Cho những điêu tàn tỏa sáng
 

Tháp Dương Long (Tây Sơn)

 

Tháp Chăm là một mẫu mực công trình kết cấu gạch mang tính nghệ thuật và độ bền vững cao. 13 đền tháp Chăm hiện tồn tại ở Bình Định được đánh giá là một bảo tàng ngoài trời về kiến trúc, điêu khắc và kỹ thuật xây dựng độc đáo. Phát huy và trả lại vẻ đẹp của những cổ tháp này vẫn là công việc thường xuyên và lâu dài…

Hồi sinh cho cổ tháp

Với 13 trong số hơn 40 đền tháp Chăm tại khoảng 20 cụm kiến trúc nằm từ Quảng Nam đến Bình Thuận, có niên đại từ thế kỷ IX đến XVI, Bình Định sở hữu một di sản kiến trúc vô cùng độc đáo. Nói như một nhà nghiên cứu, những đền tháp này như một bảo tàng ngoài trời sống động và độc đáo. Nếu được phát huy tốt, sẽ không chỉ có giá trị trong công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa mà còn trở thành nữhng địa chỉ có sức thu hút khách du lịch. Hiện nay, những di tích (DT) này đã và đang được bảo tồn, chống xuống cấp và phục hồi từng bước.

Những người trùng tu, xuất phát từ nguyên tắc cơ bản là bằng mọi cách duy trì di tích ở nguyên hiện trạng, không để hư hỏng thêm và bảo giữ tối đa các giá trị lịch sử, thẩm mỹ của DT. Công việc bảo quản, tu bổ cố gắng đến mức thấp nhất những sai phạm có thể làm sai nguyên gốc, mang tính chất mới về thời gian để phân biệt phần gia cố với nguyên gốc. Những bức tường mới được trùng tu xây thụt vào khoảng 3 cm so với mặt tường cũ, có tác dụng nâng đỡ các yếu tố trang trí bề mặt, đưa các yếu tố trang trí về vị trí gốc; riêng những phần chưa biết rõ thì bỏ trống. Phương pháp này sẽ giúp DT lấy lại hình khối cơ bản, đồng thời để dễ dàng phân biệt phần xây gia cố với nguyên gốc, để thế hệ sau có điều kiện tiếp tục công việc khi đã có đủ tư liệu chắc chắn hơn.

Tháp Đôi (Hưng Thạnh), một cụm tháp vào loại độc đáo nhất của kiến trúc cổ Chăm bởi không giống với bất cứ một ngôi tháp Chăm nào khác, sau khi được trùng tu, phần nào được trả lại vẻ đẹp của nó. Từ năm 1999, cụm tháp Bánh Ít được chống xuống cấp và sau đó trùng tu. Các hạng mục: gia cố chống sụp đổ từ móng đến đỉnh, xây dựng phục hồi thân tháp bằng gạch Chăm, phục hồi đai đá và chi tiết đá bị hư hỏng ở thân tháp, và sẽ tiếp tục phục hồi khuôn viên và đường lên, xây nhà đón tiếp… Ngoài ra các tháp Bình Lâm, Thủ Thiện, Phú Lốc thời gian qua cũng đã được trùng tu chống xuống cấp. Đây thật sự là những cố gắng lớn trong tình hình kinh phí còn eo hẹp như hiện nay.

Công việc vẫn bề bộn

Nhưng số lượng các tháp được trùng tu trên đây vẫn còn khá ít ỏi so với 13 đền tháp trong tỉnh. Hiện nay, một số DT cần gấp rút được chống xuống cấp, tu bổ. DT tháp Dương Long (Tây Sơn) có diện tích khu vực bảo vệ và khu vực điều chỉnh khá hẹp, chỉ 27.500m2. Hiện nay, DT không có quy định vành đai cảnh quan môi trường và chưa được cắm mốc chỉ giới của DT. Tại thời điểm thanh tra, kiểm tra các DT lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh tiến hành vào tháng 9 - 2002, tuy DT không bị xâm phạm mới, nhưng những hộ dân xây cất cũ từ trước khi được công nhận vốn nằm ở mặt tiền DT, nay nhà cửa của họ đã cũ và hư hỏng, nếu cơ quan quản lý nhà nước không có chủ trương thích hợp thì họ sẽ sửa chữa, làm mất thẩm mỹ và dáng vẻ của DT. Hai hộ dân xây mới năm 2001 ở phía bắc tháp, tuy nằm ngoài ranh giới điều chỉnh, nhưng lại chiếm ngự khu vực cảnh qnan môi trường, chưa được tháo dỡ, giải tỏa theo kiến nghị của Đoàn thanh tra văn hóa vào năm 2001. Hiện nay, DT tháp Dương Long có một cụm phù điêu bằng đá nằm trên, phía sau thân tháp giữa, đang có nguy cơ sụp đổ nếu không sớm được khắc phục. Phía sau cụm tháp khoảng 50m về hướng tây có những vết đào lớn, dài 25m, sâu 40-50cm, rộng 50cm, do nhân dân địa phương thăm dò để khai thác đá ong. Rất may là việc khai thác trái phép này đã được ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, vào thời điểm chúng tôi viết bài này, một tin vui đã đến, UBND tỉnh đang đề nghị Bộ Văn hóa- Thông tin tiến hành trùng tu DT này.

Tại DT tháp Bình Lâm (Phước Hòa - Tuy Phước), ngay trong khu vực bảo vệ, rất gần chân tháp, hiện vẫn còn ba hộ dân sinh sống. Cảnh quan và môi trường xung quanh DT bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các hộ dân trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm bừa bãi. Mặt tiền DT lại bị che khuất bởi cây cối, rào giậu, gạch đá, rơm rạ, làm mất mỹ quan. Thêm vào đó, tuy mới được trùng tu chống xuống cấp năm 2001, nhưng phần thân tháp vẫn còn một vết nứt khá lớn và sâu chạy dài từ chân tháp đến vòm trên cửa phía bắc tháp, có nguy cơ sụp đổ. Tại DT thành Hoàng Đế – tháp Cánh Tiên, khu vực Tử Cấm Thành đã được xây dựng tường rào bảo vệ và đã tiến hành giải tỏa việc trồng trọt và chăn thả gia súc. Tuy nhiên, hiện nay tháp Cánh Tiên có một vết nứt lớn, có nguy cơ rơi một mảng phù điêu bằng đá.

Trùng tu DT: không thể vội vã

Tuy nhiên, trùng tu các DT kiến trúc Chăm là một vấn đề khó khăn và phức tạp. Việc nghiên cứu nghiêm túc để phục vụ cho trùng tu là tối cần thiết. Mọi sự vội vã đều có thể gây nên hậu quả tai hại.

Ngay trong khâu khảo sát, phần đế móng và chân kiềng của các tháp, do chưa tính toán đủ độ sâu cần thiết nên khi đào chân tháp Bánh Ít, lộ phần thân tháp dưới bề mặt đất. Và như vậy, trùng tu không thể đạt hiệu quả cao bởi trong kiến trúc các tháp Chăm thì kiến trúc, kết cấu, nền móng, điêu khắc, kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng luôn có sự liên hệ mật thiết và hài hoà. Những vấn đề này tất nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của việc trùng tu.

Phương pháp xây tường mới có tính chất nâng đỡ được xây thụt vào 3 cm so với tường cũ, dù tạo điều kiện để thế hệ sau có thể tiếp tục công việc khi tư liệu chắc chắn hơn, những lại gây cảm giác “tân cổ giao duyên” với khách tham quan. Nguy hại nhất là khối bê tông dày tại các tháp, “sẽ gắn chết với tường vào lòng tháp, khiến sau này có muốn phục chế nguyên gốc cũng đành chịu, chưa kể việc lớp bê tông đã hạn chế sự bốc hơi nước, do bị ngấm vào tường từ trước, làm cho gạch tháp bị ẩm và mủn dần” (PGS-TS Chu Quang Trứ - Viện Mỹ thuật). Ngoài ra, trên phạm vi cả nước, các đền tháp Chăm đang được trùng tu với những quan niệm không giống nhau. Chẳng hạn, DT tháp cổ Bình Thạnh (Tây Ninh), lại do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) tiến hành, theo đáng giá của một số nhà khoa học là tùy tiện, vô căn cứ khoa học. Bởi vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là Bộ Văn hóa- Thông tin cần sớm thành lập một Hội đồng liên ngành để xét duyệt và giám định DT được trùng tu.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định trắng tay ngay tại “Thánh địa” Quy Nhơn  (21/02/2003)
Đội chủ nhà Bình Định sẽ lại có điểm?  (21/02/2003)
“Mùa xanh” (*), một tập thơ đằm thắm  (21/02/2003)
Ghi nhận về cuộc thi ảnh: “An toàn giao thông” tỉnh Bình Định lần thứ I  (21/02/2003)
Bình Định độc diễn  (21/02/2003)
Trần Minh Quang và hành trình đến với “Quả bóng bạc”  (21/02/2003)
Không chờ đến ra giêng, Trần Minh Quang vẫn ghi bàn  (21/02/2003)
Yanni và những giấc mơ châu Á  (21/02/2003)
Phải thắng được Thể Công  (21/02/2003)
Nhớ nghệ nhân Hồng Thu  (21/02/2003)
Nghệ sĩ Văn Vỹ và niềm say mê diễn tuồng  (21/02/2003)
Sông Lam Nghệ An - Bình Định 1-0: Đội chủ nhà đã tận dụng được lợi thế  (21/02/2003)
Ẩn ngữ của đất  (21/02/2003)
Mùa xuân từ những cánh đồi trọc  (21/02/2003)
Mùa xuân, nhớ Bình Định xưa…  (21/02/2003)