“Mùa xanh” (*), một tập thơ đằm thắm

Tiến sĩ văn học Nguyễn Quang Cương chưa phải là nhà thơ, nhưng đọc tập thơ “Mùa xanh” của anh, tôi thấy thích bởi nó toát lên sự giản dị và đằm thắm của một tâm hồn khá tinh tế, chân thành.

Đề tài của “Mùa xanh” phong phú, bắt đầu từ lòng yêu thương kính trọng đối với người mẹ; những sắc thái, cung bậc khác nhau của tình yêu trai gái, tình vợ chồng, cha con; tình cảm đối với bạn bè, đồng nghiệp, những “ký ức tuổi thơ” với ngôi trường quê của “một thời hoa dại”…Điểm xuyết đây đó trong tập thơ là hình ảnh thiên nhiên có lúc nên thơ, có lúc dữ dội phù hợp với tâm trạng nhân vật trữ tình. Cách diễn đạt, hình ảnh, ngôn ngữ thơ thiên về sự giản dị, đôi chỗ tiếp cận được với cách nói dân dã vừa hồn nhiên vừa gợi cảm.

Tôi rất thích những câu thơ viết về Mẹ. Tác giả vẽ ra hình ảnh người mẹ của mình bằng những chi tiết chọn lọc, cảm động khi tạo ra sự đối lập, so sánh mang âm hưởng của ca dao:

“Chỗ ướt mẹ nằm, nơi chiếu khô mẹ đặt

Con nằm, thế thế suốt mùa đông”.

“Quên lá trầu xanh, bánh cho con mẹ nhớ”

“Có miếng ngon để dành, phần mẹ chút rau dưa”.

(Mẹ)

Với bạn bè đồng nghiệp, tình cảm của tác giả bao giờ cũng thắm thiết và trân trọng:

“Đồng nghiệp của tôi có người tóc hoa râm

Tiếng nói chùng đi trên bục giảng”.

(Đồng nghiệp của tôi)

Họ vốn là người lính đã đi qua chiến tranh và tiếp nối là một thời gian nan, nghèo túng đến nao lòng: “Mẹ tính chia từng chén gạo đồng tiền/ Con cá kho phải ba lần đậm muối/ Giá cả leo thang, đồng lương còm cõi”

(Năm tháng chơi vơi)

Cũng như thế, “Thời tôi sống” là một bài thơ cảm động về người thầy dạy học thời bao cấp. Cả bài thơ là sự đau đời được diễn tả một cách nhẹ nhàng mà thấm thía nhưng không bi lụy, chán chường. Vì lẽ đó người giáo viên trong thơ Nguyễn Quang Cương được tôn vinh là người “lọc hồn nhiều thế hệ. Vòng nguyệt quế cho anh là vòng tay nhân dân” (Bạn tôi ở Kontum).

Chúng ta hãy nghe sự cảm thông của tác giả đối với người công nhân xây dựng Thủy điện Vĩnh Sơn:

“Trên ấy mùa này nắng nung đất nung trời

Cơn sốt đến lạnh run giữa nắng”.

(Trên ấy Vĩnh Sơn)

Và họ thiếu thốn mọi thứ từ “bát canh suông” đến ngọn rau dền, rau muống….trong những ngày đầu xây dựng, vì thế, đối với họ “chút đồng bằng cũng thành nỗi khát khao”.

Những bài thơ viết về bạn bè, đồng nghiệp là sự tôn vinh thực lòng những người lao động sáng tạo, dù họ là “kỹ sư tâm hồn” hay người lính áo xanh, người công nhân xây dựng….

Có lẽ tác giả “Mùa xanh” đã dồn nhiều tâm lực cho những bài thơ tình cảm. Những bài thơ tình trong tập có những phát hiện tinh tế, dễ thương bởi một hồn người đa cảm:

“Lần đầu nghe em hát

Phải lòng, tôi đắm say”

(Lần đầu nghe em hát)

Và rồi chỉ một cái “vẫy tay” cũng khiến anh “hạnh phúc”:

“Anh như thuyền giữa bể

Bàn tay em buông neo”

(Ra đi)

Đương nhiên tình yêu bao giờ cũng có băn khoăn, trăn trở, có những lần “lỡ hẹn”, có sự “lệch nhịp đời anh”…vậy nên, tình yêu thật đáng quý và ta phải biết giữ gìn. “Xanh thắm thời gian” là một bài thơ tình thật có lý, nó là sự chiêm nghiệm của tình yêu. Bên cạnh đó, những bài thơ viết về tình cảm gia đình, chồng vợ, cha con, cũng là những bài thơ chân thật giản dị, giàu cảm xúc (Mùa xuân anh đang về)…

Tôi xin nói đôi lời về phía khác của tập thơ. Điều tôi cảm thấy tiếc là, giá như tác giả đừng chạy theo đề tài để cho “thứ gì cũng có” thì tính “chắt lọc” của tập thơ sẽ tốt hơn, hấp dẫn người đọc nhiều hơn. Một đôi bài, ngay cả đầu đề cũng thiếu sức gợi (Một không gian xanh xanh, Gió…), tứ thơ không mới, ngôn ngữ, hình ảnh lại quá quen. Những bài cuối tập “đuối” nhiều so với những bài thơ khác…

Theo tôi “Mùa xanh” nhưng nhiều trái chín - một tập thơ mà người đọc có những điều chia sẻ được.

Trà Ly

(*) Thơ Nguyễn Quang Cương – NXB Hội Nhà văn – Hà Nội 2002.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi nhận về cuộc thi ảnh: “An toàn giao thông” tỉnh Bình Định lần thứ I  (21/02/2003)
Bình Định độc diễn  (21/02/2003)
Trần Minh Quang và hành trình đến với “Quả bóng bạc”  (21/02/2003)
Không chờ đến ra giêng, Trần Minh Quang vẫn ghi bàn  (21/02/2003)
Yanni và những giấc mơ châu Á  (21/02/2003)
Phải thắng được Thể Công  (21/02/2003)
Nhớ nghệ nhân Hồng Thu  (21/02/2003)
Nghệ sĩ Văn Vỹ và niềm say mê diễn tuồng  (21/02/2003)
Sông Lam Nghệ An - Bình Định 1-0: Đội chủ nhà đã tận dụng được lợi thế  (21/02/2003)
Ẩn ngữ của đất  (21/02/2003)
Mùa xuân từ những cánh đồi trọc  (21/02/2003)
Mùa xuân, nhớ Bình Định xưa…  (21/02/2003)
Vua và em  (21/02/2003)
Nguyễn Huệ – một thiên tài quân sự kiệt xuất  (21/02/2003)
Làng phong Quy Hoà - một quần thể kiến trúc độc đáo  (21/02/2003)