|
Tượng Ganêsa |
Tồn tại và phát triển trên đất Bình Định qua nhiều thế kỷ (thế kỷ XI đến thế kỷ XV), người Chămpa để lại nhiều công trình kiến trúc độc đáo còn tồn tại cho đến ngày nay, như đền, tháp, lò gốm và nhiều cổ vật, trong đó có tượng đá, tượng gốm…
Bảo tàng tổng hợp Bình Định đang lưu giữ và trưng bày Tượng Ganêsa (đầu voi, mình người) khá độc đáo. Tượng được chạm khắc trên khối đá sa thạch màu xanh, trong tư thế ngồi trên bệ đá hình chữ nhật, 2 chân xếp bằng, 2 tay đặt lên 2 đầu gối, có chiều cao 20cm. Bệ đá có kích cỡ: 3 x 9 x 12 (cm), đầu để trơn không trang trí hoa văn. Trán Ganêsa đính huệ nhãn (con mắt thứ ba), 2 mắt mở nhìn xuống, vòi uốn cong chạy dài từ bên phải sang, mỏm vòi đặt trên bàn tay trái, vòi dài 9cm, 2 bên vòi là 2 chiếc ngà nhô ra, mỗi chiếc dài 4cm (Tượng Ganêsa bằng đá phát hiện ở Cẩm Lệ – Quảng Nam có niên đại thế kỷ VIII không có ngà, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh). Tay phải Ganêsa đang cầm 1 con rắn, đầu rắn vươn ra, đuôi rắn vểnh ngược lên cổ. Cổ trang trí một vòng nổi, ngực lộ rõ 2 khối cơ 2 bên, bụng ưỡn ra, đeo dây lưng và mặc sampót dài 4cm, thắt giữa, 2 đầu phình ra như 2 cái quạt xòe quay ngược đầu; 2 lòng bàn chân quay ra ngoài, chân và tay mỗi bàn có 5 ngón. Phía sau đầu Ganêsa là mái tóc xõa đến 2 bờ vai, tóc chải dạng hình sóng với 8 rãnh chạm khắc hoa văn hình lá cau, 1 bản dây lưng vắt chéo trơn từ vai trái đến mông chân phải, vạt sau sampót có 3 nếp gấp thẳng từ trên xuống. Bệ tượng để trơn không trang trí hoa văn.
Với cách trang trí hoa văn tỉ mỉ, sắc sảo, dứt khoát từng bộ phận, chứng tỏ nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa ở Bình Định đạt đến độ hoàn hảo.
. Bùi Tĩnh |