Mùa xuân từ những cánh đồi trọc

Bonsai là một loại hình nghệ thuật giúp người ta nén cái bao la, bất tận của cây cỏ, đất trời, sông núi vào trong một không gian hạn hẹp hơn thực tế rất nhiều lần mà vẫn đem lại cho người thưởng ngọan niềm xúc cảm vô biên do cái đẹp mang lại. Cây trồng tự nhiên không có đủ để đáp ứng nữa, người ta liền chú ý đến nguồn cây kiểng núi.

Cây kiểng mọc hoang mỗi nơi mỗi khác, tùy vào điều kiện khí hậu, vị trí cây cắm rễ mà dáng vẻ cây sẽ khác nhau, cây mọc ở đầu sóng ngọn gió dáng thế khác với cây treo mình bên bờ vực hiểm trở; cây đứng trên đồng bằng vươn vai tỏa bóng vững chãi sẽ khác với cây sống ở nơi đất cằn, núi đá khắc nghiệt mỗi cánh tay đều phải bám thật chặt vào lớp đất bên dưới … Hầu hết cây kiểng núi đang có mặt trên thị trường đều được khai thác ở các vùng đồi núi cằn cỗi ven biển miền Trung (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận); nơi cái nắng, cái gió khắc nghiệt chỉ cho phép những giống cây không mọc cao quá đầu người, có khả năng sinh trưởng mãnh liệt tồn tại.

Cách đây chừng hai mươi năm bằng việc phát hiện, khai thác, trồng và uốn sửa tại vườn sau đó đưa ra thị trường cây sam, và tiếp đó là cây sơn liễu, thợ khai thác kiểng núi (KTKN) Bình Định đã thành danh. Danh mục kiểng núi cứ dài thêm ra : sơn trà, trắc gai, lòng mứt (để ghép mai chiếu thủy), bạch chỉ, tử đằng, trân châu, đồng tiền, linh sam … Trừ mùa mưa còn lại các tháng trong năm đều tiến hành được nhưng tốt nhất vẫn là đầu xuân, đầu thu.

Trong các loại cây kiểng núi thì cây mai được nhiều người chú ý đến nhất. Mai núi đẹp phải kể đến mai núi Hòn Đất (Quy Nhơn), Chóp Chài (Tuy Hòa). Nuôi cho được cây mai núi từ lúc khai thác về đến lúc nó đâm chồi nảy lộc quả là thiên nan vạn nan. Dân khai thác đã kỳ công đào nguyên nồi đất, bó kỹ mang về. Rồi còn phải đến đợt lá thứ hai (sáu tháng sau) mới dám chắc là cây sống, có thể ghép giống đẹp vào thời điểm này hoặc chờ đến mùa xuân năm sau. Cố nhiên với cây đẹp thì dù là cây khai thác vẫn có giá rất cao.

Cây sam Bình Định là một giống cây kiểng nổi tiếng cả nước. Sáu Nghĩa, một thợ KTKN ở phường Đống Đa (Quy Nhơn) cho biết : “Đận cây sam ven biển được thị trường trong Nam lẫn ngoài Bắc hâm mộ, hầu như tay thợ khai thác kiểng nào cũng trở thành những chuyên gia leo núi đại tài. Cây sam sinh trưởng ở nhiều chân đất nhưng trớ trêu thay những cây sam sống trên những cánh đồi cằn ven biển, trên những gộp đá hiểm trở. Mà cũng không riêng gì cây sam, một vài giống cây khác như sanh núi, liễu tùng, linh sam khi được phát hiện ở những vị trí hiểm trở ở khu vực này, lạ lùng thay bao giờ cũng tuyệt đẹp.

Anh Võ Hồng Sơn (Sơn núi ) - người được mệnh danh là ông vua cây trắc gai Vũng Chua tâm sự : “Khai thác được cây đẹp đã là vất vả. Nhưng làm sao cho nó sống được trong chậu thì là thiên nan vạn nan. Mỗi cây một tính, lắm bận phải chết toi mất mươi cây mới biết được cái tính của dòng cây ấy. Mang cây về thợ phải dùng các loại dũm, đục thêm các vết cắt cho tự nhiên, xoi rãnh chữa những đoạn thẳng vô duyên, cưa lại rễ cho vừa cỡ chậu. Công đoạn này những tay thợ mới vào nghề không dám rớ tới vì lắm khi sẽ chữa trâu lành hóa què. Chỉnh sửa xong, lại ngâm nước một ngày cho cây lại sức rồi trồng. Trước đây dân KTKN thường dùng cát mịn để trồng cây. Cát sạch, ít vi khuẩn, dễ thoát nước không làm thối rễ non vết cắt. Cây chịu sống, một thời gian sau thợ xoi lỗ tưới dần mùn chất hữu cơ vào. Khi cây phát triển ổn định có thể thay đất tốt. Bây giờ đất trồng hiệu quả cao thời ươm cây là đất pha cát trộn xơ dừa. Gặp loại cây khó sống sử dụng thuốc kích thích rễ trong nước ngâm cây. Cẩn thận hơn, người ta dùng mỡ vazơlin loại dành cho thực vật bôi lên các vết cắt, cả cành, rễ. Thuốc này chống vi khuẩn xâm nhập, giữ nước cho cây và giúp cây mau lên da non. Cây thời kỳ ươm cần cung cấp đủ ẩm suốt da cây nhưng không quá nhiều đến mức nê nước. Nghe kể cây đào trên núi về bán được bạc triệu nhiều người tưởng ngon xơi, mấy ai hay đám KTKN chúng tôi cực đến cỡ nào.

Có một điều cần phải minh định rằng những người KTKN không phải là “lâm tặc” như một dạo nhiều người vẫn hiểu nhầm. Thông thường những cây được dân KTKN để mắt đến lại là những cây còi cọc, cằn cỗi. Cũng không nên nhầm người KTKN với những kẻ chuyên đào vạn tuế, đốn hạ cây rừng để lấy phong lan. Kỹ sư Trần Lập - một chuyên gia lâm sinh cho rằng : “Kiểng núi nên được xem như một nguồn lâm sản tận dụng của rừng cần được quản lý để phát triển đúng quy định.”
 

Bài và ảnh: Bá Phùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân, nhớ Bình Định xưa…  (21/02/2003)
Vua và em  (21/02/2003)
Nguyễn Huệ – một thiên tài quân sự kiệt xuất  (21/02/2003)
Làng phong Quy Hoà - một quần thể kiến trúc độc đáo  (21/02/2003)
Chợ rượu hoàng cung xưa   (21/02/2003)
Cầu thủ Tây ăn Tết ta   (21/02/2003)
Nỗi nhớ Bác Hồ và tiếng hát mùa xuân   (21/02/2003)
Những bà vợ của Hoàng đế Quang Trung  (21/02/2003)
Đa dạng sắc màu báo Tết  (21/02/2003)
Một tục lệ lạ của mùa xuân: Thi đấu dê  (21/02/2003)
Bình Định – Đất thủ môn   (21/02/2003)
Hồn dân tộc rền trong tiếng trống  (21/02/2003)
Điện ảnh Việt Nam năm 2002: bứt phá nhưng chưa về đích !  (21/02/2003)
Trải mùa xuân trên sàn diễn  (21/02/2003)
Quân tình báo của vương triều Tây Sơn  (21/02/2003)