Bia tưởng niệm các văn nghệ sĩ, nhà báo hy sinh tại Khu 5:
Để “ngọn lửa đá”cháy trong lòng người

Năm 1996, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Liên khu 5 và Ban Văn hóa nghệ thuật Liên khu, nay là Quân khu 5, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã đề xuất đặt bia, khắc tên tưởng nhớ các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo hy sinh trong hai cuộc kháng chiến tại chiến trường khốc liệt này. Từ ý tưởng đó, một bia tưởng niệm bằng đá hoa cương cao 2m, khắc tên gần 200 liệt sĩ - văn nghệ sĩ - nhà báo đã được thực hiện và đặt phía sau Bảo tàng Quân khu 5 tại TP Đà Nẵng. Bia còn là một tác phẩm điêu khắc với hình tượng “ngọn lửa đá” khá ấn tượng.

Theo những gì còn khắc trên “ngọn lửa đá” này (do nhân dân Bình Định tặng, lấy từ núi hoa cương Hòn Tượng phía Tây căn cứ Tây Sơn - dân gian truyền tụng tại đây người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã lưu giữ tiếng trống từ các vua Hùng) ta còn biết thêm một huyền thoại nữa trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước của nhân dân khu 5. Trong danh sách các văn nghệ sĩ, nhà báo được khắc tên, có thể tìm thấy rất nhiều người khá quen thuộc được nhiều thế hệ bạn đọc, nhân dân cả nước yêu quý như nhà thơ Ngọc Anh – tác giả Dưới bóng cây Kơ nia, các nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ (Cuộc chia tay màu đỏ), Chu Cẩm Phong (Rét tháng Giêng, Nhật ký chiến tranh)…

Tuy vậy, theo nhiều người được chúng tôi hỏi ý kiến, vị trí đặt “ngọn lửa đá” hiện nay là chưa hợp lý. Về giá trị của một tác phẩm điêu khắc lẫn nội dung (tên tuổi những người được tưởng nhớ) cần được đặt tại một nơi thuận lợi hơn cho việc giáo dục truyền thống. Theo Trung tá Trần Đình Kỷ - Giám đốc chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Quân khu 5, cũng đã có nhiều ý kiến như vậy về vị trí hiện nay của “ngọn lửa đá”, nhưng do quy hoạch tổng thể của Bảo tàng chưa được duyệt, nên chưa tính toán được…

TP Đà Nẵng hiện nay với vai trò của một trung tâm khu vực, một đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có nhiều vị trí thích hợp để đặt “ngọn lửa đá” như Quảng trường 29-3, trước Đài tưởng niệm. Nếu “ngọn lửa đá” được đặt tại đó hằng ngày sẽ được rất nhiều người đến tham quan, những ngày lễ lớn sẽ được các giới đến viếng và đặc biệt tên tuổi của các nhà văn, nhà báo liệt sĩ cũng sẽ được khắc ghi trong lòng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Một bia tưởng niệm có ý nghĩa đồng thời là tác phẩm điêu khắc có giá trị thẩm mỹ cao như “ngọn lửa đá” cần có một chỗ đứng thích hợp và xứng đáng tại Đà Nẵng.

Trương Điện Thắng

          (báo Thanh Niên)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cho những điêu tàn tỏa sáng   (21/02/2003)
Bình Định trắng tay ngay tại “Thánh địa” Quy Nhơn  (21/02/2003)
Đội chủ nhà Bình Định sẽ lại có điểm?  (21/02/2003)
“Mùa xanh” (*), một tập thơ đằm thắm  (21/02/2003)
Ghi nhận về cuộc thi ảnh: “An toàn giao thông” tỉnh Bình Định lần thứ I  (21/02/2003)
Bình Định độc diễn  (21/02/2003)
Trần Minh Quang và hành trình đến với “Quả bóng bạc”  (21/02/2003)
Không chờ đến ra giêng, Trần Minh Quang vẫn ghi bàn  (21/02/2003)
Yanni và những giấc mơ châu Á  (21/02/2003)
Phải thắng được Thể Công  (21/02/2003)
Nhớ nghệ nhân Hồng Thu  (21/02/2003)
Nghệ sĩ Văn Vỹ và niềm say mê diễn tuồng  (21/02/2003)
Sông Lam Nghệ An - Bình Định 1-0: Đội chủ nhà đã tận dụng được lợi thế  (21/02/2003)
Ẩn ngữ của đất  (21/02/2003)
Mùa xuân từ những cánh đồi trọc  (21/02/2003)