Những hội ngộ mở chân trời sáng tạo
17:13', 11/3/ 2003 (GMT+7)

Đêm thơ NGUYÊN TIÊU tại đồi Ghềnh Ráng

Đầu xuân Quý Mùi, giới VHNT trong cả nước đã có những cuộc hội ngộ lớn. Việc chọn NGUYÊN TIÊU, tức rằm tháng Giêng làm NGÀY THƠ VIỆT NAM đã đem đến nhiều hoạt động có tầm về Thơ, khuấy động trong cả nước một không khí cho Thơ, vì Thơ. Nói theo văn bản của Hội Nhà văn Việt Nam là từ nay nhân dân ta có một ngày sống trọn vẹn với Thơ.

Dân tộc ta là dân tộc có truyền thống ham chuộng văn chương, đặc biệt là Thơ. Thơ có thể đến với ngự bút một đấng quân vương giữa chốn triều nghi hoặc lảnh lót trên môi một kẻ chăn trâu dầm sương dãi nắng, có thể đến với một lão tướng tung hoành trận mạc hoặc một ẩn sĩ nơi thâm sơn cùng cốc, có thể đến với một lữ khách giang hồ phóng túng đồng thời lại có thể đến với nhà sư trọn đời chay tịnh. Thơ được sinh ra, bất kể chốn hòn tên mũi đạn hay nơi an nhàn thư thái, bất kể miền bùn lầy nước đọng hay chỗ lầu son gác tía. Dưới đáy của nghèo nàn, cùng khốn, người ta cần thơ. Trên đỉnh của giàu sang, uy quyền, người ta cũng rất cần thơ. Thơ, một loại hình mảnh mai nhưng huyền diệu, mềm mại nhưng siêu đẳng, bình thản mà vô song. Thơ có mãnh lực biến túp lều tranh nhất thời thành lâu đài của vĩnh cửu, biến nỗi hoan hỉ của khoảnh khắc thành châu báu của muôn trùng, đem giọt lệ của ngàn năm trước làm mặn lòng ngàn năm sau.

Tiết mục văn nghệ - gặp mặt văn nghệ sĩ

Có thơ thủ thỉ với một người. Có thơ náo nức trăm họ muôn dân. Có thơ lặng lẽ như tiếng thì thầm của mạch đất. Có thơ vang dội như sấm động mưa tuôn từ nóc trời. Thơ chia sẻ với người trần thế đã đành, Thơ còn an ủi vong linh người đã khuất. Thơ đánh giặc. Thơ ngoại giao. Thơ nội trị... Bao nhiêu nhà thơ là bấy nhiêu sứ mạng riêng trong sứ mạng chung của một dân tộc trọng nghĩa khí, yêu hòa bình, luôn khao khát vươn lên cái đẹp vĩnh hằng.

Bao nhiêu hoàng đế, văn thần, võ tướng, thiền sư, nho sĩ, nông dân, cung nữ, tiều phu hoặc có thể là kẻ thất cơ lỡ vận... đã trở thành những nhà thơ Việt qua nghìn năm bi hoan tụ tán, nghìn năm chân cảm và truân chuyên, để lại những tác phẩm mang hồn vía, cốt cách, phong thái, dung mạo của một dân tộc văn hiến.

Một gương mặt thơ Lý Trần mang mang oai linh thiên cổ. Một Tao Đàn với Nhị thập bát tú đĩnh đạc và phong túc. Một chuỗi nước mắt nụ cười của các thế kỷ trung cận đại thăm thẳm bể dâu. Một gương mặt thơ Việt thế kỷ thứ XX, cái thế kỷ có sức chứa lớn rộng từ thơ cổ điển đến thơ mới. Và thơ của thời đại Hồ Chí Minh.

Tất cả tinh hoa của nghìn năm thơ Việt đến với chúng ta trong NGÀY THƠ VIỆT NAM lớn lao lắm, sâu thẳm lắm, lay động lắm. Hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều sôi động lên với nhiều hình thức tổ chức như Hội thảo Thơ, Đêm Thơ và các hoạt động liên quan đến Thơ. Dưới lá cờ Thơ, nhà thơ có dịp đến với công chúng giao lưu, giải bày, chia sẻ. Cuộc hội ngộ để tôn vinh Thơ, xác tín những giá trị đã được lịch sử và nhân dân thừa nhận, thật hết sức chân tình và cảm động.

Cũng trong thời điểm trung tuần tháng Giêng, 10 vị Tổng thư ký các Hội chuyên ngành Trung ương và 61 Chủ tịch các Hội VHNT toàn quốc lại có hai cuộc hội ngộ tại thành phố Hồ Chí Minh, một cuộc Hội nghị của Ban Tư tưởng Văn hóa TƯ và một cuộc Hội nghị của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam. Các vị đứng đầu các Hội được quán triệt Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 24-1-2003 của Ban Bí thư, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về công tác VHNT trong tình hình mới. Tại các hội nghị này, các đại biểu đã hết sức phấn khởi trước các cuộc hội ngộ lớn trong những ngày đầu năm, ngoài việc tiếp thu để triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, các Hội có dịp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những buồn vui nghề nghiệp. Những nội dung quan trọng được đặt ra cho nhiệm vụ VHNT trong tình hình mới là có chính sách cụ thể giúp đỡ văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm tốt, đẩy mạnh lý luận phê bình nghiên cứu VHNT, các hoạt động VHNT phải hướng tới công chúng rộng rãi, tăng cường chỉ đạo các Hội VHNT ở TƯ và các địa phương, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước về VHNT. Đó là những lĩnh vực trọng yếu mà Chỉ thị của Đảng đã đề cập.

Một năm mới mở đầu bằng những cuộc hội ngộ lớn, mở ra những chân trời cho công việc sáng tạo VHNT đầy nhọc nhằn gian truân nhưng cũng đầy niềm vui trong đam mê vô tận của nghiệp và nghề. Chữ nghiệp mà nhiều văn nghệ sĩ hay nhắc đến, tuy cũ kỹ đấy, nhưng xét cho cùng còn chữ nào có lý hơn, chính xác hơn, lay động hơn để diễn tả đời sống sáng tạo của mỗi người. Trong hành trình ấy, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, hy vọng những hình thái tổ chức hoạt động từ các Hội sẽ làm được sự gây men cho những tác phẩm mới ra đời, những tác phẩm xứng đáng đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và thời đại.

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà thơ của những người mẹ, người chị, người con gái Việt Nam  (10/03/2003)
Cảm ơn Pipat!  (09/03/2003)
Tượng Ganêsa trong nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa  (09/03/2003)
Bình Định có tận dụng được lợi thế sân nhà ?  (07/03/2003)
Sông núi vọng phu  (07/03/2003)
"Tôi có "thừa võ sĩ" cũng không "thiếu văn sĩ"   (07/03/2003)
Mười năm sống với văn hóa Hre  (06/03/2003)
Dư luận tiếp tục lên tiếng về “vụ Lưu Thanh Châu”  (05/03/2003)
Quản lý di tích: Những vấn đề đang đặt ra   (04/03/2003)
Dư luận xung quanh án phạt Lưu Thanh Châu  (05/03/2003)
Phạm Văn Hà lãnh án 3 năm tù giam  (21/02/2003)
Pipat Thongkaya - cầu thủ đầu tiên lập hat-trick   (21/02/2003)
Để “ngọn lửa đá”cháy trong lòng người  (21/02/2003)
Cho những điêu tàn tỏa sáng   (21/02/2003)
Bình Định trắng tay ngay tại “Thánh địa” Quy Nhơn  (21/02/2003)