Ẩn ngữ của đất

Vò quả lê

Như một hội tụ chói sáng, gốm cổ Champa đến thời kỳ Bình Định thì đạt đến đỉnh cao trong sáng tạo nghệ thuật. Đã có một bước đột biến từ gốm Champa giai đoạn trước không men, có kỹ thuật đơn giản, sang những tạo phẩm đạt giá trị cao về nghệ thuật và mang tỉa một phần linh hồn Champa với gốm Gò Sành.

Đi trọn một hành trình từ đất qua lửa, mỗi sản phẩm gốm hiện tồn như sự có thật của những giấc mơ và khát vọng. Bởi nghệ thuật là gì nếu chẳng phải là sự hiện thực hóa những giấc mơ. Những sản phẩm mang trong sắc trầm của mình, màu của cỏ cây, của đất và của nước, như một phần khác cuả tâm hồn Chăm. Đến thời kỳ Vijaya, những đền tháp cũng như vươn mình lên, ngự trên đồi cao; thu lại trong ngôn ngữ của hình khối, vút thành những mũi giáo, nét vươn của tầng diểm mái như một khẳng định cho khí chất mạnh mẽ và bản lĩnh. “Tiết tấu biển cả”, dữ dội và cuồng say - đó là một sắc thái đậm nét của tâm hồn Chăm đã được thể hiện trong kiến trúc và điêu khắc.

Nhưng còn một phần khác: chút u trầm, suy niệm, họ dành trọn cho gốm. Tận dụng nguồn đất sét trắng địa phương người Chăm đã pha thêm đất sét đỏ, bã thực vật và cát với tỷ lệ thích hợp để tạo độ sâu cho sắc gốm, tăng độ bền cho sản phẩm. Với xương gốm nặng đục, dày; độ sâu của sắc gốm được gia thêm bằng những nét trang trí đơn giản: hoa văn sóng nước, hoa lá, cánh sen, dây cúc… phủ một màu men dày, đều và nhiều diêu biến. Cộng vào đó là sự thăng hoa của kỹ thuật. Sắc độ men đa dạng; cấu trúc lò hình ống với kiểu đốt lửa độc đáo: lửa đốt từ bầu lò, dẫn qua ống, phả lên trần; toả nhiệt đều và ít gây bụi bám trên sản phẩm. Tất cả hợp thành một vẻ độc sáng riêng cho gốm Bình Định: khác với cái cầu kỳ, độc đáo của gốm Tàu; khu biệt với vẻ giản dị, chắc khoẻ, phóng khoáng, đầy chất dân dã của gốm Việt.

Những sản phẩm không còn đơn thuần là những tạo phẩm vô hồn của kỹ thuật mà đã tải theo những quan niệm, những buồn vui, những suy tư và triết lý. Giữa những biến động quá dữ dằn với khát vọng sống của con người, giữa những cuồng lưu của đời sống, gốm tồn tại như những giấc mơ màu tím dịu dàng và đượm buồn, sâu thẳm nâng đỡ con người.

Qua gốm, ta có thể hình dung những bước đi trong diễn trình nghệ thuật này và từ đó khắc phục được những nhận thức sai lầm về gốm Gò Sành. Chẳng hạn, trong quan niệm của nhiều người thì nghệ thuật gốm Gò Sành chỉ có thể tồn tại muộn nhất là đến thế kỷ XV đúng với thời điểm chấm dứt của vương triều Vijaya. Tuy vậy, những hiện vật như: những dĩa và chén có màu men và hoa văn cánh sen gần với gốm Lý – Trần nhưng không thể xếp vào dòng gốm Việt do chất đất Bình Định và men đã có phần không tinh tế như gốm Việt. Đây chỉ có thể là một sản phẩm gốm dòng Gò Sành được sản xuất sau thế kỷ XV. Lúc này, người thợ Việt, trên cơ sở hợp dung hai truyền thống gốm, sử dụng chất đất địa phương, tạo tác ra những sản phẩm tương tự như phía Bắc, nhưng không đạt tới trình độ như cũ. Những sản phẩm trên là kết quả của nỗ lực hồi cố đó. Chúng chỉ có thể ra đời sau thế kỷ XV. Học giả Nhật Bản Aoyagi Yoji khi nghiên cứu gốm Bình Định tìm thấy tại nghĩa địa Đại Lang và bán đảo Calatagan và trên con tàu đắm gần đảo Panadan (Philipine) cũng đi đến kết luận: “Thời kỳ sản xuất đồ gốm Champa kéo dài từ thế kỷ XIV đến nửa sau thế kỷ XVII hoặc đầu thế kỷ XVIII” và “mạnh mẽ nhất là thế kỷ XV và XVI”.

ấm có quai

Bên cạnh những vật dụng thường nhật, thăng hoa từ chất liệu đất nung này, tượng đất nung Gò Sành ra đời. Những tượng gốm này đã thể hiện: đây không chỉ đơn thuần là sự thăng hoa về kỹ thuật, nghệ thuật gốm mà chất liệu mới, trên cơ sở kế thừa phong cách tháp Mẫm trong điêu khắc đã tạo thành một bước chuyển mới cho nghệ thuật tạo tượng Champa. Thăng hoa về kỹ thuật, bởi những tác phẩm này, không chỉ đòi hỏi một kỹ thuật cao trong tạo hình mà ngay từ những khâu vốn khá đơn giản trong nghề gốm như làm đất, nung cũng đòi hỏi một sự chuẩn xác cao. Về nghệ thuật, bởi những sản phẩm này đã vượt thoát khỏi công năng sử dụng đơn thuần để trở thành tác phẩm nghệ thuật với đúng nghĩa của từ này. Những tác phẩm, như những chiếc đầu sư tử, mặt nạ, tượng thần hộ pháp, tượng tu sĩ thổi sáo, những tượng thú vật như cặp hươu… vẫn mang ấn tín riêng của phong cách tháp Mẫm. Tượng thú vật, ngộ nghĩnh với cặp mắt được thể hiện tài tình, có hồn và đáng yêu; đầu sư tử trang trí cầu kỳ với những dải hình tia lửa, gay gắt, nóng bỏng; tượng hộ pháp tuy có vẻ dữ dằn nhưng đằng sau vẫn như còn phảng phất nụ cười với kẻ hành hương… Nhưng đây là phong cách tháp Mẫm trong tượng đất nung, nghĩa là tất cả những đường nét đó đã được tinh lọc qua nét đặc thù của chất liệu vốn luôn được người nghệ sĩ Champa xem trọng. Đường nét đã bớt đi chút gân guốc, cầu kỳ; nét mộc mạc, chân thực được lộ tỏ.

Điều độc đáo là tất cả những tác phẩm gốm này là không men, màu đất nung, tự nhiên và hồn hậu như trời, như đất, như cái thánh thiện trong tâm hồn cần hướng tới. Sự tổng hòa màu sắc và đường nét tượng đất nung và mỹ cảm không gian đền tháp cũng cần được nghiên cứu kỹ và chúng ta nên nhớ, đây là những tác phẩm phục vụ cho tôn giáo, tuy nhiên đó không phải là chủ đề của bài viết này. Nếu những tác phẩm gốm gia dụng men màu gây nhiều tranh luận về nguồn gốc của chúng. Có thể là sản phẩm của thầy Tàu - thợ Champa chăng? Thì những tác phẩm tượng đất nung không men, lại hoàn toàn thể hiện cội nguồn Champa của chúng. Trước hết, đây là những tượng phục vụ tôn giáo và chính vì thế, hơn trong bất cứ loại hình nào, chúng phải thể hiện được sắc thái cội nguồn của người Champa, chúng phải được người nghệ sĩ Champa đặt cược bằng tất cả tâm hồn mình như một niềm tin dâng lên thần thánh. Chúng- những tác phẩm này- là một phần linh hồn Champa.

Trong điêu khắc, tượng đất nung Gò Sành kết tục phong cách tháp Mẫm trên chất liệu đất nung. Sự so sánh tượng đá tháp Mẫm với đất nung Gò Sành có thể mang đến nhiều phát hiện mới. Trong gốm, tượng đất nung là đỉnh cao của nghệ thuật gốm Champa, gốm Đông Nam Á. Từ phong cách tháp Mẫm đến tượng đất nung Gò Sành, là sự lên ngôi của đất nung bên cạnh sự chuyển mình của điêu khắc đá. Nhìn trong tổng thể diễn trình nghệ thuật Champa, tượng đất nung khẳng định thêm một bước chuyển thẩm mỹ quan trọng: nền nghệ thuật Champa đang hướng thực.

Gốm Gò Sành, đỉnh cao của nghệ thuật gốm Champa, là một trong ba bộ phận hợp thành nghệ thuật Champa và phong cách Bình Định của nền nghệ thuật này. Từ gốm và qua gốm, cho thấy ở giai đoạn Vijaya, người Chăm đã tiếp cận đến những đỉnh cao trong thưởng thức và sáng tạo giá trị văn hoá. Giá trị của gốm, cùng với những đền tháp Chăm “sẽ mãi mãi là một trong những cái cao quý nhất mà nhân loại đã tưởng tượng ra để được tha thứ cho cái tội đã lỡ sinh ra trên kiếp trần này” (chữ của Will Durant dùng để xưng tụng nghệ thuật gốm sứ Trung Hoa). Và trong chính hình thái này của nghệ thuật Champa, tượng gốm đã ra đời và có thể được đánh dấu như một đỉnh cao. Một sưu tập đầy đủ và toàn diện với những hiện vật tiêu biểu của gốm Gò Sành luôn là ước muốn chun
g của những người yêu gốm.
 
. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân từ những cánh đồi trọc  (21/02/2003)
Mùa xuân, nhớ Bình Định xưa…  (21/02/2003)
Vua và em  (21/02/2003)
Nguyễn Huệ – một thiên tài quân sự kiệt xuất  (21/02/2003)
Làng phong Quy Hoà - một quần thể kiến trúc độc đáo  (21/02/2003)
Chợ rượu hoàng cung xưa   (21/02/2003)
Cầu thủ Tây ăn Tết ta   (21/02/2003)
Nỗi nhớ Bác Hồ và tiếng hát mùa xuân   (21/02/2003)
Những bà vợ của Hoàng đế Quang Trung  (21/02/2003)
Đa dạng sắc màu báo Tết  (21/02/2003)
Một tục lệ lạ của mùa xuân: Thi đấu dê  (21/02/2003)
Bình Định – Đất thủ môn   (21/02/2003)
Hồn dân tộc rền trong tiếng trống  (21/02/2003)
Điện ảnh Việt Nam năm 2002: bứt phá nhưng chưa về đích !  (21/02/2003)
Trải mùa xuân trên sàn diễn  (21/02/2003)