Bản hùng ca vang dội mọi thời

Ở tuổi 34, xuân Kỷ Dậu, Thăng Long 1789, chủ soái quân Tây Sơn- Nguyễn Huệ bước tới đỉnh cao chói lọi của vinh quang, vào thời khắc chiến dịch thần tốc mười ngày đêm toàn thắng, quét sạch quân xâm lược nước ngoài khỏi cõi bờ, tướng sĩ cùng dân chúng Thăng Long tưng bừng ăn Tết muộn.

Đến thời khắc huy hoàng ấy, sự nghiệp toàn dân, từ đốm lửa khởi nghĩa ở Tây Sơn (Bình Định) năm 1771, bùng lên thành “con rồng lửa” tung hoành trên cả nước, quét sạch các thế lực chúa Nguyễn trong Nam, tập đoàn Trịnh- Lê ngoài Bắc, hai lần đánh đuổi xâm lăng ở cả hai đầu đất nước, thế là đã hàn gắn lại “vết chém” cắt chia sông núi hơn hai thế kỷ - sông Gianh, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia ở thế kỷ bão táp nhất trong lịch sử trung đại nước nhà.

Nguyễn Huệ đã làm tròn lời thề trước núi sông, lời hứa trước ba quân: “Nội trong mười ngày, sẽ quét sạch quân xâm lược”. Ông cũng đã làm tròn lời ước hẹn với một nửa trái tim duyên kỳ ngộ của ông, đang ngóng theo ông từ kinh đô Phú Xuân (Huế) - công chúa Ngọc Hân, vợ hai, được Hoàng đế nể trọng phong Bắc cung Hoàng hậu. Hào quang chiến thắng trên đất tài hoa Thăng Long khiến anh hùng Nguyễn Huệ, con người thép trong chiến trận, áo bào còn nhuốm đen thuốc súng, lại bừng cảm hứng thi nhân - Ông sai đoàn khinh kỵ, đem cành đào Thăng Long, ngày đêm lướt gió về dâng Ngọc Hân, báo tiệp.

Là con người của chiến trận, dẹp loạn, yên dân, Nguyễn Huệ ngay từ trận đầu cầm quân, đã thần tốc và đánh thắng, bộc lộ thiên hướng một thiên tài quân sự. Ông xuất hiện vào thời điểm nghiệt ngã, gang tấc tồn vong của quân nghĩa Tây Sơn, trước sức ép từ hai phía đại quân Trịnh - Nguyễn như hai thớt cối sắp nghiền nát quân Tây Sơn đóng ở thành Quy Nhơn, năm 1773. Nguyễn Huệ được trao đại kỳ bằng lụa đỏ, gánh sứ mệnh hệ trọng phá vây. Một trận chớp nhoáng, mãnh liệt, trong một đêm, quân Tây Sơn đã hạ thành Phú Yên. Thừa thắng, các cánh quân Tây Sơn tiến lên đánh bại liên tiếp các đạo viện binh chúa Nguyễn, đẩy quân Nguyễn lui về phương Nam phòng thủ, khiến quân Trịnh chưa đánh đã lui về giữ đèo Hải Vân. Vậy là ngay ở trận đầu cầm quân, ở tuổi 23, Nguyễn Huệ đã tỏ rõ tài thao lược trội vượt, và từ đây, ông trở thành trụ cột quân nghĩa Tây Sơn. Trong bão táp thế kỷ 18, thiên tài Nguyễn Huệ xuất hiện như một cứu tinh dân tộc.

Dưới cờ chủ tướng Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn tung hoành vào nam, ra bắc, dẹp nội loạn, đánh xâm lăng, đánh đâu thắng đấy, chưa từng thua một trận. Những năm 1777, 1782, 1783, 1785, Nguyễn Huệ dẫn quân thủy, bộ tiễu trừ quân Nguyễn, bốn lần chiếm thành Gia Định. Trận sấm sét cuối cùng, đánh tan hai vạn quân nước ngoài do tàn dư chúa Nguyễn cầu cứu rước về, bằng trận thủy chiến kinh thiên động địa Rạch Gầm- Xoài Mút, chấm dứt ách thống trị cùng mưu đồ chia cắt đất nước của mười đời chúa Nguyễn, xóa tên gọi của hai thế kỷ chia cắt: “Đàng Trong”.

Chính ở bước ngoặt này của phong trào Tây Sơn, Nguyễn Huệ bộc lộ bản ngã lãnh tụ duy nhất xứng đáng với sự nghiệp nhân dân. Người khởi xướng phong trào, anh cả Nguyễn Nhạc trước cơ đồ đã quá rộng lớn so với ấp Tây Sơn hay phủ Quy Nhơn, đã lấy làm thỏa mãn. Sau khi ông yên lòng làm chúa một miền, xưng Tây Vương, đóng “đô” ở Đồ Bàn, xây thành đắp lũy, tác tạo cung điện, phong vương cho hai em - Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Nhưng Nguyễn Huệ, nhà thao lược mà quân nước ngoài nhắc đến phải bạt vía thốt lên “sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”, lại bộc lộ hoài bão và trí óc của một nhà chính trị nhìn xa thấy rộng. Ông tỏ ra có tầm nhìn trùm bờ cõi, khát vọng thống nhất giang sơn, tâm niệm cứu muôn dân cả nước khỏi cảnh dầu sôi lửa bỏng, hưng thịnh quốc gia khiến nước ngoài kiềng nể. Tài cầm quân xung trận không đủ nữa. Ông cần dựa vào cả sức dân, sức quân, và trí tuệ toàn dân tộc mà tiêu biểu là hàng ngũ trí thức tài giỏi nhất đương thời hết lòng phụng sự sự nghiệp nhân dân. Ông càng cố công tìm kiếm và kính cẩn thực lòng bái sư, nạp sĩ. Và rồi ông có tất cả, trên đường hành quân dọc đất nước, chiến thắng từng trận, làm chủ từng vùng, từ lúc bái biệt Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn, xông pha hoàn tất sự nghiệp còn dang dở.

Đầu năm 1776, Nguyễn Huệ thống lĩnh hai cánh quân thuỷ bộ đánh chiếm Phú Xuân, đuổi quân Trịnh chạy ngược ra bắc sông Gianh. Giữa năm 1776, không đợi lệnh của Nguyễn Nhạc danh chính vẫn là chủ soái, Nguyễn Huệ dẫn quân ra bắc lần thứ nhất, nhắm Thăng Long thẳng tiến. Tiến công chính trị, ông phân hóa đối phương, giương cờ “Phù Lê diệt Trịnh”. Hành binh đánh trận, ông chọn lối đánh nhanh, thắng nhanh, bỏ qua hàng loạt đồn nhỏ, đánh tiêu diệt những căn cứ lớn: Vị Hoàng (Nam Định), Phố Hiến (Hưng Yên), các đồn binh phòng thủ mạnh mạn đông và nam Thăng Long. Thế như gió cuốn, chưa đầy một tháng, đã đánh tan quân Trịnh, phế bỏ ngôi chúa từng 12 đời chễm trệ suốt hai thế kỷ. Triều Lê đã như ngọn nến leo lét, nhưng cảm quan chính trị mách bảo ông chưa vội thổi tắt. Nguyễn Huệ vui vẻ nhận lời kết giao, làm đám cưới trọng thể với công chúa Ngọc Hân, mấy ngày sau đó làm lễ quốc tang an táng vua Lê Hiển Tông, đưa Chiêu Thống lên ngôi kế vị. Nguyễn Huệ còn phải khó nhọc thân chinh lần thứ hai, năm 1777, mới dẹp tan các mưu đồ cát cứ, xóa bỏ nốt triều Lê, kiểm soát cả Bắc Hà.

Đỉnh cao toàn bộ sự nghiệp Tây Sơn và thiên tài Nguyễn Huệ, dồn nén và bùng nổ trong mười ngày lịch sử cuối năm 1788: Cuộc hành binh bắc tiến lần thứ ba đuổi quân xâm lược khỏi Thăng Long và bờ cõi. Đó là nét độc đáo vô song của cuộc cách mạng nông dân Tây Sơn, của số phận anh hùng Nguyễn Huệ. Một cuộc chiến tranh nông dân chống các thế lực phong kiến suy đồi, đòi dân chủ, tiến lên thành cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Người anh hùng thống nhất quốc gia, lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Quang Trung , đóng kinh đô ở Phú Xuân, lấy danh chính đất nước có chủ, tiến lên thành anh hùng lần thứ hai cứu nước. Chiến dịch hành quân thần tốc, đánh thắng gần 30 vạn quân nước ngoài đã cố thủ thành Thăng Long, chỉ có được mười ngày, để chậm hơn thời cơ sẽ mất, chỉ có sức mạnh thần kỳ của truyền thống yêu nước, quật cường toàn dân tộc được thổi bùng lên và dẫn dắt bởi thiên tài, mới làm nên đại thắng. Thiên tài Nguyễn Huệ lúc đó đã tới độ tích tụ và tỏa sáng, khi ngọn cờ cứu nước và đức độ bao dung, thực dạ cầu hiền của ông, đã đưa đến cho quân Tây Sơn những tài năng chính trị, quân sự, ngoại giao, tri thức bách khoa, thơ văn hàng đầu thời đại. Đó là Nguyễn Thiếp, Trần Văn Kỷ, Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ninh Tốn, Nguyễn Bá Lan…Trần Văn Kỷ cùng những bộ óc thân cận ở Phú Xuân đã sắp đặt cho Nguyễn Huệ lên ngôi, để “chính vị hiệu” thì oai phong và nhuệ khí quân dân mới ngất trời. Ở Bắc Hà, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã tính sẵn cơ mưu, dâng kế rằng chỉ có mười ngày để phá giặc, chậm hơn thì lỡ “cơ trời”. Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Phan Văn Lân được giao binh quyền và trọng trách coi giữ Bắc Hà, đã nhạy bén rút lui chiến lược, bảo toàn lực lượng, lui về lập phòng tuyến Tam Điệp- Biện Sơn, khiến đối phương trong thành Thăng Long kiêu căng không phòng bị. Nhân dân cả nước thì nhanh chóng trao vũ khí cho hàng chục vạn con em sung vào đạo quân cứu nước. Thế nên, Tết Thăng Long Kỷ Dậu 1789, những trận dũng mãnh thần tốc, bất ngờ đánh Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa mà đối phương tưởng “quân trên trời nhảy xuống”, bộ binh, kỵ binh, tượng binh, sấm ran chớp giật, quét sạch làu bóng quân chiếm đóng nước ngoài. Cái Tết hào hùng bậc nhất trong lịch sử kinh đô Thăng Long từng mấy phen là chiến địa:

Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Kề vai sát cánh cùng nhau nói:
Cố đô trở lại nước non ta!
(Ngô Ngọc Du, thế kỷ 18)


Triều Tây Sơn mở ra thời vận mới. Nước lớn phải nể vì, kết bang giao long trọng. Dân chúng cả nước được hồi sinh. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam đã cơ hồ chuyển tiếp sang trang sáng sủa hơn. Tiếc thay, cây cột trụ quốc gia Quang Trung đổ xuống đột ngột ở tuổi đời 39, triều Tây Sơn không người tài kế nghiệp, lịch sử nước nhà bị viết lại những trang cũ vô vị, càng về sau càng đen tối từ khi Nguyễn Ánh, núp dưới bóng thế lực phương Tây, trở về tái lập quyền lực dòng họ Nguyễn (1802).

Anh hùng Nguyễn Huệ- thiên tài quân sự, nhà chính trị, nhà ngoại giao lỗi lạc, nhà canh tân có hoài bão lớn, và sự nghiệp lừng lẫy Tây Sơn mãi mãi là bản hùng ca vang dội mọi thời.
 

Thế Văn
(Báo Nhân Dân xuân Quý Mùi)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ai về Bình Định  (28/02/2003)
Hãy cứu lấy những ngôi nhà lá mái  (28/02/2003)
Buồn vui cùng thể thao Bình Định năm 2002  (28/02/2003)
Thời gian và cảm xúc mùa   (28/02/2003)
Đôi nét về bốn gương mặt thơ nữ Bình Định  (28/02/2003)
Khói hương vẫn bay trên mộ Hàn Mạc Tử  (28/02/2003)
Trận đấu giữa Đội tuyển bóng đá U23 quốc gia -Bình Định: Cả hai đội vẫn còn khá nhiều việc để làm  (28/02/2003)
Sóng nhà phố cổ  (28/02/2003)
Những người "góp lửa" cho nhà hát tuồng Đào Tấn  (28/02/2003)
Có một độ tuồng đồng ấu  (28/02/2003)
Phạm Chương - nghệ sĩ tuồng bậc thầy  (28/02/2003)
Đội tuyển Việt Nam trở về trong cờ hoa  (28/02/2003)
Trương Thị Minh Đức - cô đào thanh sắc vẹn toàn  (28/02/2003)
Trò chuyện với tác giả "Cô gái vót chông"  (28/02/2003)
Hồn gỗ  (28/02/2003)