Quản lý di tích: Những vấn đề đang đặt ra
18:1', 4/3/ 2003 (GMT+7)

Tháp bánh Ít

Trên địa bàn Bình Định hiện có 231 di tích (DT) lịch sử - văn hóa ở tất cả các loại hình. Trong đó, 30 DT đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng, UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng 25 DT. Tổng diện tích khu vực bất khả xâm phạm (vành đai bảo vệ) của 55 DT đã được công nhận là 7.433.177m2.

Hầu hết các DT được Nhà nước xếp hạng đều đã được tiến hành xây dựng bia bản. Những DT tiêu biểu như Đèo Nhong, Gò Loi, Bình An, Nho Lâm, chiến thắng Quy Nhơn… được xây dựng tượng đài hay biểu tượng nhằm thực hiện công tác bảo vệ và khai thác sử dụng DT. Những DT như Bảo tàng Quang Trung và cụm DT liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn, DT thảm sát Bình An (Tây Sơn), DT chiến thắng Đèo Nhong (Phù Mỹ), DT lịch sử cách mạng Đồi Mười (Hoài Nhơn)… đã được phát huy tác dụng tốt. Các danh thắng như Ghềnh Ráng, Hầm Hô được đầu tư phát triển cảnh quan môi trường, giảm tối thiểu việc xâm hại, đồng thời kết hợp khai thác sử dụng và phát triển tiềm năng du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, công tác quản lý DT vẫn còn chưa khoa học, hợp lý. Việc hoạch định, xác lập hồ sơ phân giới và cắm mốc DT những năm trước đây để đề nghị công nhận DT còn đơn sơ, chưa khoa học nên nhiều DT ranh giới từng khu vực không đầy đủ, rõ ràng và chính xác. Đường ranh giới DT khoanh vùng trong bản đồ hồ sơ nhiều khi khác so với thực địa. Việc phân giới cắm mốc cũng hạn chế vì toàn bộ ranh giới đều không xác định bằng lưới tọa độ và không mô tả chính xác. Vì vậy, khi kiểm tra thực tế để xác định đất thuộc ranh giới DT rất khó khăn. Điều này làm cho nhiều địa phương lúng túng trong việc quản lý DT.

Có những DT khi quy hoạch có quy mô quá lớn như DT Vườn cam Nguyễn Huệ diện tích tới 2.600.000m2, hay DT Đèo Nhong-Dương Liễu 350.000m2… chưa phù hợp với công tác quản lý hiện nay. Nhưng ngược lại, có DT quy định khu vực bảo vệ quá hẹp, không phù hợp với cảnh quan môi trường. Tháp Dương Long (xã Tây Bình - Tây Sơn) và tháp Bình Lâm (Phước Hòa - Tuy Phước) đều là hai DT cấp quốc gia, có giá trị lớn về nghệ thuật, nhưng khu vực bảo vệ của DT hẹp, không phù hợp với tầm vóc của DT, nhất là khi muốn khai thác DT phục vụ cho du lịch. Tháp Dương Long có diện tích khu vực bảo vệ và khu vực điều chỉnh là 27.250m2, nhưng lại không quy định vành đai cảnh quan môi trường và chưa được cắm mốc chỉ giới. Tháp Bình Lâm, diện tích khu vực bảo vệ là 600m2 và khu vực điều chỉnh là 1.600m2. Hang Đá Chẹt (thuộc quần thể DT Núi Bà) là DT thiên nhiên nhưng diện tích khu vực bảo vệ chỉ là 600 m2. Chính vì lẽ đó mà một hộ dân được cấp phép khai thác đá dù nằm ngoài chỉ giới DT nhưng vẫn làm cho cảnh quan khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, Bình Định đã tổ chức trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các tháp Chăm: tháp Đôi, tháp Thủ Thiện, tháp Bánh Ít, tháp Dương Long, tháp Bình Lâm, tháp Phú Lốc. Một số DT như Điện thờ Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung, Từ đường Bùi Thị Xuân, Đền thờ Đào Duy Từ, Lăng Mai Xuân Thưởng… bước đầu đã hoàn thành một số hạng mục trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp và đưa vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, một số DT vẫn cần tiếp tục được tu bổ, gia cố kịp thời như: tháp Dương Long, tháp Bình Lâm, tháp Cánh Tiên đều đang có nguy cơ xuống cấp.

Chậm chạp trong giải tỏa cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan các DT. Tại thời điểm tiến hành cuộc thanh tra, kiểm tra DT vào tháng 9-2002, hầu hết các DT đã được Nhà nước công nhận xếp hạng để đăng ký bảo vệ không có sự xâm phạm, lấn chiếm mới; tuy nhiên, những kiến nghị trước đây của Đoàn về giải tỏa nhằm đảm bảo cảnh quan DT lại chưa được cấc cấp chính quyền quan tâm kịp thời. Một số hộ dân xây cất ở mặt tiền DT tháp Dương Long, trước khi DT được công nhận, nay nhà cửa của họ đã cũ và hư hỏng, nếu không có chủ trương thích hợp thì họ sẽ sửa chữa, làm mất thẩm mỹ và dáng vẻ DT. Hai hộ dân xây mới năm 2001 ở phía bắc tháp, tuy nằm ngoài ranh giới điều chỉnh, nhưng lại chiếm ngự khu vực cảnh quan môi trường, Năm 2001 Đoàn thanh tra văn hóa đã kiến nghị giải tỏa nhưng vẫn chưa được thực hiện. Tháp Bình Lâm, ngay trong khu vực bảo vệ, gần chân tháp, hiện còn ba hộ dân sinh sống. Cảnh quan và môi trường xung quanh DT bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các hộ dân trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm bừa bãi. Mặt tiền DT lại bị che khuất bởi cây cối, rào giậu, gạch đá, rơm rạ, làm mất mỹ quan. DT Đèo Nhong- Dương Liễu còn 14 hộ dân sinh sống trong vành đai bảo vệ. Năm 2001, huyện Phù Mỹ đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ một số hộ, số còn lại đã sinh sống từ trước khi công nhận DT. DT Hầm Hô rải rác vẫn còn tình trạng người dân phát rừng làm rẫy, giao đất cho hộ dân trồng, khai thác rừng với diện tích thuộc đất khu vực điều chỉnh của DT...

Thành lập Ban Quản lý DT cấp tỉnh, phân cấp cụ thể trong quản lý DT, có kế hoạch đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp các DT… là những vấn đề đang đặt ra với công tác quản lý DT hiện nay.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dư luận xung quanh án phạt Lưu Thanh Châu  (04/03/2003)
Phạm Văn Hà lãnh án 3 năm tù giam  (21/02/2003)
Pipat Thongkaya - cầu thủ đầu tiên lập hat-trick   (21/02/2003)
Để “ngọn lửa đá”cháy trong lòng người  (21/02/2003)
Cho những điêu tàn tỏa sáng   (21/02/2003)
Bình Định trắng tay ngay tại “Thánh địa” Quy Nhơn  (21/02/2003)
Đội chủ nhà Bình Định sẽ lại có điểm?  (21/02/2003)
“Mùa xanh” (*), một tập thơ đằm thắm  (21/02/2003)
Ghi nhận về cuộc thi ảnh: “An toàn giao thông” tỉnh Bình Định lần thứ I  (21/02/2003)
Bình Định độc diễn  (21/02/2003)
Trần Minh Quang và hành trình đến với “Quả bóng bạc”  (21/02/2003)
Không chờ đến ra giêng, Trần Minh Quang vẫn ghi bàn  (21/02/2003)
Yanni và những giấc mơ châu Á  (21/02/2003)
Phải thắng được Thể Công  (21/02/2003)
Nhớ nghệ nhân Hồng Thu  (21/02/2003)