Gặp gỡ Nghệ sĩ nhân dân Võ Sĩ Thừa:
"Tôi có "thừa võ sĩ" cũng không "thiếu văn sĩ"
19:14', 7/3/ 2003 (GMT+7)

Ảnh Võ Sĩ Thừa

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông rất oai phong trong vai Hoàng đế Quang Trung cưỡi ngựa vào... sân vận động Phú Phong nhân lễ kỷ niệm 200 năm chiến thắng quân Thanh (1789-1989) do tỉnh Nghĩa Bình tổ chức tại Tây Sơn - quê hương người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Giọng ông ngày ấy hào sảng lắm: "Đánh cho chúng chích luân bất phản; đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn...". Năm đó ông 62 tuổi.

Mười ba năm sau, tôi mới có dịp gặp lại ông, không phải tại sân vận động, cũng không phải sân khấu nhà hát tuồng mà trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học, thành phố Quy Nhơn. Nơi "cái lô cốt cuối cùng của đời ta" - như cách tự trào của ông nói về ngôi nhà quá "khiêm tốn" của mình. Tóc ông giờ thành một vùng sương mù trắng xoá, chân ông cũng bắt đầu không chịu "thân chủ" điều khiển nữa nhưng giọng nói ấy, điệu bộ ấy thì không lẫn vào đâu được. Nhận ra "người cũ", thay cho câu chào, ông "chơi" luôn một trích đoạn trong vở Sơn Hậu. Biết giọng hát của "Thừa Phù Ly" đã lâu nhưng tôi không thể không "nịnh" ông cụ 75 tuổi một câu cũ rích: "Giọng bác còn khoẻ lắm, vẫn "ngọt" như thuở...15". Ông đưa tay "chém" một đường ngang như muốn đứt đôi cái thằng tôi ra làm hai khúc: "Cậu khen bằng thừa! Tôi giờ chỉ múa không được  thôi nhưng hát thì vẫn... thủ được một vai chính, có khi đoạt cả huy chương vàng nữa chứ chẳng chơi". Nghe ông "giãi bày" rằng ông chỉ "hát" chứ "múa" không được nữa, tôi che miệng cười. Như đọc được cái trò láu cá của tôi, ông nghiêm mặt: "Cậu đừng tư duy theo cái kiểu "múa-hát" của đám thanh niên trong các quán karaoke bây giờ, nhé? Tôi giận đấy!". Thấy khuôn mặt ông như sắp làm "võ sĩ" chuẩn bị lên đài, tôi phải "chữa cháy" ngay.

- Dạ thưa bác Thừa, bác Vũ Ngọc Liễn (nhà nghiên cứu tuồng ở Bình Định) có nói về bác thế này: "Ông Võ Sĩ Thừa tức là thừa võ sĩ và..."

- Và cũng không thiếu "văn sĩ"! Trước khi đến với nghệ thuật tuồng, tôi đã là một võ sĩ "có hạng" ở đất Phù Cát. Nhưng cũng vì có một chút "văn sĩ" nên năm 1966, tôi đang học dở dang lớp ngoại ngữ, chuẩn bị sang Trung Quốc thì anh Năm Công, Bí thư Khu ủy (tức nguyên Chủ tịch Nước Võ Chí Công) điện ra xin tăng cường cho Khu V một đoàn tuồng nhưng nhất định phải có Võ Sĩ Thừa. Tôi phải vượt Trường Sơn về Nam ở tuổi 40. Đến giữa năm 1966, tôi có mặt ở đất Bình Định. Vừa ló xuống vùng trung du huyện Hoài Ân thì bọn Mỹ ập đến và tóm được rồi đưa tôi ra luôn Côn Đảo cho đến năm 1973 nó mới thả ra. Nếu không có một chút "văn sĩ", không có cái máu tuồng trong người thì cũng khó có thể vượt Trường Sơn trong một hoàn cảnh chiến tranh gian khổ như thế. Và, nếu không có chút "võ sĩ" thì mỗi ngày bọn cai ngục ở Côn Đảo nó "thăm hỏi" vài bận, ở tù một năm là gửi xác cho Hàng Dương, chứ làm gì chịu đời đến 7 năm như thế!

- Và cho đến tuổi 75 bây giờ, cái máu "văn đủ-võ thừa" ấy hình như vẫn còn nguyên trong bác?

- Giờ thì võ vẽ gì được nữa. Tôi bị bạo bệnh từ cái dạo 96, nếu không có sự giúp đỡ của tỉnh Bình Định, của ngành văn hoá và bạn bè cả nước thì bây giờ tôi đã thành "ca sĩ" của dế của giun rồi. Còn nói về văn thì tôi vẫn có "thừa" ấy chứ. Làm nghệ thuật như một thứ nghiệp chướng vậy. Đã lỡ "dính" vô rồi rứt không ra. Mỗi tháng dăm ba lần, hễ thấy Nhà hát tuồng Đào Tấn "đỏ đèn" là tôi chống gậy ra xem tuồng. Hôm nào yếu quá, đi không nổi thì đành vác ghế ra hè, nằm dỏng tai lên nghe. Trước là để đỡ "cơn nghiện"... tuồng, sau là nghe các cháu nó có hát sai thì mình góp ý. Đừng nghĩ rằng hát tuồng chỉ "í ới i uông". Tôi nhớ hoài câu nói của Bác Hồ về tuồng: " Tuồng là vốn quý của dân tộc nhưng chớ giậm chân tại chỗ mà cũng đừng gieo vừng ra ngô".

- Ý bác muốn nói đến việc cách tân tuồng hôm nay. Có người cho rằng tuồng sắp "cáo chung". Vậy để tuồng khỏi "chết" như một số người đã nghĩ, theo bác, ta phải làm gì để thực hiện đúng với tinh thần :"Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc"?

- Tôi hát nhé? "Em ở (ư) lại giữ gìn tổ nghiệp". Cuối câu này phải "lụy" thì nó là "vừng", là tuồng mà "kéo" nó ra một tí thôi thì nó là "ngô", là cải lương ngay! Nghệ thuật là đồng nghĩa với sáng tạo nhưng anh phải "đi" trong cái "hành lang" của bộ môn nghệ thuật đó. Và chính điều này đã làm cho tuồng cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như cải lương, chèo đã tồn tại cùng dân tộc hàng ngàn năm nay. Vậy thì hà cớ gì bảo rằng nó chết?

Cũng phải nhìn nhận một thực tế là tuồng bây giờ không còn thu hút người xem như vài mươi năm trước. Như ở Bình Định đây, từ chỗ trên 60 đoàn hát bội không chuyên, nay chỉ còn 4-5 đoàn. Mười, mười lăm năm trước làm gì có các phương tiện nghe nhìn nhiều như bây giờ. Một khi nền "văn minh điện tử" nó chồm hỗm ngay tại đầu giường nhà mình với đủ các trò giải trí, thì việc khán giả ít đến với tuồng cũng là điều dễ hiểu. Cải lương cũng thế. Ngày trước , dân Quy Nhơn mà nghe nói đến đoàn cải lương Sóng Giang là họ xem chật bãi, suốt năm bảy đêm liền. Giờ Sóng Giang chỉ diễn đúng một đêm rồi "sáng dong" luôn!

Trở lại với câu hỏi của anh lúc nãy. Vậy thì "giữ" như thế nào đây? Tôi cho rằng, tuồng như một thứ đồ cổ quý hiếm. Nếu "giữ " theo cách "phổ cập", nghĩa là lôi chén mỏng đĩa mỏng  đồ cổ ấy ra mà đựng mắm tôm là hỏng hết! Cứ như ý tôi chẳng nên bắt đoàn tuồng cổ tự đi diễn kiếm ăn, gọi là "xã hội hoá", đem tuồng cổ dự vào trò này thua đứt ca nhạc nhẹ. Đã gọi bảo tồn vốn cổ dân tộc thì phải có chính sách nâng niu, truyền thu, truyền bá chứ... Riêng với đất Bình Định cũng như các tỉnh ven biển Trung Bộ, tuồng không chỉ là một bộ môn nghệ thuật giải trí mà nó còn gắn với đời sống tâm linh của hàng triệu người. Nơi nào có lễ cầu ngư là nơi đó có diễn tuồng. Giữ được những lễ hội như thế cũng là "giữ" tuồng vậy. Xem một vở tuồng như "Quan Công hồi Cổ thành", người già có thể dạy cho lớp cháu con về cách sống có nhân, có nghĩa. Xem kịch, đến khi kéo màn lại, người xem mới biết được nội dung của vở kịch. Chớ xem tuồng không phải vậy. Khán giả biết trước "tích" của nó nhưng vẫn đi xem. Cái "gốc" của vấn đề là chỗ đó. Đến để "cảm" chứ không phải đến để xem câu chuyện diễn tiến như thế nào. Mà, để cho người xem "cảm" được, để "kéo" được khán giả đến với tuồng thì vai trò của người nghệ sĩ là rất lớn.

- Hình như có nhiều vở tuồng được nhận huy chương vàng trong các kỳ hội diễn nhưng sau đó thì "cất vào kho"...

- Đó là sự thật. Nó cũng đặt ra cho những nhà soạn tuồng một câu hỏi: "Tại sao những vở như "Quan Công..." diễn đi diễn lại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần, người ta vẫn kéo đến xem chật bãi mà có những vở đoạt huy chương vàng bây giờ chỉ có thể diễn cho các dịp lễ và... hội nghị thôi. Tại sao người xem tuồng thích ngồi trên sân bãi ngoài trời hơn là vào rạp hát? "Giữ gìn bản sắc" có lẽ là ở chỗ này chăng? Tôi được biết, ngành văn hóa đã đầu tư rất nhiều cho tuồng, từ việc xây dựng cơ sở vật chất cho Nhà hát tuồng Đào Tấn  đến việc "bao cấp" luôn những đêm diễn. Điều đó là cần thiết nhưng để "giữ gìn" tuồng còn cần nhiều thứ khác nữa với sự đóng góp công sức và trí tuệ của những nhà quản lý lẫn các nghệ sĩ...

Đang hăng hái "bình" về tuồng, tìm "giải pháp" để tuồng không "chết", ông chợt bối rối. "Xin lỗi. Tôi còn phải chuẩn bị mấy thứ, không phải quà cáp gì đâu mà là dặn dò mấy đứa con tôi chiều nay vào Sài Gòn để cùng với đoàn của Nhà hát tuồng Đào Tấn "bay" sang Đức theo lời mời của Hiệp hội Văn hoá Đức - Châu Á. Họ sang bên ấy biểu diễn đến 40 ngày cơ đấy. Tây họ còn thích tuồng thì làm sao chính cái nơi sinh ra tuồng mà để nó "chết" được, phải không nào?"

75 tuổi, 60 năm hát bội, một trong những nghệ sĩ hàng đầu về tuồng của nước nhà, từng làm vua, làm tướng, từng ăn đủ thứ cao lương mỹ vị, từng ở nơi lầu son gác tía, quanh mình là bao cung tần mỹ nữ... để bây giờ, khi bước ra khỏi tấm màn nhung, NSND Võ Sĩ Thừa vẫn là ông già "mồ côi" vợ, ở trong ngôi nhà lụp xụp này. Nhưng tôi biết ông hạnh phúc vì ông đã để lại phía sau mình cả một quầng sáng có thể soi rọi cho nhiều thế hệ học trò theo đó mà đi. Đúng như lời đề tặng của nhà nghiên cứu Tống Phước Phổ cho ông: "Đường sanh nẻo tử thân dày dạn/ Đất Á trời Âu tiếng lẫy lừng".

. Trần Đăng (Báo Lao Động)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mười năm sống với văn hóa Hre  (06/03/2003)
Dư luận tiếp tục lên tiếng về “vụ Lưu Thanh Châu”  (05/03/2003)
Quản lý di tích: Những vấn đề đang đặt ra   (04/03/2003)
Dư luận xung quanh án phạt Lưu Thanh Châu  (05/03/2003)
Phạm Văn Hà lãnh án 3 năm tù giam  (21/02/2003)
Pipat Thongkaya - cầu thủ đầu tiên lập hat-trick   (21/02/2003)
Để “ngọn lửa đá”cháy trong lòng người  (21/02/2003)
Cho những điêu tàn tỏa sáng   (21/02/2003)
Bình Định trắng tay ngay tại “Thánh địa” Quy Nhơn  (21/02/2003)
Đội chủ nhà Bình Định sẽ lại có điểm?  (21/02/2003)
“Mùa xanh” (*), một tập thơ đằm thắm  (21/02/2003)
Ghi nhận về cuộc thi ảnh: “An toàn giao thông” tỉnh Bình Định lần thứ I  (21/02/2003)
Bình Định độc diễn  (21/02/2003)
Trần Minh Quang và hành trình đến với “Quả bóng bạc”  (21/02/2003)
Không chờ đến ra giêng, Trần Minh Quang vẫn ghi bàn  (21/02/2003)