Trống Đông Sơn và mùa xuân văn hóa Việt Nam
8:3', 13/3/ 2003 (GMT+7)
 

Trống đồng Hoàng Hạ

 

Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 10 năm 1995 khi nhận lời mời của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Gali sang Hoa Kỳ dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch nước ta – Lê Đức Anh đã thay mặt nhân dân Việt Nam tặng Liên Hiệp Quốc một chiếc trống đồng Đông Sơn. Trống đồng, nhất là trống Đông Sơn được xem là biểu tượng, là lời khẳng định của một nền văn minh nông nghiệp lúa nước phát triển cao của người Việt cổ. Trống Đông Sơn là niềm tự hào của tất cả chúng ta khi nói về lịch sử văn hoá của dân tộc mình. Riêng với người Bình Định, chúng ta còn hãnh diện vì một lẽ – các nhà khoa học đã phát hiện khá nhiều trống Đông Sơn trên địa bàn Bình Định và giả thuyết về một nền văn minh lúa nước ven sông Côn đã được đề xuất.

Trống đồng và văn minh Đông Sơn

Người ta đã biết tới trống đồng từ gần 2000 năm trước, bởi Hậu Hán thư, Quảng Châu ký, Tấn thư, Thủy Kinh chú, nhưng phải đến năm 1807 thì việc nghiên cứu phân loại, thẩm định giá trị, xác định chủ nhân chế tác mới được tiến hành lần đầu bởi A.B Meyer và V.B Foy qua việc mô tả 52 chiếc trống đồng phát hiện ở Đông Nam Á được tàng trữ ở các bảo tàng Châu Âu. Sau đó rất nhiều nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về trống đồng và đề xuất nhiều phương án phân loại khác nhau, nhiều giả thiết về nguồn gốc, chủ nhân chế tác trống đồng cũng được đưa ra thảo luận. Nhưng được các nhà khoa học Việt Nam tin cậy, viện dẫn nhiều nhất là phương pháp F.Heger, một nhà khoa học người Áo đưa ra trong tác phẩm Những trống kim khí ở Đông Nam Á (Atle metalltrommeln aus Sudost Asien – Leipzig 1902).

Theo F.Heger, trống đồng gồm có 4 loại chính và 3 loại trung gian, trong đó loại I (H1) là loại cơ bản, cổ và nguyên thủy và có giá trị cao nhất. Thân trống chia làm 3 phần rõ rệt - tang phình, thân thon, đế choãi. Mặt trống phần nhiều không tràn quá ngoài tang. Các trống muộn, rìa mặt có các khối tượng cóc đơn giản. Ngôi sao giữa mặt trống thường có 12 cánh. Hoa văn bố trí thành từng vành hoặc ô có khoảng cánh đều đặn (loại trống H1 này về sau được nhiều nhà khoa học Việt Nam gọi là trống Đông Sơn ).

Vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam là nơi khởi sinh của văn hoá Đông Sơn, trên địa bàn này người ta đã phát hiện ra nhiều trống Đông Sơn với số lượng tập trung dày đặc. Từ cái nôi này, trống Đông Sơn theo dòng sông Hồng ngược lên phía Bắc xâm nhập vào Vân Nam (Trung Hoa), các cư dân bản địa ở đây đã tiếp nhận những chiếc trống Đông Sơn nguyên khai đầu tiên và sau đó cách tân một số đường nét rồi tự đúc lấy trống đồng  theo mẫu trống Đông Sơn (trống Thạch Trại Sơn, trống Vạn Gia Bá...). Trống Đông Sơn cũng xuất hiện ở Thái Lan, Lào, Malaixia và được liệt vào hàng báu vật. Và cho dù được tìm thấy ở miền núi, đồng bằng hay hải đảo, người sở hữu trống là người Thái hay người Mã Lai, Lào, thì các trống đồng cũng toạ lạc ở những vị trí gần các con sông lớn, không xa các trung tâm văn minh nông nghiệp lúa nước.

Trống đồng Đông Sơn – một tạo tác vĩ đại của người Việt cổ

Hiện vật nghệ thuật, xét về chức năng truyền đạt và dự trữ tin tức, có thể xem như một thứ ký hiệu “tiền ngôn ngữ”, một thứ “văn tự tượng hình”. Thứ “văn tự” này trực tiếp truyền đạt những biểu tượng của tri giác, những “khái niệm”, “phán đoán”, tức là những hiện tượng của tư duy, phản ánh một phần thế giới hiện thực. Về mặt này mà nói, chúng ta có quyền gọi hiện vật nghệ thuật cổ là bản “thông điệp” của quá khứ cho mai sau những hiểu biết của mình về tự nhiên và xã hội. Trống Đông Sơn chính là loại hiện vật có đặc trưng như thế.

Từ những họa tiết, hình ảnh có trên trống đồng nói chung và trống Đông Sơn, điều dễ dàng nhận thấy trước tiên là tổ tiên đã làm chủ một nền sản xuất nông nghiệp phát triển, đã biết sử dụng sức kéo của động vật, biết dùng cày. Bản thân việc chế tác thành công trống đồng cũng chứng tỏ tổ tiên ta có trình độ công nghệ đúc đồng rất cao. Trống Đông Sơn trên thực tế đã được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trước tiên nó đóng vai trò là một loại nhạc khí. Người Đông Sơn đặt trống lên một cái giá, bày thành hàng và ngồi trên sàn mà đánh như ở trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ. Ngoài việc được sử dụng trong các cuộc trình tấu đại nhạc, trống đồng còn được sử dụng trong quân đội, ví dụ như quân đội của nhà Trần, và được xem như một phương tiện quan trọng để biểu dương thanh thế.

Trống đồng còn được dùng làm đồ thờ, làm đồ đựng các vật dụng, làm đồ tùy táng cho những người giàu. Trong một số trường hợp đặc biệt, trống đồng còn là hiện vật cho biết vị trí thủ lĩnh của chủ nhân sở hữu trống như một biểu tượng của quyền lực... Không những biểu hiện quyền uy cho một người, trống đồng còn là cái gạch nối tinh thần thiêng liêng giữa các thành viên trong một cộng đồng người. Trống Đông Sơn cũng như các trống có niên đại muộn khác còn là biểu tượng cho vận mạng của cả một tộc người có trống. Thực tế đã chứng minh rằng sức sống của nền văn hóa Đông Sơn là bất diệt, trải qua hàng ngàn năm sống dưới ách thống trị của phong kiến Trung Hoa, người Việt cổ vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của mình.

Trống Đông Sơn ở Bình Định

Người ta bắt đầu tìm thấy trống Đông Sơn ở khu vực các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên từ giữa năm 1996. Sự kiện này đã xóa đi một điểm trắng trống Đông Sơn trên bản đồ phân bố trống đồng, khẳng định sức lan toả thuyết phục của một nền văn hóa mà người Việt cổ là chủ nhân. Từ đó đến nay, trên địa bàn các tỉnh người ta đã liên tục phát hiện thấy có trống Đông Sơn và chỉ riêng ở Bình Định đã phát hiện ít nhất là 15 chiếc trống Đông Sơn. 

Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Quảng Ngãi), thì “Việc phát hiện ra trống Đông Sơn sớm tại Quảng Ngãi, Bình Định đã góp phần khẳng định chắc chắn rằng văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh đã có mối quan hệ giao lưu trong thời kỳ tiền sử.” Trước đây các nhà khảo cổ học đã từng phát hiện mối quan hệ giữa 2 trung tâm văn minh thời đại kim khí này qua các di vật đặc trưng như khuyên tai hai đầu thú thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở di tích văn hóa Đông Sơn tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, ngược lại trống Đông Sơn cũng được tìm thấy trong di tích văn hóa Sa Huỳnh ở xóm Cồn - Nha Trang.... Trống đồng là biểu tượng quyền lực của thủ lĩnh quân sự, đồng thời trống đồng giữ chức năng trung gian giữa Trời và Người. Khi vai trò thủ lĩnh quân sự bị mất đi do một biến động lịch sử nào đó thì trống đồng phải được chôn dấu như một báu vật thiêng. Trống đồng Bàu Lát (Quảng Ngãi) được chuyển lên chôn dấu trên núi cao, phía mặt trời mọc, mặt trống úp ngược như hàm ý với mọi người rằng: Trống tôi đã chết ! Gần 1 năm sau khi tìm thấy trống Bàu Lát, tại Bình Định người ta đã phát hiện được một lúc tới 8 chiếc trống đồng trên các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, tuy nhiên do được thông báo muộn nên Bảo tàng Bình Định chỉ thu hồi được có 4 trống gồm các trống Vĩnh Quang, Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh), Thượng Giang, Tây Thuận (Tây Sơn), tất cả đều là trống Heger I tức là trống Đông Sơn. Điều đặc biệt so với các trống Đông Sơn tìm thấy ở nhiều nơi khác là trong 4 trống có tới 2 trống có hiện vật được chôn theo, đó là đồ gốm đất nung, không tráng men, trừ một số mảnh gốm nhỏ có hoa văn còn lại là không có. Theo Tiến sĩ Đinh Bá Hòa (Bảo tàng Tổng hợp Bình Định), xét về yếu tố kỹ thuật thì gốm này mang phong cách Chàm sớm hơn là Sa Huỳnh muộn, tức là gốm đất nung độ nung không cao, xương gốm pha nhiều cát đều có màu đen. Về mặt cư trú, tại những điểm phát hiện ra trống đều tìm thấy dấu vết của người Chăm cổ, còn dấu vết của người Sa Huỳnh hầu như không có...

Trống đồng tìm thấy ở Bình Định rõ ràng là do người Việt cổ chế tác nhưng chủ nhân sử dụng là ai? Và trống được đưa về đây bằng phương thức nào? Nếu nhìn vào bản đồ phân bố trống đồng Bình Định sẽ thấy địa điểm phát hiện ra tất cả các trống đều nằm dọc vùng thượng nguồn sông Côn, bản thân các vị trí này cũng nằm cách nhau không quá 30km theo đường chim bay, mật độ tập trung như vậy là rất cao. Do trống không được tìm thấy trong tầng văn hóa nên khó xác định chủ nhân sử dụng trống là ai, tuy nhiên với sự xuất hiện của các mẫu gốm có thể giả định đây là trống của các tộc người tiền Chăm (protoCham).

Từ những hoa văn trang trí mặt trống Bình Định, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết những ký hiệu ấy là thông điệp về thiên văn cho thế hệ sau của một nền văn minh cổ xưa hoặc là một bảng nông lịch hình thành sau một quá trình lâu dài chinh phục thiên nhiên. Xen giữa các đường hoa văn là các đường chỉ thành gờ định rõ quỹ đạo các vì sao gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Trên trống cũng có dấu hiệu thông báo hiểu biết của chủ nhân trống đồng về tự nhiên. Mới đây, cùng với việc phát hiện trên vùng đồng bằng Sông Côn thêm 9 trống Đông Sơn nữa, ông Đinh Bá Hòa đã có thêm nhiều luận cứ chứng minh cho giả thiết về sự tồn tại của một nền văn minh lúa nước sông Côn như sau : “Có lẽ những cư dân Bình Định cổ ở thời đại văn hóa tương ứng với văn hóa Đông Sơn đã biết đến một nến văn minh trồng lúa nước trên dọc triền sông Côn từ hạ lưu lên đến thượng lưu và đã chủ động bước vào xây dựng văn minh Chămpa, trên cơ sở văn minh nông nghiệp địa phương phát triển ở các vùng mà ngành sinh thái học gọi là E-cô-tôn, tức là những vùng giáp ranh giữa các hệ sinh thái khác nhau. Dựa vào đó họ thu lượm được nhiều thức ăn và nguyên liệu dồi dào. Chính vì vậy họ có điều kiện định cư lâu dài, tiến lên hình thành những vùng dân cư nông nghiệp trên dọc bờ sông Côn...”. Đã từng có giả thiết đáng tin cậy về một trung tâm chế tác trống thuê tọa lạc ở miền đồng bằng Bắc Bộ, liệu những chiếc trống đồng Bình Định có phải là sản phẩm của một hợp đồng chế tác nào đó giữa cư dân bản địa với người Đông Sơn không (?). Xin xem đây là một ý kiến để các nhà khoa học lưu ý giải đáp.

Truyền thống văn hóa Việt Nam với hiện vật quý báu là trống đồng nói chung, trống Đông Sơn nói riêng cho phép dân tộc ta có quyền tự hào về bề dày hàng ngàn năm văn hiến mà các vua Hùng đã dựng xây mà ngày nay chúng ta là những người kế tục. Càng tự hào về văn hóa Việt Nam ta lại càng khắc ghi thêm lời dặn của Hồ Chủ Tịch đã dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữa lấy nước.”

. Bá Phùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những hội ngộ mở chân trời sáng tạo  (11/03/2003)
Nhà thơ của những người mẹ, người chị, người con gái Việt Nam  (10/03/2003)
Cảm ơn Pipat!  (09/03/2003)
Tượng Ganêsa trong nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa  (09/03/2003)
Bình Định có tận dụng được lợi thế sân nhà ?  (07/03/2003)
Sông núi vọng phu  (07/03/2003)
"Tôi có "thừa võ sĩ" cũng không "thiếu văn sĩ"   (07/03/2003)
Mười năm sống với văn hóa Hre  (06/03/2003)
Dư luận tiếp tục lên tiếng về “vụ Lưu Thanh Châu”  (05/03/2003)
Quản lý di tích: Những vấn đề đang đặt ra   (04/03/2003)
Dư luận xung quanh án phạt Lưu Thanh Châu  (05/03/2003)
Phạm Văn Hà lãnh án 3 năm tù giam  (21/02/2003)
Pipat Thongkaya - cầu thủ đầu tiên lập hat-trick   (21/02/2003)
Để “ngọn lửa đá”cháy trong lòng người  (21/02/2003)
Cho những điêu tàn tỏa sáng   (21/02/2003)