Nghệ sĩ Văn Vỹ và niềm say mê diễn tuồng

Tôi đã được xem Văn Vỹ đóng vai Ngô Mặc (tuồng Lộ Địch) và vai Hoàng Phi Hổ (tuồng Hoàng Phi Hổ quả quan) trên sân khấu nước Đức trong tháng 10 năm 2002. Khán giả châu Âu đã nhiệt tình vỗ tay khen ngợi tài nghệ biểu diễn của NSƯT Văn Vỹ. Nhờ nắm vững vốn nghề truyền thống, trong những năm gần đây Văn Vỹ đã giành những thắng lợi liên tục trên sân khấu hội diễn toàn quốc với các vai Hoàng Phi Hổ, Lê Hồng Phong, Bùi Đắc Tuyên...

Nghệ sĩ Ưu tú Văn Vỹ sinh ra và lớn lên ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nơi có phong trào hát bội lâu đời. Nơi đây cũng có nhiều nghệ nhân tên tuổi như: Chánh ca Đông, Chánh ca Võ (Võ Đựng), Đội Hiệp, Bát Phàn, Cai Tư. Tiếp theo có tam danh ca: Hoàng Chinh, Tư Cá, Long Trọng và các cô đào Hồng Thu, Ngọc Cầm, Lệ Siềng, Thu An...

Văn Vỹ mê tuồng từ bé, đêm nào anh cũng tới rạp tuồng. Anh học hát tuồng từ tuổi 15 và trở thành một diễn viên nghiệp dư.

Sau năm 1975 phong trào văn nghệ thanh niên ở vùng Tuy Phước rất sôi nổi. Văn Vỹ làm đội trưởng đội văn nghệ xã. Anh sáng tác một vài kịch ngắn thông tin hoặc hoạt cảnh tuồng để phục vụ phong trào. Được mọi người khuyến khích nên anh cũng say mê học và diễn tuồng. Với lòng say mê nghệ thuật tuồng, lại được học nhiều thầy giỏi nên Văn Vỹ nắm được vốn nghề cơ bản. Nhờ đó mà anh trúng tuyển vào lớp tuồng của Nhà hát tuồng Nghĩa Bình để từ đó mãi mãi theo nghề tuồng.

Văn Vỹ là một học viên xuất sắc, diễn được các vai như Trần Bình Trọng, Lý Phụng Đình, Cao Hoài Đức, Triệu Khuông Dẫn, Đổng Kim Lân. Sau bốn năm miệt mài học tập, Văn Vỹ được bổ sung vào đoàn tuồng chuyên nghiệp được diễn chung với các thầy như Võ Sĩ Thừa, Đinh Quả, Phạm Tuất, Hưng Quang... và nhiều diễn viên tên tuổi khác. Văn Vỹ đóng vai Trần Quang Diệu vở Tây Sơn Tụ Nghĩa: Thạch Sanh trong vở cùng tên; và các vai đã được học trong trường, và dần dần diễn được nhiều vai kép trắng như: Tống Nhân Tôn (vở Xử án Bàng Quý Phi). Hoàng Ngọc (vở Giai Nhân trong thời loạn), Đề lại (trong Nghêu Sò Ốc Hến...), Anh Thành (trong Păng Pơi)...

Ở những vở dàn dựng mới, Văn Vỹ cũng đã sáng tạo thành công một số vai như: Huệ Minh (vở Vua cướp). Xi Mơ Rê (vở Quyền uy và tội ác), Lê Hồng Phong (vở Sáng mãi niềm tin), Bùi Đắc Tuyên (vở Bùi Thị Xuân). Vua Càn Long (vở Trời Nam), Chí Trung (vở Nguyễn Trãi), Chúa Trịnh (vở Đào Duy Từ)... Học và diễn những vai kép trắng chính diện, Văn Vỹ cũng đã có một số thành công nhất định. Bên cạnh đó, Văn Vỹ còn đóng một số vai kép xanh, kép xéo và một số vai phản diện khác. Và vốn kiến thức về tuồng truyền thống của anh càng phong phú vững vàng hơn. Văn Vỹ là một diễn viên luôn luôn yêu nghề và cầu tiến bộ nên sự phát triển của anh khá vững chắc. Chúng tôi đã xem Văn Vỹ diễn hàng loạt vai tuồng cổ khá thành công, nhưng khi anh chuyển qua diễn những vai phản diện như Lý Thông (tuồng Thạch Sanh), Quan Huyện (vở Vương Thiên Kim tế chồng), Trịnh Kiểm (vở Nguyễn Hoàng), Lê Lý (trong vở tuồng Chị Ngộ)... thì càng thấy được tài năng đa dạng ở người nghệ sĩ trung niên này. Văn Vỹ còn học được và diễn khá tốt những vai kép xanh, kép xéo như: Võ Tam Tư (tuồng Tiết Giao trả ngọc), Khương Linh Tá (tuồng Sơn Hậu), Trương Phi (tuồng Quan Công hồi Cổ Thành).

Văn Vỹ có may mắn đã là học trò của cố NSƯT Hoàng Chinh. Anh đã học được ở người nghệ sĩ tài năng này những vai tuồng cổ rất khó như: Hoàng Phi Hổ, Đổng Kim Lân.

Học và làm nghề diễn tuồng 25 năm, đã có được nhưng thành công, nhưng nghệ sĩ Văn Vỹ luôn luôn thấy nghệ thuật tuồng nói chung và tuồng Bình Định nói riêng như một hòn núi cao chất ngất mà anh mới trèo được năm, ba bậc...

Nghệ sĩ Ưu tú Văn Vỹ sống khiêm tốn, yêu nghề và luôn luôn tìm tòi học tập, sáng tạo. Anh cho biết nỗi lo lớn nhất của anh hiện nay là nghệ thuật tuồng bị mai một ở quê anh - huyện Tuy Phước sau giải phóng có tới vài chục đội tuồng nhưng đến nay chỉ còn vài ba đội. Những bậc thầy về nghệ thuật biểu diễn tuồng đang già nua và lần lượt ra đi mà lớp trẻ chưa kế thừa được bao nhiêu!

(Theo Nhân Dân)

   

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sông Lam Nghệ An - Bình Định 1-0: Đội chủ nhà đã tận dụng được lợi thế  (21/02/2003)
Ẩn ngữ của đất  (21/02/2003)
Mùa xuân từ những cánh đồi trọc  (21/02/2003)
Mùa xuân, nhớ Bình Định xưa…  (21/02/2003)
Vua và em  (21/02/2003)
Nguyễn Huệ – một thiên tài quân sự kiệt xuất  (21/02/2003)
Làng phong Quy Hoà - một quần thể kiến trúc độc đáo  (21/02/2003)
Chợ rượu hoàng cung xưa   (21/02/2003)
Cầu thủ Tây ăn Tết ta   (21/02/2003)
Nỗi nhớ Bác Hồ và tiếng hát mùa xuân   (21/02/2003)
Những bà vợ của Hoàng đế Quang Trung  (21/02/2003)
Đa dạng sắc màu báo Tết  (21/02/2003)
Một tục lệ lạ của mùa xuân: Thi đấu dê  (21/02/2003)
Bình Định – Đất thủ môn   (21/02/2003)
Hồn dân tộc rền trong tiếng trống  (21/02/2003)