Hãy cứu lấy những ngôi nhà lá mái

Nói tới văn hóa truyền thống Bình Ðịnh, không thể không đề cập đến kiến trúc nhà lá mái. Thế nhưng những ngôi nhà lá mái cuối cùng ở Bình Ðịnh đang bị gánh nặng thời gian và sự vô tình của con người đẩy vào quên lãng.

Nhà lá mái là một kiểu kiến trúc độc đáo vì tuy vật liệu chỉ là gỗ, tre, tranh, đất nhưng độ bền vững của nhà lại rất cao, rất nhiều nhà đã có dư trăm tuổi nhưng gần như vẫn còn nguyên vẹn cấu trúc ban đầu. Nhưng nhà lá mái trở nên nổi tiếng không chỉ vì độ bền mà phần lớn là do cấu trúc hai lớp và kiểu thức thi công nghiêm cẩn. Mái của nhà lá mái có tới hai lớp. Lớp mái thứ nhất (giống phần la phông trong nhà xây) là những cây tre già ngâm nước hơn 1 năm để khỏi mối mọt, chẻ trải rồi ép phẳng thành tấm, bên trên đắp đất bùn trộn nhuyễn với rơm. Lớp mái thứ 2 được chống cao phần đỉnh (hình dấu ^) với độ dốc lớn để đến mùa mưa thóat nước nhanh. Mái tranh của loại nhà này dày đến 20, 30cm... Tranh dày, mái dốc, nên thường phải tới hơn 30 năm mới cần lợp lại. Vách nhà lá mái cũng được làm hai lớp. Ðất ruộng nhào nhuyễn với rơm trét 2 phía trong ngoài xong, thợ đất còn dùng đất gò mối trộn nước dây tơ hồng hồ lại lớp mặt cho phẳng, nhuyễn. Nền nhà lá mái vẫn là nền đất nện như kiến trúc nhà ở đồng bằng quen thuộc của người Việt nhưng có một điểm khác là nền của nhà lá mái tuyền bằng đất thịt trộn muối đằm kỹ. Nền nhà kiểu này không bị nứt nẻ vào mùa nóng, lại khô ráo vào mùa mưa. Dàn cửa chính trong nhà lá mái được xoi chỉ rãnh, chạm khắc cỏ cây hoa lá công phu.

Trong một ngôi nhà lá mái không hề có một cây đinh sắt nào. Ngoài việc chạm khắc sao cho sinh động, trình độ của thợ làm nhà lá mái sẽ được bộc lộ ở khâu xoi đục các ngàm miệng. Những ngàm miệng này có vừa đẹp vừa chắc, lại rất khít khao.Nhiều chủ nhà đã thử bằng cách đổ nước vào chỗ lắp ghép, lúc tháo ra nếu phần lỗ mộng bên trong vẫn khô là được thừa nhận. Ðể học được nghề thợ làm nhà lá mái, người học việc vừa phải khéo tay, vừa phái có tính kiên trì, nghiêm cẩn khi làm việc. Thợ mộc, thợ chạm bình thường học nghề mất một năm, nhiều lắm là năm rưỡi nhưng thợ làm nhà lá mái phải mất đên 3 năm miệt mài mới được thầy cho ra nghề. Không chỉ là một di sản vật chất quý báu, từ ngôi nhà lá mái, một phần đời sống tinh thần, một nét văn hóa tốt đẹp của người Bình Ðịnh cũng bộc lộ từ hình ảnh ngôi nhà này. Theo cụ Trần Bá Tuyển, một người thợ từng làm rất nhiều nhà lá mái (phường Ðống Ða, TP Quy Nhơn) - Với một hiệp thợ hơn 10 người gồm thợ cả, thợ chính, thợ học việc, để làm xong một ngôi nhà lá mái hoàn chỉnh người ta phải mất không dưới 3 năm ròng rã. Vì thế, thông thường khi nhà làm xong, hiệp thợ ấy gần như trở thành người thân của gia chủ.

Cách đây chừng mươi năm, nhà lá mái vẫn còn khá nhiều ở Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, đặc biệt là ở vùng Nhơn Thành (An Nhơn) - khu vực ven kinh thành Hoàng Ðế xưa. Nhưng nay do thiếu điều kiện bảo quản nên nhiều ngôi nhà cổ đã bị hư hỏng dần. Nhà lá mái đẹp, quý giá và có độ bền cao thật nhưng sau hàng trăm năm chống chọi với thời gian, đến nay số nhà lá mái còn lại chỉ còn đâu vài chục cái trong đó số còn nguyên vẹn cỡ 90% hầu như chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Những người trẻ tuổi thì thích sống trong những ngôi nhà xây tiện nghi hiện đại, và không mấy mặn mà với kiểu nhà xưa, đầy vẻ già cỗi trong khi đó lớp người già thì đã gần đất xa trời, chỉ còn biết ngậm ngùi. Vả lại để gìn giữ và bảo quản tốt những ngôi nhà cổ với thành phàn chủ yếu là gỗ quý người ta cần phải đầu tư một mức chi phí không nhỏ, chi phí này thừa sức để đem xây hẳn một ngôi nhà bê tông mới toanh. Không khó hiểu vì sao nhà lá mái cứ vậy mà hao gầy đi theo năm tháng. Ông Dương Văn Bình - chủ một ngôi nhà lá mái ở Nhơn Thành - An Nhơn tâm sự : "Mẹ tôi vẫn thường kể rằng, khi mới về làm dâu nhà này, đã thấy cửa nẻo, cột trụ lên nước đen bóng. Mỗi khi quét tước nhà cửa, bà nội tôi vẫn thường nhắc nhở - cẩn thận kẻo không làm gãy nho sóc, hư những đường chạm trổ. Mà mẹ tôi thì nay đã 101 tuổi, như vậy đủ biết căn nhà kiên cổ đến mức nào. Mùa mưa bão năm 1999, căn nhà này bị tốc mái rồi đổ sập vách sau, đồ gỗ, trang thờ trong nhà chỉ bị hư hỏng một ít còn lại gần như còn nguyên vẹn nhưng mãi đến nay vẫn không có tiền để sửa. Gỗ lạt đắt quá. Mà cũng chẳng riêng gì nhà tôi, nhà của chú tôi cũng vậy, trong chòm Xuân Quang này cũng còn mươi mấy nhà như vậy đó"

Ông Ðặng Hữu Thọ, giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết: "Nhà lá mái rất dễ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá độc đáo. Ưu điểm rất lớn của nhà lá mái là nó đang được tồn tại như một kiểu di tích đang có người sinh sống bên trong, do đó rất dễ bảo quản. Nhà lá mái toạ lạc chủ yếu vẫn ở vùng thôn quê nên những tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường ép lên tương đối nhẹ. Khả năng khai thác di sản này vào mục tiêu du lịch là rất lớn nhưng hai ngành văn hoá và du lịch vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Mua lại rồi phục chế một ngôi nhà lá mái như thật là điều Bảo tàng rất muốn nhưng vì điều kiện tài chính chưa cho phép nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được dự định này.". Hiện nay ở Bảo tàng tổng hợp Bình Ðịnh có một tấm ảnh chụp một ngôi nhà lá mái điển hình và một mô hình thu nhỏ nhưng theo các nghệ nhân thì chưa đạt yêu cầu. Bảo tàng muốn làm còn khó đến thế thì làm sao giúp dân, vì thế làm gì để bảo tồn vốn nhà cổ vẫn cứ là một nỗi day dứt.
 

Bá Phùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Buồn vui cùng thể thao Bình Định năm 2002  (28/02/2003)
Thời gian và cảm xúc mùa   (28/02/2003)
Đôi nét về bốn gương mặt thơ nữ Bình Định  (28/02/2003)
Khói hương vẫn bay trên mộ Hàn Mạc Tử  (28/02/2003)
Trận đấu giữa Đội tuyển bóng đá U23 quốc gia -Bình Định: Cả hai đội vẫn còn khá nhiều việc để làm  (28/02/2003)
Sóng nhà phố cổ  (28/02/2003)
Những người "góp lửa" cho nhà hát tuồng Đào Tấn  (28/02/2003)
Có một độ tuồng đồng ấu  (28/02/2003)
Phạm Chương - nghệ sĩ tuồng bậc thầy  (28/02/2003)
Đội tuyển Việt Nam trở về trong cờ hoa  (28/02/2003)
Trương Thị Minh Đức - cô đào thanh sắc vẹn toàn  (28/02/2003)
Trò chuyện với tác giả "Cô gái vót chông"  (28/02/2003)
Hồn gỗ  (28/02/2003)
Kết thúc cuộc thi ảnh nghệ thuật Bình Định quí III-2002  (28/02/2003)