Đất nước bốn ngàn năm của chúng ta đã chọn đôi vai mảnh dẻ của người phụ nữ Việt làm điểm tựa cho một đôi quang gánh vĩ đại trong cuộc hành trình lịch sử đầy truân chuyên và thử thách, đầy mồ hôi nước mắt và máu. Dù giữa phong ba bão táp k\hay khi trời quang mây tạnh, dù hồi chinh chiến khói lửa hay lúc thịnh trị thái bình, hình ảnh họ đã mang lại bội số của lòng tin, biểu trưng cho tâm hồn tính cách nòi giống văn hiến, tự tôn, ngọn lửa giữ hơi ấm cho từng mái nhà đến từng dòng họ, từng làng xóm đến từng nghi vệ quốc gia dân tộc.
Sự cao đẹp vinh quang mà người phụ nữ Việt đem lại cho đất nước này thật không kể xiết, nghĩa nặng tựa non ân sâu tày biển, chẳng một thứ ngọc ngà châu báu nào có thể sánh nổi. Nó được tạo nên bởi đức hy sinh vô bờ bến và sự đau thương khổ ải họ phải hứng chịu nhiều khi có trọng lượng gấp muôn vạn lần thân xác họ.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà hình tượng nàng vọng phu lại có sức sống lâu bền đến thế với non sông gấm vóc của chúng ta và lay động mãnh liệt tâm can của những thế hệ, nhiều thời đại. Mẹ Âu cơ, người mẹ nguồn cội của chúng ta đã gánh lấy một cuộc chia ly to tát, vì công cuộc mở mang dựng nghiệp của dòng giống lạc Hồng. Số phận của vị vua nữ đầu tiên, Trưng Vương, lại là số phận của một quả phụ, chồng bị giặc giết hại, mang nợ nước thù nhà hai chị em thay quyền tướng quân phất cờ nương tử. Dù là bậc mẫu nghi thiên hạ như nguyên phi Ỷ Lan, những lúc đầm ấm bên chồng con cũng không phải nhiều nhặn, là làm công việc nhiếp chính triều đình trong lúc chồng bận tối mặt với gươm giáo trận mạc. Đến cả vị nữ vương như Lý Chiêu Hoàng, cũng lại là một thân phận nổi chìm, một trò chơi phủ phàng của hôn nhân mà hai chữ cay đắng của muôn thuở vẫn chưa lột tả hết. Huống gì với An Tư công chúa và bao nhiêu cô gái lá ngọc cành vàng khác được chọn làm nghĩa vụ cống nạp để làm kế hoãn binh hoặc vỗ yên các vùng phên giậu.
Ở Bình Định, chúng ta vẫn thường day dứt với cảnh ngộ một Huyền trân công chúa “Tình đem lại mà cân - vì lợi cho dân - đắng cay muôn phần”. Hay với một Ngọc Hân, mối tình đẹp đến thế, rốt cuộc lại : “Nửa cung gãy phím cầm lành - Nỗi con côi cút nỗi mình bơ vơ”. Hay với vị nữ tướng lẫy lừng Bùi Thị Xuân cùng bốn kẻ mày liễu khác hợp thành “tây sơn ngũ phụng thư” nức tiếng, cuối cùng lại không tránh khỏi họa phanh thây trong cuộc trả thủ tàn khốc của lực lượng đối địch.
Quyền cao cả thiêng liêng của người phụ nữ là quyền được làm vợ, làm mẹ, quyền được chăm sóc thương yêu chồng con dưới mái gia đình hạnh phúc xem ra rất khó có cơ hội thực hiện suốt mấy ngàn năm nước sôi lửa bỏng, nhiều bất trắc hoặc của thời tao loạn hoặc của các lệ luật phong kiến khắt khe. Bên cạnh sự nghiệp lớn, anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang mà họ đảm nhiệm một cách tuyệt vời trong lịch sử, chúng ta lại nghe những tiếng kêu thương não ruột ở nơi nhạy cảm nhất của xã hội, đó là trái tim nồng đượm của các nghệ sĩ. Các nữ sĩ Việt tài hoa như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm… từng điểm tô cho gia tài văn hóa Việt những án văn chương bất hủ, đã không giấu nổi những tiếng thở dài se sắt “Trơ cái hồng nhan với nước non”, “Thuở trời đất thổi cơn gió bụi - khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”. Sự lu tán, những thiệt thòi của phận lẽ mọn trong cuộc sống lứa đôi mà họ giải bày một cách thống thiết qua ngòi bút của mình, chính là những gì bản thân họ đã nếm trải, chịu đựng.
Những cụm khái niệm “hồng nhan bạc phận”, “hồng nhan đa truân” ở đất Việt, mang nhiều cung bậc sắc thái khác nhau, bàng bạc từ cổ tích đến hiện thực, từ đời sống con người đến đất đá cỏ cây. Ngay từ phút rạng đông của lịch sử, dân tộc Việt đã có hình tượng trầu, cau, vôi, cuộc hóa thân đầy ân nghĩa mà tác nhân chính là người phụ nữ với tấm lòng son. Đến cả những cặp hôn nhân trọn vẹn như vợ chồng Mị Nương - Sơn Tịnh, vợ chồng Tiên Dung - Chử Đồng Tử, vợ chồng Mai An Tiêm… cuộc thử thách để giành giật hạnh phúc của họ cũng hết sức khốc liệt. Bên cạnh đó, những dang dở vì các bất trắc của đời sống cứ như ngọn gió thình lình từ bốn phía bủa vây, giội vào những lúc đôi tay người phụ nữ tưỞng như đã nắm chắc chiếc chìa khóa vàng mở được cánh cửa hạnh phúc.
Biết bao người vợ, người mẹ vô danh trong hành trình lịch sử của dân tộc đã chín dạn hai vai vì gồng gánh sự nghiệp của các anh hùng và thi nhân, gồng gánh sự nghiệp dựng nước và giữ nước, hết sức lặng lẽ và nhẫn nại, hết sức bao dung và độ lượng. họ xây đắp nên truyền thống chịu thương chịu khó, đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích riêng tư, đặt sự thành đạt của chồng con lên trên nỗi khổ lụy của bản thân và nụ cười quảng đại của họ đủ sức hóa giải mọi nhọc nhằn. Và chính họ là người phải hứng chịu mọi bất trắc của đời sống, của cảnh huống, của thời cuộc và đức hy sinh ấy đã được nạm vàng trong lịch sử, trong tâm thức dân tộc.
Sông núi thiêng liêng của chung ta đã từng lừng lững những nàng vọng phu vượt qua bề dày của thời gian để ở lại với những trái tim người. Vượt lên những hình ảnh, tình tiết của các câu chuyện cụ thể, nàng vọng phu chính là biểu tượng truyền thống của người phụ nữ ở một đất nước gian lao và quả cảm, nhắc nhở với thế giới nhiều biến động rằng vẫn còn trên đời những nỗi đợi chờ thánh thiện mang sức sống của tình yêu vững bền, đã trường tồn trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Thanh Mừng
|