Người ta gọi An Nhơn là Đất Vua vì nơi đây có thánh địa Ðồ Bàn của Vương quốc Chămpa xưa, và hơn nữa nơi này còn có kinh thành Hoàng Ðế của vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc. Đất vua là vùng đất giàu có, trù phú với những tầng văn hóa đặc sắc, đa dạng dễ làm nao lòng du khách...
Theo truyền thuyết, vào đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) vương quốc Chămpa có loạn, vua Chămpa nhờ vua Ðại Việt giúp và Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã tuân mệnh vua ta sang Chămpa giúp nước bạn. Để tưởng nhớ công lao, vua Chămpa đã cho xây đền Tam Hòa thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (di tích này đến nay vẫn còn ở đảo Hải Minh - Quy Nhơn), đồng thời đề nghị triều Lý cử nhiều binh sĩ Ðại Việt võ nghệ cao cường, tác chiến giỏi ở lại để làm phên dậu cho vua Chăm. Ðến năm 1306, khi nhận 2 châu Ô, châu Rí của vua Chăm là Chế Mân làm sính lễ cho đám cưới của Huyền Trân công chúa, vua Ðại Việt là Trần Anh Tông đã đề phòng việc Chămpa đòi hoặc cướp lại đất. Bởi vậy, quân trấn thủ ở đây là...Những người lính này về sau ở lại lập nghiệp và họ cũng như con cháu không quên giữ gìn truyền thống thượng võ. Hàng trăm năm sau, khi những người Trung Hoa ôm mộng phản Thanh phục Minh ngược dòng sông Kôn lên đến tận vùng ven của kinh thành xưa để định cư, lập làng và vùng đất này đã trở thành điểm giao hòa của nhiều dòng văn hóa. Và một nền võ thuật tinh kỳ đã kết tinh trên nơi đây.
Bên cạnh câu ca Ai về Bình Ðịnh mà coi. Con gái Bình Ðịnh cầm roi đi quyền mà hẳn nhiều người đã nghe, còn có một câu ca khác nổi tiếng không kém vì đã nêu được hai môn tuyệt kỹ của võ thuật Bình Ðịnh, đó là Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh. Chuyện xưa kể rằng, những năm triều Nguyễn mở kỳ thi võ ở Bình Ðịnh, có ông Bầu Ðê không đi thi, mà chỉ chờ phân ngôi nhất, nhì xong là ông vào trường xin Ban giám khảo cho mình đấu với các thầy tân khoa. Tương truyền, chưa ai qua mặt được ông Bầu Ðê về roi nhất là về 2 tuyệt kỹ Ðánh văng roi và đâm so đũa. Lần ấy, sau khi chứng kiến cả hai vị thủ khoa và á nguyên đều bị đánh ngã và bị đâm trúng nách (không ai bị thương vì đầu roi được bịt giẻ, bôi vôi) quan chánh chủ khảo, là Tiến sĩ võ trường Thừa (kinh đô Huế) vốn cũng giỏi nghề roi bèn đề nghị Bầu Ðê đấu với mình. Sau vài đường roi, ông Bầu Ðê báo trước mình sẽ thi triển tuyệt kỹ thứ nhất, quan lớn vừa nói “Tùy!” thì cây roi trong tay ông cũng bay vù lên trời. Ðấu thêm mươi hiệp nữa thì ông Bầu Ðê thi triển tuyệt kỹ thứ hai, lời nói vừa dứt thì vị quan kia đã thu roi xin thôi vì cả hai nách đều dính đầy vôi. Câu chuyện ông Bầu Ðê “quấy rầy” các trường võ là một bài học giáo khoa cơ bản cho người học võ không chỉ cho dân Bình Ðịnh, mà còn cho làng võ cả nước, bởi mục đích của ông không phải là khoe tài, mà chỉ là một lời nhắc khéo các thầy tân khoa cần không ngừng văn ôn võ luyện.
Qua cầu Phụ Ngọc là đã về đến làng võ An Thái lừng danh với câu ca Trai An Thái, gái An Vinh... Làng An Thái vốn có nhiều người giỏi võ Tàu. Ðỉnh cao của quá trình tổng hòa này là công trình của võ sư Diệp Trường Phát, tục danh là Tàu Sáu (1896 -1962). Cụ Tàu Sáu đã cất công sang tận chùa Thiếu Lâm bái sư, nghiên cứu võ học trong 15 năm ròng để hiểu rõ đến tận cùng bản chất của võ thuật. Trở về Bình Ðịnh với những tri thức thượng thừa đã tích lũy kết hợp với tinh hoa nhiều phái võ, cụ đã lập nên phái An Thái - Bình Ðịnh nổi tiếng. Võ sư Lâm Ngọc Phúc cho biết: Quyền của An Thái nhanh, mạnh, sắc. Ðòn thế như như chớp giật, cuồn cuộn như sóng tràn bờ liên tục. Nhưng lại được rèn luyện trong không gian chỉ chừng 1-2m2. Phải luyện trong khuôn viên hẹp như vậy để khi cận chiến, ta có thể xoay sở linh hoạt, hẹp đã đánh được tất rộng sẽ còn thoải mái hơn ...
Sông Kôn bắt nguồn từ vùng rừng núi hiểm hóc ở Tây Sơn Thượng đạo, xuôi về vùng đất phát tích linh hiển của vương triều Tây Sơn, chảy qua đất vua địa linh nhân kiệt, con sông này đã nuôi lớn truyền thống thượng võ, kiên trung của con người sống trên những nơi mà nó đi qua, những làng võ ven sông vẫn còn đến nay là một minh chứng. Nếu bên này sông là làng An Thái với những chàng trai kiêu dũng thì bên kia sông là làng An Vinh với những cô con gái làm nên tiếng tăm Con gái Bình Ðịnh cầm roi đi quyền. Khác với dòng võ An Thái được truyền theo hệ thống, môn phái bài bản, dòng võ An Vinh (nay thuộc trên phần đất xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) được bảo toàn trong họ tộc, chỉ những người được chân truyền mới có căn cơ và hiểu được ý nghĩa sâu xa của võ lý. Ở dòng võ này có sự hài hòa cương nhu, chuyên chú về nội công, khắc phục nhược điểm thấp bé của người Việt bằng sự nhanh nhẹ, mềm dẻo nên nguyên tắc đầu tiên của nó là Túc bất ly địa (chân không rời mặt đất) và Dĩ nhu chế cương, dĩ đoản chế trường, sử dụng đòn tay nhiều hơn đòn chân. Tương truyền, trong ba anh em Tây Sơn, Nguyễn Lữ là người nhỏ bé, yếu sức nên được thầy giáo Hiến chân truyền về nội công và miên quyền (công phu mềm dẻo như bông). Dòng võ An Vinh chịu ảnh hưởng bởi vị Tổ sư Nguyễn Lữ nên có cơ hội lưu truyền hậu thế rất lớn, nhất là khi triều Gia Long cấm võ và các môn binh khí thì dòng võ này vẫn có cơ hội truyền lưu lại những bài quyền và công phu khí công. Truyền thuyết kể rằng ở vùng Hầm Hô (Tây Sơn) có Thạch đồ luyện võ, là nơi để võ sinh luyện công phu. Nơi này được dùng luyện tập công phu miên quyền. Nếu luyện thành công thân thể sẽ nhẹ nhàng, bay nhảy rất linh hoạt, sự trơn tuột của rêu cũng như sức cường của nước không hể gây khó khăn cho họ.
Dẫu có đi đâu xa, sống theo kiểu nào thì về già, người đất võ vẫn tìm về với cội nguồn. Mùa xuân ngày rộng tháng dài, bạn hãy thử về thăm đất vua để tự mình khám phá một vùng đất giàu truyền thống. Long rong cùng cỗ xe ngựa trên đường đất, làm bạn với bác xà ích già, lắng nghe những truyền thuyết hư ảo, nhấp một tợp rượu Bàu đá, khà một hơi, chắc rằng bạn cũng như tôi, sẽ có lúc muốn lòng mình vỡ òa ra để rải đều tiếng lòng thổn thức bởi yêu quá quê hương mình.
Bá Phùng |