Nhà thơ của những người mẹ, người chị, người con gái Việt Nam
17:36', 10/3/ 2003 (GMT+7)

Nếu phải trả lời câu hỏi: ai là nhà thơ của người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại, có lẽ có người sẽ có câu giải đáp khác, song tôi vẫn muốn trả lời: trước hết đó là Tố Hữu. Tố Hữu đi đầu trong thơ viết về phụ nữ Việt Nam như ông đã đi đầu trong nền thơ cách mạng Việt Nam. Không hẳn ông là nhà thơ viết nhiều nhất về phụ nữ, nhưng điều đáng để lưu tâm là vào thời nào Tố Hữu cũng có những bài thơ nổi tiếng về phụ nữ. Đó là các bài Vú em, Tiếng hát sông Hương, Bà má Hậu Giang trước cách mạng tháng Tám 1945, các bài Bà mẹ Việt Bắc, Bà Bủ, Bầm ơi trong kháng chiến chống Pháp, các bài Người con gái Việt Nam, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt, Tấm ảnh trong kháng chiến chống Mỹ, những bài thơ đã nằm lòng trong nhiều bạn đọc, mà trải thời gian, đọc lại vẫn không thôi cảm xúc.

Hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam hiện diện ở rất nhiều bài thơ của Tố Hữu với những lời thơ thật nồng hậu, đằm thắm và rõ nét.

Từ người mẹ thân yêu mà thuở thiếu thời nhà thơ đã được cảm nhận nỗi đau thương và tìnhyêu của mẹ:

Mẹ ơi, đời mẹ buồn lo mãi

Thắt ruột mòn gan, héo cả tim!

Nhà thơ đã tìm đến với cách mạng, được Đảng giác ngộ, dìu dắt, và đã lắng nghe được tiếng lòng não nuột của cô gái giang hồ trên sông Hương:

Tình ôi gian dối là tình

Thuyền em rách nát có lành được không?

Kể nếu nói cảm thông với số phận gái giang hồ, thì từ xưa, bất chấp tư tưởng phong kiến miệt thị, các thi nhân từng tỏ ra cảm thông, bênh vực. Như Nguyễn Du với Kiều hay trước Kiều là bóng ma Đạm Tiên “Sống làm vợ khắp người ta, hại thay thác xuống làm ma không chồng”. Cùng thời với “Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu có bài Lời kỹ nữ của Xuân Diệu với tâm trạng buồn tê tái, cùng cực:

Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa

Vội vàng chi, trăng sáng quá khách ơi

Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời

Khách không ở, lòng em cô độc quá

Ở đây mỗi áng thơ đều hay và khó lòng nói thơ nào hay hơn, chỉ có thể thấy cái khác biệt của Tố Hữu: thấy cái căn nguyên của những nỗi thống khổ kia không phải do định mệnh hay một sự mặc nhiên, mà từ lịch sử, xã hội, dù ở đây nhà thơ không nói rõ ra, cũng không nói rõ vì sao sẽ có những “ngày mai, ngày mai” tươi sáng. Từ ấy cũng đã có bà má Hậu Giang giác ngộ cách mạng, dũng cảm bảo vệ cán bộ trước họng súng quân thù, sau ngày khởi nghĩa Nam Kỳ bị đàn áp. Tiếp đến kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu viết các bài thơ Bà mẹ Việt Bắc, Bà Bủ, Bầm ơi, đều là những bà mẹ chiến sĩ, đều từng chịu đựng những nỗi đau do chế độ thực dân gây ra, đều thương con, mong con thắng giặc trở về – tất nhiên cách thể hiện ở mỗi bài thơ mỗi khác và nét tâm lý ở mỗi bà mẹ cũng không hoàn toàn giống nhau. Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tố Hữu tiếp tục viết thơ về phụ nữ và gặt hái nhiều thành công mới. Người phụ nữ Việt Nam ở đây không chỉ là những người chịu thương chịu khó, đằm thắm tình yêu chồng thương con, yêu nước, yêu cách mạng, mà còn nổi bật phẩm chất anh hùng, như chị Trần Thị Lý từ miền Nam máu lửa:

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng!

(Người con gái Việt Nam)

Hay là o du kích bắt tù binh giặc lái Mỹ trên miền Bắc:

O du kích nhỏ giương cao súng

Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu

Ra thế! To gan hơn béo bụng

Anh hùng đâu cứ phải mày râu!

(Tấm ảnh)

Phẩm chất anh hùng của người phụ nữ Việt Nam trong chống Mỹ cứu nước có thể nói đã để lại niềm cảm phục cho Tố Hữu và nâng cao nguồn cảm hứng khiến nhà thơ viết nên những câu thơ bay bổng, giàu biểu tượng. Tuy vậy, nhà thơ vẫn không bao giờ thoát ly khỏi những điều tưởng như nhỏ nhoi nhất nhưng lại nói lên phẩm chất của người phụ nữ rõ rệt nhất, cụ thể nhất. Nếu thoát ly điều này, có lẽ một nhà thơ chỉ có thể viết nên những lời đại ngôn tráng ngữ hay trừu tượng chung chung không gợi lên được điều gì.

Là một chiến sĩ đấu tranh cách mạng, một nhà thơ chiến sĩ, Tố Hữu dồn hết tâm lực cho đấu tranh cách mạng, cho thơ ca cách mạng. Phương diện tình yêu cũng chiếm một phần quan trọng trong đời sống người phụ nữ, nhưng Tố Hữu hầu như muốn dốc tâm lực cho điều cốt lõi hơn nữa, đó là số phận, là sự nghiệp giải phóng phụ nữ, là vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong dựng xây đất nước. Nhưng không vì thế mà thơ Tố Hữu viết về phụ nữ lại khô khan như một số người lầm tưởng. Từ người mẹ mà cả đời chỉ độc một nỗi buồn lo đến “thắt ruột, mòn gan, héo cả tim”, Tố Hữu cảm thông với nỗi lòng cô gái giang hồ, chị vú em khi diễn ra cảnh trái ngang thế này:

Nàng gởi con về nương xóm cũ

Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi

Rồi từ hôm ấy ôm con chủ

Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi

(Vú em)

Ở bài thơ Mẹ Tơm nổi tiếng, tác giả có những câu thơ giản dị nhưng đầy sức gợi tả: “Bóng mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn…”, “Sóng mẹ ngồi trông, vọng nước non” trước khi bật lên câu “Sống trong cát, chết vùi trong cát, những trái tim như ngọc sáng ngời!”. Ở một bài thơ nổi tiếng khác viết về Mẹ Suốt, trong lời kể của mẹ về đoạn đời xưa có đoạn thật cảm động:

Lớn đi ở bốn cửa người

Mười hai năm lẻ, một thời xuân qua

Lấy chồng, cũng khổ con ra

Tám lần đẻ, mấy lần sa tội tình…

Không có tình cảm nồng hậu, sự thấu hiểu đối với những người mẹ, người chị, người con gái Việt Nam hẳn sẽ không viết nổi những vần thơ như vậy, sẽ không viết nổi câu thơ thật giản đơn mà thật sâu đậm: Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày…

. Cao Chư (Quảng Ngãi)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cảm ơn Pipat!  (09/03/2003)
Tượng Ganêsa trong nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa  (09/03/2003)
Bình Định có tận dụng được lợi thế sân nhà ?  (07/03/2003)
Sông núi vọng phu  (07/03/2003)
"Tôi có "thừa võ sĩ" cũng không "thiếu văn sĩ"   (07/03/2003)
Mười năm sống với văn hóa Hre  (06/03/2003)
Dư luận tiếp tục lên tiếng về “vụ Lưu Thanh Châu”  (05/03/2003)
Quản lý di tích: Những vấn đề đang đặt ra   (04/03/2003)
Dư luận xung quanh án phạt Lưu Thanh Châu  (05/03/2003)
Phạm Văn Hà lãnh án 3 năm tù giam  (21/02/2003)
Pipat Thongkaya - cầu thủ đầu tiên lập hat-trick   (21/02/2003)
Để “ngọn lửa đá”cháy trong lòng người  (21/02/2003)
Cho những điêu tàn tỏa sáng   (21/02/2003)
Bình Định trắng tay ngay tại “Thánh địa” Quy Nhơn  (21/02/2003)
Đội chủ nhà Bình Định sẽ lại có điểm?  (21/02/2003)