Thời gian và cảm xúc mùa

Vào thế kỷ 19, một nhà thơ phương Tây đã từng kêu lên: “Ôi thời gian! Mi hãy dừng cánh lại”. Ở Việt Nam, nhà thơ Xuân Diệu thời thanh xuân cũng hối hả để kịp sống với thời gian: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!”. Trước đây, tác giả Thơ Say, Vũ Hoàng Chương còn muốn níu kéo thời gian lại:

“Ôi, nếu đời ta dừng bước lại!
Một giờ, một phút, một mùa xuân…”

Thời kỳ thi ca lãng mạn, kịch sĩ Đoàn Phú Tứ chỉ với một bài thơ, đủ lưu dấu qua thời gian. Bài “Màu thời gian” mà giai điệu của nó đến nay còn ngân vang, luyến bước chân đời:

“Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh

Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh…”

***

Thời gian là một đại lượng, một ý niệm, có khi như một thứ cảm giác mà mỗi người trải qua tùy theo tâm trạng.

Có phải là “Thời gian trực giác” của Henri Bergson hay “Thời gian tương đối” của nhà vật lý thiên tài Albert Einstein. Theo quan niệm của một triết gia, thời gian là “Cái hình thức được cảm nhận một cách tiền nghiệm – Thời gian chỉ ở trong óc mỗi chúng ta”.

Đôi lúc là niềm xúc động khi đứng trước một cảnh vật nào, một nơi nào vào thời khắc chớp nhoáng, tình cờ: “Không gian của tôi đã tự đổi dời hay thời gian của tôi đã trùng phùng cùng một điểm” (sổ ghi, Đ.T.T)

***

Thời gian của con người trên mặt đất trong vũ trụ còn biến đổi như thế nào?

Theo V.N Comarop: “… các sóng triều di chuyển ngược với chuyển động xoay của quả đất nên chúng làm giảm bớt vận tốc quay của hành tinh. Xưa kia, ngày và đêm vì thế ngắn hơn nhiều”.

Người cổ đại căn cứ sự chuyển dịch các vùng sáng trên bầu trời đã soạn ra một thứ lịch thời gian tương đối đúng. Theo cách tính trên, ngày ngắn nhất bắt đầu mùa đông và ngày dài nhất có thể coi là thời điểm bắt đầu mùa hạ.

Trải qua các thời kỳ, các nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra những dụng cụ đo thời gian sao cho đúng nhất. Từ đồng hồ thạch anh (1933) đến đồng hồ nguyên tử Cesium cho giờ nguyên tử quốc tế TAI mà độ sai số giữa hai đồng hồ là 1 phần triệu giây mỗi năm.

***

Mới đây, có tin một vài nhà khoa học nêu lên giả định “Phá vỡ mặt trăng” để đem lại khí hậu ôn hòa, bình lặng hơn cho quả đất. Họ cho rằng không có ảnh hưởng của mặt trăng thì mặt đất chúng ta đang sống quanh năm chỉ một mùa không thay đổi. Liệu con người có làm quen với sự tẻ ngắt, đơn điệu đó không?

Một ai đó còn cảm xúc như thi sĩ Lưu Trọng Lư ngày nào: “Mỗi lần nắng mới hắt bên song…”. Hay như nhà thơ Hàn Mặc Tử:

“Trong làn nắng ửng, khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang…”

Hoặc:

“… Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang?”

***

Con người luôn muốn chinh phục những không gian cao rộng hơn nữa trong tương lai.

Cũng lắm khi vì tham vọng và những mục đích không nhân bản mà nhiều kẻ quên mất hạnh phúc ở rất gần chân họ. George Santayana từng nói: “Thiên đường là hài hòa với mọi sự vật”.

Con người ham muốn nhiều thứ, cố thỏa mãn cả những tham vọng kỳ dị mà quên đi điều đơn giản và thiết yếu nhất là niềm vui sống, làm việc hợp với tự nhiên.

Chúng ta với vòng đời và thời gian sinh học từ bao lâu đã theo một chu kỳ Xuân sinh, Hạ trưởng…

Niềm khát vọng của mỗi người vẫn là màu xanh thắm, tươi hồng của sự sống với bầu trời rộng mở, hơi thở giao hòa cùng nhịp luân lưu của vũ trụ.

Xuân 2003.

Đặng Tấn Tới

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đôi nét về bốn gương mặt thơ nữ Bình Định  (28/02/2003)
Khói hương vẫn bay trên mộ Hàn Mạc Tử  (28/02/2003)
Trận đấu giữa Đội tuyển bóng đá U23 quốc gia -Bình Định: Cả hai đội vẫn còn khá nhiều việc để làm  (28/02/2003)
Sóng nhà phố cổ  (28/02/2003)
Những người "góp lửa" cho nhà hát tuồng Đào Tấn  (28/02/2003)
Có một độ tuồng đồng ấu  (28/02/2003)
Phạm Chương - nghệ sĩ tuồng bậc thầy  (28/02/2003)
Đội tuyển Việt Nam trở về trong cờ hoa  (28/02/2003)
Trương Thị Minh Đức - cô đào thanh sắc vẹn toàn  (28/02/2003)
Trò chuyện với tác giả "Cô gái vót chông"  (28/02/2003)
Hồn gỗ  (28/02/2003)
Kết thúc cuộc thi ảnh nghệ thuật Bình Định quí III-2002  (28/02/2003)