Trần Minh Quang và hành trình đến với “Quả bóng bạc”

Như tin đã đưa, chiều tối ngày 19-2, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ bầu chọn và trao Giải thưởng “Quả bóng vàng Việt Nam” lần thứ 8. Kết quả, thủ môn Trần Minh Quang (Bình Định) đã đoạt danh hiệu “Quả bóng bạc”. Đây không chỉ là vinh dự đối với bản thân Trần Minh Quang, mà còn là tin vui đối với bóng đá Bình Định.                                  

Trần Minh Quang sinh năm 1973, trong một gia đình có tới 10 anh chị em (6 trai, 4 gái). Thân phụ của Minh Quang là ông Trần Trọng (thường gọi là Nghệ Trọng) và mẹ là bà Lê Thị Thìn. Cả gia đình Minh Quang ai cũng mê bóng đá. Riêng Quang, ngay từ nhỏ đã từng mơ ước trở thành một cầu thủ (không phải thủ môn). Có lẽ “cầm tinh con trâu” nên cuộc đời cầu thủ của Trần Minh Quang trải qua không ít lận đận. Năm 14 tuổi (1987), cậu bé Minh Quang được mẹ dắt đến SVĐ Qui Nhơn, xin vào lớp năng khiếu bóng đá của HLV Tống Anh Hoàng. Khi đó, do lớp năng khiếu quá đông nên HLV Tống Anh Hoàng định từ chối không nhận Minh Quang. Nhưng khi “coi giò, coi cẳng” cậu bé Quang, HLV Tống Anh Hoàng chợt thay đổi ý kiến. Ông đồng ý tiếp nhận Minh Quang vào lớp năng khiếu nhưng với điều kiện Quang chỉ đươcï huấn luyện để trở thành thủ môn. HLV Tống Anh Hoàng tâm sự: “Không hiểu sao khi đó tôi có linh cảm Minh Quang sẽ là một thủ môn có triển vọng…”. Và, nếu không có “đôi mắt xanh” của cựu tiền đạo Tống Anh Hoàng, có lẽ cuộc đời Trần Minh Quang đã rẽ sang một hướng khác (?). Mặc dù tập luyện ở lớp năng khiếu nhưng suốt nhiều năm sau đó con đường để trở thành một thủ môn thực thụ của Minh Quang vẫn chưa được xác định rõ nét. Đầu cấp THPT (lớp 10), Quang tập luyện được khoảng vài tuần rồi xin nghỉ, tập trung cho việc học tập. Sang năm lớp 11, Quang cũng chỉ tập được vài ba tháng rồi lại nghỉ, tập trung học tập. Và, đến năm học lớp 12 thì hầu như toàn bộ thời gian Quang đều dành cho việc học tập. Cho đến khi tốt nghiệp THPT (1991), Trần Minh Quang mới chính thức đăng ký tham gia đội bóng.

Khi Minh Quang được bổ sung vào danh sách đội bóng đá Bình Định (1992) thì tên tuổi của thủ môn Nguyễn Văn Cường đang “nổi như cồn”, nên vị trí của anh ít được chú ý. Cho đến năm 1996, khi Nguyễn Văn Cường làm nhiệm vụ thủ môn đội tuyển Quốc gia, Minh Quang mới được bắt chính cho đội Bình Định. Chỉ trong một thời gian ngắn, Quang đã chứng tỏ là một thủ môn có nhiều triển vọng. Cuối năm 1996, Minh Quang được gọi tập trung vào đội tuyển Olympic Quốc gia. Đây có thể coi là “bước ngoặt “ quan trọng đối với cuộc đời thủ môn của Quang. Nhờ khả năng cũng như tinh thần, ý thức tập luyện tốt, Minh Quang được HLV Colin Murphy chọn vào đội hình đội tuyển Việt Nam tham dự Dunhil Cup 97 tổ chức tại Malaysia. Nhưng, “vạn sự khởi đầu nan”. Ngay ở cuộc thi đấu quốc tế đầu tiên, Minh Quang đã phải “nếm mùi” cay đắng. Do thiếu “kinh nghiệm trận mạc”, Trần Minh Quang phải liên tiếp vào lưới nhặt bóng, trong đó có những trận tới… 3 trái. Thất bại ở Dunhil Cup 97 là một cú sốc nặng đối với Minh Quang. Thậm chí, đã có lúc Quang định “treo găng”, giã từ sân cỏ. Chưa hết! Tiếp sau đó, Minh Quang lại phải hứng chịu liên tiếp những tai nạn, rủi ro, buồn phiền… Từ Dunhil Cup trở về, Minh Quang phải thi đấu trong đội hình hạng nhì. Vừa cùng đồng đội đưa đội bóng Bình Định trở lại hạng nhất thì tai hoạ lại ập xuống. Tháng 5-1998, trong trận gặp Cảng Sài Gòn, Minh Quang bị chấn thương nặng đến mức gãy chân phải. Đó cũng là thời điểm đội Bình Định lại rớt xuống hạng nhì. Vậy là tiêu tan.

Thế nhưng, một lần nữa Minh Quang lại gượng đứng dậy. Noi gương ý chí của thầy Dương Ngọc Hùng, Minh Quang lo tìm thầy chữa trị chấn thương và kiên trì tập luyện, phục hồi sức khoẻ. Tinh thần, ý chí quyết tâm của Quang đã được đền đáp. Chân của Minh Quang không những phục hồi mà còn có thể tiếp tục thi đấu bình thường. Trở lại sân cỏ, Minh Quang được tham dự Dunhil Cup 98, nhưng phải “đóng vai phụ” cho thủ môn Trần Tiến Anh (Thể Công). Không nản chí, Minh Quang tiếp tục kiên trì tập luyện. Thế rồi, Minh Quang từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình.

SEA Games 20 (1999) tổ chức tại Brunei, Trần Minh Quang đã thi đấu ngoan cường, xuất sắc,góp phần giúp đội tuyển Việt Nam đoạt HCB. Điều đáng nói, ở giải này, Minh Quang đã lập một kỷ lục 490 phút giữ sạch mành lưới cho đội tuyển Việt Nam. Kể từ đó Trần Minh Quang thi đấu ngày càng tự tin, ổn định; đồng thời, bề dày thành tích của anh cũng từng bước nhân lên. Sau một thời gian tạm “nhường bước” Võ Văn Hạnh (SLNA), Minh Quang đã dần khẳng định vị trí số I thủ môn Việt Nam. Tại Tiger Cup 2002 vừa qua, Quang đã thi đấu cực kỳ xuất sắc, bảo vệ tốt khung thành, góp phần cùng Đội tuyển Việt Nam đoạt HCĐ. Trong vai trò Đội trưởng Đội bóng đá Bình Định, Trần Minh Quang luôn gương mẫu trong tập luyện, sinh hoạt; góp phần quan trọng trong việc đưa Đội Bình Định thăng hạng nhất,hạng chuyên nghiệp và trụ hạng trong mùa giải vừa qua.

Thủ môn Trần Minh Quang đoạt danh hiệu “Quả bóng bạc” khi vừa bước sang tuổi 30. Không còn là sớm đối với một cầu thủ như Quang, nhưng đối với một đời người, đoạt được danh hiệu ở ngưỡng tuổi tam thập cũng là niềm hạnh phúc không nhỏ. Điều quan trọng, có được vinh dự như hôm nay, Minh Quang đã phải trải qua bao năm tháng rèn luyện, kiên trì vượt qua khó khăn, thử thách và cả tai hoạ. Bởi vậy, danh hiệu “Quả bóng bạc” đối với Quang cực kỳ ý nghĩa. Xin chúc mừng thủ môn Trần Minh Quang!

Viết Hiền

Vài dòng “trích ngang” về Trần Minh Quang

-Sinh ngày 19-4-1973, tại TP Qui Nhơn.Cao: 1,76m,nặng: 69kg. Học năng khiếu bóng đá từ năm 1987. Chính thưc khoác áo Đội bóng đá Bình Định năm 1992. Khoác áo Đội tuyển Olympic Quốc gia năm 1996.Khoác áo Đội tuyển Quốc gia năm 1997.Thành tích: HCB Tiger Cup 98,HCB SEA Games 99,HCĐ Tiger Cup 2002, danh hiệu “Quả bóng bạc” Việt Nam 2002./.     

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Không chờ đến ra giêng, Trần Minh Quang vẫn ghi bàn  (21/02/2003)
Yanni và những giấc mơ châu Á  (21/02/2003)
Phải thắng được Thể Công  (21/02/2003)
Nhớ nghệ nhân Hồng Thu  (21/02/2003)
Nghệ sĩ Văn Vỹ và niềm say mê diễn tuồng  (21/02/2003)
Sông Lam Nghệ An - Bình Định 1-0: Đội chủ nhà đã tận dụng được lợi thế  (21/02/2003)
Ẩn ngữ của đất  (21/02/2003)
Mùa xuân từ những cánh đồi trọc  (21/02/2003)
Mùa xuân, nhớ Bình Định xưa…  (21/02/2003)
Vua và em  (21/02/2003)
Nguyễn Huệ – một thiên tài quân sự kiệt xuất  (21/02/2003)
Làng phong Quy Hoà - một quần thể kiến trúc độc đáo  (21/02/2003)
Chợ rượu hoàng cung xưa   (21/02/2003)
Cầu thủ Tây ăn Tết ta   (21/02/2003)
Nỗi nhớ Bác Hồ và tiếng hát mùa xuân   (21/02/2003)