Chọi gà, một thú chơi công phu


Nếu loại trừ tính chất cờ bạc ra khỏi trò chơi chọi gà thì đây quả là một thú chơi mang đầy tính nghệ thuật.

Một nghề chơi công phu
Theo những người chơi gà “có nghề” thì để tạo được một con gà tài, việc then chốt là phải biết chọn dòng. Gà mẹ phải được xuất thân từ dòng gà bền bỉ, có sức chịu đòn tốt, gan dạ và nhất là không có thói xấu “trả độ”. Còn gà bố phải thuộc dòng có chân đá hiểm hóc, nhiều đòn thế hay. Ðược hội tụ những tố chất trên, trong đám gà con được sinh ra thế nào cũng có được ít nhất là 1 con gà tài. Trước đây, những dòng gà mái “chiến” (gà dữ) đều tập trung ở các vùng phía Nam như: Mũi Né, Chợ Lầu (Phan Thiết), dòng gà của cụ Tôn Thất Ðệ ở Nha Trang, dòng “Xám rách” của ông Bảy Ðệ ở Vạn Giã (Khánh Hoà). Còn hiện nay, do qua nhiều năm các tay chơi trao đổi với nhau nên những dòng gà hay đã được rải đều ở các địa phương.

Chọn gà tài phải được bắt đầu từ thuở “sơ sinh”. Trong một bầy gà vừa nở, người ta sẽ chọn con gà tách bầy đi bắt sâu kiếm ăn một mình, hoặc đêm về không “rúc vào nách mẹ” ngủ mà lại nằm ngủ đối mặt với mẹ (gọi là gà chầu mỏ). Còn nếu chọn gà không do mình tự “đúc” thì dựa trên những tiêu chuẩn căn bản như: cựa nhật nguyệt (cựa đen, cựa trắng), gà lưỡng nhãn (2 con mắt khác màu), gà có bớt trong lưỡi hoặc gà tử mị (tối nằm ngủ sải chân, sải cánh, duỗi cổ như chết). Những con gà được xem là “linh kê” khi chúng có những biểu hiện “lập dị” như: chúm chân bước từng bước đi như lính đi diễu hành, mặt cứ lắc qua lắc lại liên tục, hoặc mỗi buổi sáng sau khi được phun nước cứ đi vòng quanh lồng (gọi là gà né lồng).

Dân chơi gà đã đúc kết những đặc điểm trên bằng mấy câu: “Nhất thời chân chúm bỏ ra, nhì thời lắc mặt thứ ba né lồng” ! Tuy nhiên, qua kinh nghiệm, hiện vẫn có ý kiến cho rằng “kê đá, mã kỵ”, phải nhìn được chân đá thì mới xác định được gà hay dở, giống như chọn ngựa phải cưỡi thử. Chọn được gà ưng ý rồi nhưng nếu nuôi không đúng cách, huấn luyện không bài bản thì cũng chẳng thể nên gà. Chế độ ăn của gà phải được tuân thủ: Một ngày chỉ cho ăn 2 diều lúa, trưa cho ăn xen kẽ rau xanh, vài ngày mới cho ăn một ít mồi tươi. Nuôi kỹ quá gà sẽ bị “nục” (mập quá) cũng không tốt. Muốn gà dày da có sức chịu đựng tốt, son gà thì phải dùng nghệ tươi, lá ngũ trảo, một chút phèn chua tất cả giã nát ngâm rượu để xoa cho gà mỗi ngày và cho phơi nắng (sáng) thường xuyên.

Thường thì gà “chấm niên” (đúng 1 năm) mới được xây xổ tập tành chuẩn bị “tham chiến”. Những con gà đã được xây xổ xong phải được nuôi kỹ hơn nữa; tối cho ngủ mùng để khỏi bị muỗi cắn. Ðến thời điểm gà phải được cho đá dợt với một con gà khác hoặc để gà khác ngoài giỏ tre nhử trên không để tập đòn, tập thế đá cho gà. Nếu có được trong tay một con gà chuyên cắn lưng, đá ngực hoặc “đâm đùi”, “xỏ dĩa” thì chẳng còn gì bằng!

Chọi gà xưa và nay
Ngày xưa, ông cha ta chơi gà có thể ấn định thời gian “chọi” của gà bằng các líu (cây nhang phân đoạn) ngắn hoặc dài để gà nghỉ dưỡng sức. Nay mỗi “hồ” đấu được ấn định là 20 phút, nghỉ cho nước 5 phút, sau đó tiếp tục “chọi” cho đến khi phân thắng bại. Xưa, nếu gà mệt quá có thể đứng tựa vào nhau mà nghỉ hoặc được xử huề, nay thì gà chẳng còn “được phép” như vậy mà người chơi sẽ nắm đuôi của chúng kéo ra rồi thả vào để giục hăng cho chúng nhanh tiến đến ăn thua. Xưa, để tạo độ bền cho gà, trong những cuộc chơi người ta có thể dùng nước ấm để áp, thoa gừng hoặc cho gà uống nước tiểu nhưng nay thì không một loại thuốc nào được tiếp sức cho gà. Gà được ăn cơm, uống nước của trường gà. Do tính chất “một đi không trở lại”của cuộc chơi nên chuyện thắng bại trong một cuộc đấu không còn tùy thuộc 100% vào tài năng của con gà mà tùy thuộc phần lớn vào tài năng của người chủ. Tài năng của người chủ được thể hiện qua cách “chạng” gà. Khi “chạng”, gà được nhốt trong 2 chiếc giỏ, 2 người chủ phải “chạng” gà bằng mắt. Nhìn nhầm là cầm chắc chuyện thất bại. Cách cho nước gà sau mỗi “hồ” đấu cũng quan trọng không kém, nhìn cách chọi của gà người chủ biết con gà của mình cần cho nước nhiều hoặc ít, cần được quạt hay cần ăn cơm. Nếu làm sai gà sẽ bị giảm sức thi đấu.

Khi thực hiện bài viết này, tôi may mắn được gặp một “chuyên gia” chọi gà: anh Trần Ðình Văn (Bảy Quéo) 53 tuổi, ở thị trấn Bình Ðịnh (An Nhơn). Anh là một “chuyên gia” đúng nghĩa bởi anh đã biết chơi chọi gà từ năm 10 tuổi, nhắc đến cái tên Bảy Quéo trong giới chơi gà có lẽ không ai là không biết. Ngoài ra, từ năm 1996 đến nay anh đã đi chơi gà tại nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc… Giới chơi gà ở nước ngoài gọi anh là “Bảy Việt Nam”. Bề dày của nghề chơi đã cho anh nhiều kinh nghiệm từ việc chọn cho đến cách huấn luyện gà. Nhất là anh có đôi mắt rất tinh tường khi “chạng” gà. Rồi khi nhìn gà ra đòn với nhau, anh đã dám chắc trước mấy phần con gà nào thắng. Do đó gà của anh nuôi ra trường đấu ít khi phải chịu thất bại. Hiện anh đang có nguồn thu nhập rất cao từ việc cung cấp gà chọi cho dân chơi gà của các nước trong khu vực. Ngoài những con gà được “đúc” từ lò nhà, anh còn đến các trường gà xem “chân” để chọn mua gà cho “xuất ngoại”. Gà trong nước anh mua từ 500.000đồng đến vài triệu đồng/con, sang các nước bán được từ 100 đến cả ngàn USD/con.

Mạnh mẽ vì tính chất quyết đấu của nó, còn dịu dàng là vì chăm một con gà chẳng khác gì chăm một đứa con. Có lẽ những tình cảm đáng quý ấy không còn tồn tại mấy trong những người chơi gà chọi hiện nay, bởi cái đích chính của những người chơi bây giờ là những đồng tiền cá độ ! Thật đáng tiếc ! Giá như trò chơi chọi gà còn nguyên tính nghệ thuật như thuở ban đầu thì quả là một thú chơi vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng, rất hấp dẫn.
 

Vũ Ðình Thung

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Huỳnh Đức - Minh Quang ai đoạt Quả bóng Vàng?  (28/02/2003)
Bài dự thi “Tình yêu và Sự nghiệp”  (28/02/2003)
Bản hùng ca vang dội mọi thời  (28/02/2003)
Ai về Bình Định  (28/02/2003)
Hãy cứu lấy những ngôi nhà lá mái  (28/02/2003)
Buồn vui cùng thể thao Bình Định năm 2002  (28/02/2003)
Thời gian và cảm xúc mùa   (28/02/2003)
Đôi nét về bốn gương mặt thơ nữ Bình Định  (28/02/2003)
Khói hương vẫn bay trên mộ Hàn Mạc Tử  (28/02/2003)
Trận đấu giữa Đội tuyển bóng đá U23 quốc gia -Bình Định: Cả hai đội vẫn còn khá nhiều việc để làm  (28/02/2003)
Sóng nhà phố cổ  (28/02/2003)
Những người "góp lửa" cho nhà hát tuồng Đào Tấn  (28/02/2003)
Có một độ tuồng đồng ấu  (28/02/2003)
Phạm Chương - nghệ sĩ tuồng bậc thầy  (28/02/2003)
Đội tuyển Việt Nam trở về trong cờ hoa  (28/02/2003)