong kháng chiến chống Mỹ. Tiếng nói ấy bây giờ cũng không hề đổi khác. Sự chung thủy trong thi pháp đã làm nên nét riêng khá rõ: chất nhân hậu trong thơ chị – cái nhân hậu lửa nồng! Ở chị, yêu – ghét, đúng – sai, cao cả – thấp hèn... rất rạch ròi. Và, những rạch ròi trên luôn gắn với đời, với cuộc sống chứ không hề riêng tư, kể cả trong tình yêu! Hãy so sánh 2 bài thơ hay của chị: “nói với con” (1973) và “Lời ru chim yến” (1985), một trong chiến tranh khốc liệt và một khi hòa bình đã 10 năm. Vẫn là lòng mẹ yêu thương sâu nặng mà tự hào kiêu hãnh, với đời! Tiếng reo ca hay phẫn nộ, lời nhắc nhở hay giãi bày của chị đều bắt nguồn từ sự mang nợ, hàm ơn cuộc đời, với lý tưởng mà chị hăm hở tận hiến. Mặc dù đã có “Lời của mắt”, “Sóng”, “Kỷ vật thời con gái”... song có lẽ, chị là chị, Lệ thu với:

Không điều kiện, không chút gì thắc mắc
Nhận về mình tất cả nỗi đau thương
Khi tuổi tác qua đi cùng nhan sắc
Hoa cuối mùa xin gởi lại nguồn hương
(Hương gởi lại)


Bạn đọc yêu mến có thể khắt khe đòi hỏi sự vượt lên hơn nữa của chị. Nhưng cái thử thách lớn nhất của người cầm bút là khắc họa được chân dung mình. Chị đã có điều ấy!

2) Khác với cái hăm hở, mãnh liệt của nhà thơ Lệ Thu, nữ sĩ Xuân Mai giãi bày lòng mình bằng tiếng nói hồn hậu và giản dị. Những nỗi niềm trong thơ chị được bộc lộ nhẹ nhàng, kín đáo, có khi đến rụt rè. Chút chạnh lòng trách cứ. Những lặng lẽ chiêm nghiệm, suy tư về cuộc sống, tình yêu:

Chiếc cầu chòng chành vắt qua sông
Nỗi mong đợi xói mòn từng năm tháng
Giờ thấy mặt giữa cồn cào cơn sóng
Mà cầu mong manh như chẳng có cầu
(Chiếc cầu)


Đôi khi trong thơ chị bật lên từ thơ rất giàu liên tưởng:

Vầng trăng rằm
hõm mắt
lận đận bầu trời
luân hồi hao khuyết
góa bụa
(Đá mồ côi)


Có khi gân guốc bất ngờ (Thương anh) có khi thấm đẫm chất thiền: động và tĩnh, có và không, ngàn xưa và ngàn sau hòa quyện (Hoàng Hôn). Nhưng những “đôi khi” này chưa nhiều.

Quá nửa tập thơ mới nhất của chị “Dòng sông thao thức” gắn với những tên đất, tên người cụ thể – gắn để tâm sự, xẻ chia. Những bài thơ này ít có bất ngờ từ ý tưởng đến ngôn ngữ. Chỉ có tấm lòng. Người đọc lắng nghe, ghi nhận bởi cảm xúc rất chân thành. “Cho tôi được làm giọt sương trắng mọng/đậu dịu hiền trên ngọn cỏ lòng ai...”.

Hình như chị vẫn đang tìm kiếm. Bạn đọc chờ đợi và hy vọng bởi trên cái nền hồn hậu, rụt rè, thơ chị vẫn tiềm ẩn sự tự tin:

“Có vầng trăng/lưu lạc bến Bạch Đằng
Sómg nước cuốn/vỡ ra thành trăm mảnh
Em vớt lên/ủ giữa bàn tay ấm
Trăng lại lành/ nguyên vẹn sáng lung linh”


3) Thế hệ trưởng thành sau 1975, Trần Thị Huyền Trang là gương mặt thơ nữ lạ lùng và đa dạng nhất. Chị ào vào đời trí tuệ và sắc sảo, điềm tĩnh và dữ dội, kiêu hãnh mà sâu lắng, tinh tế. Có lẽ sức thuyết hục của thơ chị từ những trải nghiệm rất già dặn:

Tuổi thơ ơi giờ tít tắp rồi
Con sói đồng hoang không chỉ chạy rông trong truyện cổ
Lòng đố kỵ làm long đong nhân thế
Sóng Phù Vinh nghiêng ngửa cõi con người
(Những cơn mưa đầu mùa)


Càng trải nghiệm người ta càng cảm thấy bất lực đến vô vọng trước thăm thẳm thời gian và kiếp người. Nhiều khi chị tỉnh táo và kiêu hãnh thật lạ, cứ như chị biết tỏng mình là ai.

“Nếu mai này
Nụ hoa khép lại trước hoàng hôn
Chiếc áo cũ xếp vào đáy va li
thì tóc em là mây
xanh mãi mãi”


hoặc:

“Và cả trong cơn mơ của mình
Tôi không ngừng quét dọn
bằng cách ấy tôi nhặt ra kỷ niệm”


Tự những giải thưởng văn học bảo lãnh cho nhà thơ nữ đa tài này nhưng những bài thơ hay của chị gần đây: “Nhặt trong vườn Tấm”, “Về Côn Sơn tìm sách”, “Trò chuyện với kiến”... có vẻ tỉnh quá, như từ một định hướng đã sẵn! Cái bất ngờ trí tuệ trong thơ gây sốc nhanh nhưng không đọng lâu.

4) Đã in 7 tập thơ và vốn liếng đang có cũng ngần ấy nữa, Ninh Giang Thu Cúc lặng lẽ góp mặt với văn nghệ Bình Định bằng chữ chồng lên chữ! Ngôn ngữ thơ chị cổ, không hẳn vì chị sáng tác nhiều thơ Đường. Mà vì tâm trạng hoài cổ, về cái thời quá vãng, về cố hương. Tập thơ mới nhất “Miền xưa” – NXB Trẻ 2002 có những tìm tòi mới trong ngôn ngữ và hình thức thơ. Cùng với “Tôi mời tôi cạn chén đầy” – NXB Trẻ 1999, nhìn chung, thơ Ninh Giang Thu Cúc đã chắt lọc và đọng hơn.

Dù rằng phần hướng nội trong thơ chị là xuyên suốt:

“Quên đi quên hết ân oán
Ca đi ca khúc khải hoàn mừng tôi”


hoặc:

“Tìm vui riêng cõi khóc cười
Phỉnh phờ một cộng thành mười cho xong
Nhân chia chi để đau lòng
Khó lui khó tới quanh vòng... tỉnh say”


Dù lặp đi lặp lại “động tác” “tôi mới tôi cạn chén đầy”, thực ra chị vẫn khao khát hòa nhập, chia sẻ. Chị vịn vào cái tôi của mình chỉ là để có cái vịn bởi, cái tôi ấy cũng chông chênh lắm, khi vật vã khóc cười, khi cân đong đo đếm: “Tôi nửa đời cúi mặt/tự hỏi mình: Đã làm được gì/Đã sống ra sao/đã cho/và đã nhận?”.

Mỗi người một vẻ, người đã định hình, người đang kiếm tìm, bài viết nhỏ này không có ý so sánh, chỉ phác thảo đôi nét về bốn nhà thơ nữ của văn nghệ Bình Định. Bạn đọc hy vọng đón nhận nhiều sáng tác mới và hay của các chị.

20-10-2002
Lê Hoài Lương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khói hương vẫn bay trên mộ Hàn Mạc Tử  (28/02/2003)
Trận đấu giữa Đội tuyển bóng đá U23 quốc gia -Bình Định: Cả hai đội vẫn còn khá nhiều việc để làm  (28/02/2003)
Sóng nhà phố cổ  (28/02/2003)
Những người "góp lửa" cho nhà hát tuồng Đào Tấn  (28/02/2003)
Có một độ tuồng đồng ấu  (28/02/2003)
Phạm Chương - nghệ sĩ tuồng bậc thầy  (28/02/2003)
Đội tuyển Việt Nam trở về trong cờ hoa  (28/02/2003)
Trương Thị Minh Đức - cô đào thanh sắc vẹn toàn  (28/02/2003)
Trò chuyện với tác giả "Cô gái vót chông"  (28/02/2003)
Hồn gỗ  (28/02/2003)
Kết thúc cuộc thi ảnh nghệ thuật Bình Định quí III-2002  (28/02/2003)