Nhớ nghệ nhân Hồng Thu

Nghệ nhân Hồng Thu tên thật là Hà Thị Mộng Thu, sinh năm 1916 tại Nhơn Hòa - An Nhơn. Bà là một nghệ sĩ hát bội nổi tiếng ở Bình Định trong suốt gần 40 năm, từ 1930 đến 1968 (lúc bà chia tay sân khấu). Nghệ nhân Hồng Thu có nhiều đóng góp cho sân khấu hát bội Bình Định trong các lĩnh vực biểu diễn và đào tạo. Vì tuổi cao sức yếu, bà qua đời ngày mồng bốn Tết Quý Mùi, thọ 87 tuổi.

Cho đến khi tôi có được những hiểu biết về những đặc trưng cách điệu, ước lệ….của nghệ thuật hát bội để rồi mê đắm với các làn điệu hát Nam, hát Khách, các trình thức biểu diễn độc đáo… của bộ môn nghệ thuật này thì nghệ nhân Hồng Thu đã chia tay ánh đèn sân khấu, để lại cân đai áo mão cho lớp nghệ sĩ kế thừa. Nhưng những lời xưng tụng về người nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn này của các thế hệ nghệ sĩ và khán giả hát bội Bình Định thì vẫn còn lưu lại mãi. Mười mấy năm về trước, lúc còn minh mẫn, bà đã kể cho chúng tôi nghe cuộc đời nghệ thuật của bà, về những nghệ sĩ nổi tiếng, những giai thoại đặc sắc của sân khấu hát bội (SKHB) Bình Định. Trong những công trình nghiên cứu về SKHB Bình Định của chúng tôi, ít nhiều có sự đóng góp của bà.

Được sự chân truyền của cha (cụ Thập Tám - học trò của Đào Tấn) cộng với khả năng và nhan sắc thiên phú, ở tuổi 18 Hồng Thu nổi tiếng là cô đào đẹp nhất và hát hay nhất huyện An Nhơn. Bà cùng với Minh Đức (sau này được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân) được xem là cặp đào thế hệ thứ hai của SKHB Bình Định (đào Ngọ và đào Dần - đều ở Phù Cát- là 2 phụ nữ đầu tiên tham gia SKHB Bình Định).

Khả năng nghệ thuật của Hồng Thu được khẳng định khi bà đến với gánh hát của ông Chánh ca Nhì ở Quy Nhơn. Đây là một gánh hát qui tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong tỉnh, thường lưu diễn suốt miền Trung, có những diễn viên nam chuyên đóng vai đào rất đặc sắc như Tám Thanh, Thọ Chung, Nhưng Yến, Chánh ca Nhì… Khi Hồng Thu và Minh Đức gia nhập gánh hát thì dần dần các nghệ sĩ này chuyển sang đóng kép. Chính ở gánh hát này, Hồng Thu và Minh Đức đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của mình; khán giả miền Trung đều biết tiếng và ái mộ cặp đào hay nhất tỉnh Bình Định bấy giờ. Nhiều gánh hát ở Quảng Ngãi, Tuy Hòa… hứa hẹn sẽ trả lương cao để lôi kéo 2 bà về với gánh của mình, nhưng cả hai đều từ chối.

Nếu Minh Đức thường thành công với các vai đào bi thì Hồng Thu lại rất xuất sắc ở vai đào chiến. Phàn Lê Huê, Trại Ba, Đào Tam Xuân, Liễu Nguyệt Tiêm… là những vai diễn xuất sắc của Hồng Thu. Ở vai Phương Cơ (Ngọn lửa Hồng Sơn) cả Hồng Thu và Minh Đức đều nổi tiếng, nhưng mỗi người lại có miếng sở trường riêng. Mỗi khi Phương Cơ hất đầu cho mái tóc dài xõa xuống đến tận chân, khán giả lặng đi trước vẻ đẹp man dại của cô đào điên thì đó là đào Hồng Thu. Còn mỗi khi Phương Cơ cất tiếng cười sắc như kim châm, nhói buốt đến tận óc thì khán giả hiểu rằng vai Phương Cơ này là của đào Minh Đức.

Cho đến tận ngày nay, nói về đào võ nổi tiếng của Bình Định thì ai cũng phải nhắc đến Hồng Thu. Bên cạnh thanh sắc và nghệ thuật biểu diễn điêu luyện, võ nghệ là một yếu tố không kém phần quan trọng giúp bà thành danh trên sân khấu. Bà biết rằng sắm vai đào chiến thì ngoài việc hát hay, múa đẹp, còn phải có thêm chất vũ dũng, nên ngay từ khi mới bước vào nghề, Hồng Thu đã chuyên tâm rèn luyện võ nghệ dưới sự chỉ giáo của cụ thân sinh, sau này còn học thêm ở võ sư Hương kiểm Lài - một võ sư nổi tiếng ở Bình Định. Nhiều diễn viên nam đôi khi muốn thử tài võ của bà cũng phải khâm phục.

Năm 1952, có chủ trương phục hồi vốn cổ dân tộc, SKHB Bình Định lại phục sinh nhanh chóng. Hồng Thu trở lại với nghề và khẳng định tài năng của mình qua một số vai đào võ như Chung Vô Diệm, Lan Anh, Phàn Lê Huê, Trại Ba, Liễu Nguyệt Tiêm, Đào Tam Xuân… Bà cũng rất xuất sắc trong một số vai kép như Khổng Minh, Từ Thứ, Địch Thanh, Lộ Địch, Võ Tòng… Chồng của bà là nghệ sĩ Hoàng Chinh cũng là một kép hát nổi tiếng trong tam danh ca Bình Định (được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú).

Ở tuổi 52 (1968) Hồng Thu giã từ sân khấu, để lại sự nuối tiếc cho nhiều khán giả. Quan niệm của bà là vì tuổi cao nên nhường sân khấu lại cho lớp trẻ. Bà mở trường dạy hát ở Nhơn Hòa, đào tạo được nhiều lớp diễn viên có tài. Nghệ nhân Hồng Thu không còn nữa nhưng tài năng của bà mãi còn lưu lại trong lòng khán giả của SKHB Bình Định.

Thúy Vy


Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghệ sĩ Văn Vỹ và niềm say mê diễn tuồng  (21/02/2003)
Sông Lam Nghệ An - Bình Định 1-0: Đội chủ nhà đã tận dụng được lợi thế  (21/02/2003)
Ẩn ngữ của đất  (21/02/2003)
Mùa xuân từ những cánh đồi trọc  (21/02/2003)
Mùa xuân, nhớ Bình Định xưa…  (21/02/2003)
Vua và em  (21/02/2003)
Nguyễn Huệ – một thiên tài quân sự kiệt xuất  (21/02/2003)
Làng phong Quy Hoà - một quần thể kiến trúc độc đáo  (21/02/2003)
Chợ rượu hoàng cung xưa   (21/02/2003)
Cầu thủ Tây ăn Tết ta   (21/02/2003)
Nỗi nhớ Bác Hồ và tiếng hát mùa xuân   (21/02/2003)
Những bà vợ của Hoàng đế Quang Trung  (21/02/2003)
Đa dạng sắc màu báo Tết  (21/02/2003)
Một tục lệ lạ của mùa xuân: Thi đấu dê  (21/02/2003)
Bình Định – Đất thủ môn   (21/02/2003)