|
Chị Bích Loan và quyển sổ tay lưu giữ những bài viết về người Hre |
Có một phụ nữ đã 10 năm nay đi tìm hiểu văn hóa của người Hre; chị sưu tầm các điệu hát, ghi nhận những đặc điểm sinh hoạt của người dân, nghiên cứu và dịch các truyền thuyết… Người âm thầm làm việc đó không hề là một nghiên cứu sinh khoa học nhân văn: chị Trần Thị Bích Loan - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ huyện An Lão, Bình Định.
Chị Bích Loan kể: “Người Hre hay hát trong những ngày Tết, hát trong đám cưới, về nhà mới, hát cúng ruộng, trồng lúa, hát đối đáp… Năm 1981, khi công tác tại đoàn văn nghệ huyện An Lão, tôi đã biết những điệu hát của người Hre và mê luôn từ đó. Tôi vẫn nhớ cái ấn tượng về một đêm trăng giữa đại ngàn An Lão, ngày hội làng diễn ra ở xã An Vinh và ông già Tua cứ ngồi nhẩn nha hát một điệu trầm trầm, như thủ thỉ kể chuyện cho con cháu bằng cái giọng tự ngàn xưa, và càng gây ấn tượng trong khung cảnh như vậy. Gạn hỏi mãi già Tua mới chịu cho biết đấy gọi là điệu hát mon, còn nội dung về sau này tôi mới biết đó là một bài hát kể về lịch sử của người Hre”.
|
Chị Loan (thứ hai từ trái sang) và các phụ nữ Hre còn hát được k'lêu k'choi | |
|
Thế là cô diễn viên dần dà phát triển “cái vốn văn hóa của người Hre nhiều lắm, chứ không ít như trước đây tôi vẫn nghĩ. Có điều là đến nay vẫn còn ít người nghiên cứu về dân tộc này với đầy đủ các nét văn hóa trong đời sống của họ”. Mãi đến 1992 chị Bích Loan mới bắt tay sưu tầm những điệu hát, những bài kể chuyện truyền thuyết của người Hre. Do cần tập cho chị em trong đoàn văn nghệ biết những điệu hát của người Hre, chị Loan phiên âm tiếng Hre theo mẫu tự Latin để ghi ca từ và kiên nhẫn đi ghi âm từng bài hát của người già. “Người Hre không có chữ viết, nên mọi câu chữ của họ mình hiểu thì dịch, ghi ngay bằng tiếng Việt, còn tiếng nói của họ có thể ký âm bằng mẫu tự Latin, tất nhiên đó chỉ là cách riêng của tôi làm để hiểu và để… học tiếng Hre. Những người Hre chất phác có đời sống tinh thần phong phú. Các điệu hát k’choi tươi vui và đầy sức sống, điệu k’lêu thì mượt mà trữ tình thường được con gái con trai hát trêu ghẹo, đối đáp với nhau”.
Sau nhiều năm lăn lộn giữa rừng già An Lão để sưu tầm, quyển sổ tay của chị Bích Loan ngày càng dày lên với nhiều bài ca của người Hre do chính chị phiên âm, dịch sang nghĩa Việt.
Trong kho tàng các nhạc cụ của người Hre có bộ tốc chinh ba chiếc, người chơi quấn giẻ vỗ bằng tay. “Âm thanh của loại tốc chinh này rất hùng tráng, tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy dân tộc Tây Nguyên nào có loại nhạc cụ này” – chị Loan nhận định như thế. “Người Hre có những điệu hát ru, và hát ru cũng phân biệt ru con trai hay ru con gái. Ru con trai giai điệu mạnh mẽ, lời ru cũng hướng đến những việc làm lớn lao, còn ru con gái thì ca từ dịu dàng, mượt mà hơn”. Khi thấy chị Loan lên đến làng, người già Hre vui mừng biết là họ sẽ phải hát k’lêu, k’choi, hát mon để chị “ghi lại cái tiếng”, và bảo: “Con Loan mày phải ăn được món thịt này, uống hết can rượu (ống nứa tươi cắt ra để đựng rượu) này thì già mới hát cho nghe”.
Theo chị Loan, “trong hàng trăm bài hát của người Hre, có nhiều bài nhắc đến mùa xuân, mặc dù họ không có khái niệm múa như người Kinh. Nhưng họ có ăn Tết, sau khi đã trỉa xong đậu, bắp… Thời điểm ấy trùng với mùa xuân của người Kinh”. Chị đã nhiều lần công bố trên báo những gì mình tìm hiểu được từ kho tàng văn hóa Hre:
“Vốn văn hóa của người Hre còn trong những bài văn cúng chuẩn bị gieo lúa, gặt lúa, làm nhà, lễ, Tết… Những bài văn cúng chứa đựng nhiều thông tin, đặc biệt là truyền thuyết về dân tộc và lịch sử của người Hre. Tôi đã nghe những bài văn cúng rất cổ có nhắc đến con cá thần và cầu cho sóng yên bể lặng. Đây là những bài cúng được truyền qua nhiều đời mà người cúng cũng không lý giải được tại sao có nhắc đến những thứ rất xa lạ với một dân tộc miền núi như thế. Đây sẽ là đề tài thú vị cho các nhà nghiên cứu”. Dự định của chị Loan là sẽ tập hợp các bài hát mon sưu tầm được, viết lại bằng tiếng Việt những câu truyện cổ của Hre, nhưng “công việc nặng nề lại tréo ngành, không biết làm nổi không, mà không làm thì phí công bao nhiêu năm lăn lộn với núi rừng, với người Hre và phí cả một kho tàng văn hóa”.
Đêm An Lão mưa phùn. Gió núi về lạnh buốt. Chị Loan mở cửa nhìn xa xăm: giờ này bên ché rượu cần quanh bếp lửa có những người Hre đang say sưa hát k’lêu, k’choi, có cả những cụ già đang hát mon. Mười năm gắn bó với họ, chị vẫn tin rằng mình sẽ làm được một “điều gì đó” đối với người Hre trên đất quê hương.
. Lam Điền (Báo Tuổi trẻ TPHCM)
|