Bài dự thi “Tình yêu và Sự nghiệp”

Đôi bạn của tôi
 Cách đây 30 năm - những ngày hào hùng của dân tộc “12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không” chúng tôi là những nam nữ thanh niên đã tham gia chiến đấu và công tác tại chiến trường các tỉnh duyên hải miền Trung được Đảng cho ra miền Bắc chữa bệnh và học tập, tình nguyện tiếp tục về lại quê hương chiến đấu và công tác, trong chúng tôi có anh Mai Văn Năm và chị Bích Vân, bây giờ anh chị là của nhau, bên nhau trong một “gia đình hạnh phúc”.

Khóa I - Nguyễn Văn Trỗi do Trung ương Đoàn tổ chức - là lớp học sơ tán, học tại Đền Thượng - Phú Xuyên - Phú Châu - Thanh Oai - Hà Tây. Đây là một lớp bồi dưỡng về công tác Đoàn ngắn hạn cho chúng tôi. Trong lúc quân dân thủ đô Hà Nội anh dũng chiến đấu và giành thắng lợi vang dội khắp thế giới, cũng là lúc lớp học vừa kết thúc, chúng tôi chuẩn bị lên đường trở lại miền Nam. Tôi còn nhớ mãi chiều hôm ấy, đoàn xe lăn bánh đưa chúng tôi về hướng thủ đô yêu quý để được nhìn thấy mảnh xác chiếc B52 tại dốc Ngọc Hà. Lúc này trời đã chuyển về đêm, đoàn xe tiếp tục tiến về phố Khâm Thiên, chúng tôi bùi ngùi xúc động nhìn thấy cảnh toàn khu phố bị vùi trong khói - lửa- máu và nước mắt. Hình ảnh đó đã làm cho chúng tôi tăng thêm lòng căm thù, càng thôi thúc vững bước tiến lên.

Trời se lạnh, sương đêm rơi nhẹ, đoàn xe tiếp tục lăn bánh hướng về phía Nam, chúng tôi ngồi trong lòng chiếc xe quân sự. Đường đi lúc ấy đâu được như bây giờ, mỗi khi bị dồn lắc theo nhịp điệu của những “ổ voi” chúng tôi phải ôm chặt vào nhau rồi hát “Nào anh em ta cùng nhau xông pha…”; “Kết đoàn”, “Giải phóng miền Nam…”. Nhờ đó mà quên đi sự lạnh lẽo, mệt mỏi, tăng thêm sự phấn khởi hân hoan.

Kỷ niệm đến với chúng tôi ngày một nhiều thêm trong suốt hơn 2 tháng trên Trường Sơn, để rồi chúng tôi chia tay nhau theo sự phân công của Ban tổ chức khu ủy V về lại quê hương công tác. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất Tổ quốc, trong một chuyến công tác tình cờ chúng tôi gặp được lại nhau. Lúc này anh và chị đã nên vợ thành chồng và đã có hai cháu. Tôi thầm nói: “Chắc nhờ những “ổ voi” anh chị đã giành cho nhau những kỷ niệm đẹp đẽ nhất, bên nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và công tác”. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh chị tiếp tục công tác ở tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, rồi được tổ chức điều động về công tác tại tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay anh là ủy viên BCH TƯ Đảng, chị là một cán bộ lãnh đạo công tác tại TƯ Hội chữ thập đỏ Việt Nam.

Vào những ngày cuối tháng 12 năm 2002, trong lúc gia đình tôi ngồi xem chương trình truyền hình đưa tin hình ảnh “12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không”, chợt nhớ về đồng đội, tôi tranh thủ xen kẽ thời gian kể lại câu chuyện về những kỷ niệm ấy, mối tình của gia đình anh chị cho vợ và con nghe. Các thành viên trong gia đình tôi sung sướng, ngậm ngùi, im lặng nhìn nhau…mỗi người có một suy nghĩ riêng, rồi tiếp tục theo dõi chương trình.
 

HÒA BÌNH

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bản hùng ca vang dội mọi thời  (28/02/2003)
Ai về Bình Định  (28/02/2003)
Hãy cứu lấy những ngôi nhà lá mái  (28/02/2003)
Buồn vui cùng thể thao Bình Định năm 2002  (28/02/2003)
Thời gian và cảm xúc mùa   (28/02/2003)
Đôi nét về bốn gương mặt thơ nữ Bình Định  (28/02/2003)
Khói hương vẫn bay trên mộ Hàn Mạc Tử  (28/02/2003)
Trận đấu giữa Đội tuyển bóng đá U23 quốc gia -Bình Định: Cả hai đội vẫn còn khá nhiều việc để làm  (28/02/2003)
Sóng nhà phố cổ  (28/02/2003)
Những người "góp lửa" cho nhà hát tuồng Đào Tấn  (28/02/2003)
Có một độ tuồng đồng ấu  (28/02/2003)
Phạm Chương - nghệ sĩ tuồng bậc thầy  (28/02/2003)
Đội tuyển Việt Nam trở về trong cờ hoa  (28/02/2003)
Trương Thị Minh Đức - cô đào thanh sắc vẹn toàn  (28/02/2003)
Trò chuyện với tác giả "Cô gái vót chông"  (28/02/2003)