Chúng tôi muốn nói đến bài Calley Sơn Mỹ 3/68, một bài thơ viết khi vụ Sơn Mỹ đã lùi vào quá khứ suýt soát 20 năm và đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập thống nhất được 12 năm, đã bắt đầu đổi mới (1987), nỗi đau Sơn Mỹ còn âm ỉ nhưng không còn là một sự kiện nóng hổi nữa. Đối với một bài thơ chính luận mà viết với một quãng cách thời gian, một “độ lùi” như vậy, nhất là khi hai phía Việt Nam và Mỹ đang cùng tìm cách khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, thì quả là khó. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Ngày ấy, một buổi sáng trong chiến tranh, 16-3-1968, một đơn vị quân viễn chinh Mỹ đã bất ngờ đổ quân vào làng Sơn Mỹ (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) và chỉ trong vòng một buổi sáng đã tàn sát 504 thường dân Việt Nam, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Một năm rưỡi sau, tức từ khoảng cuối năm 1969, vụ thảm sát đã được phanh phui ở Mỹ, làm chấn động cả dư luận thế giới và lương tâm loài người. Chính quyền Mỹ buộc phải đưa tên trung úy Calley và một số sĩ quan, binh lính trực tiếp nhúng tay vào tội ác ra tòa, nhưng rồi...
Phán quyết nọ, phủ quyết kia
Tòa án trên, tòa án dưới
Cùng với cá bể chim trời
Tên sát nhân Calley vẫn tự do tại ngoại
Và thậm chí:
Lên giảngđường đại học hai nghìn đô-la một buổi
Tung hoành
Cùng với các giáo sư tên tuổi
Các nhà sáng chế phát minh
Giết năm trăm mạng người kỷ lục ấy mấy ai đạt tới
Cũng là một cách lừng danh
Bài thơ của Chế Lan Viên đã bắt đầu như vậy và cứ thế cuồn cuộn tuôn chảy, cuồn cuộn vọt trào gần 240 câu mà người đọc vẫn không có cảm giác kéo dài. Ý nọ móc ý kia, tứ nọ chồng lên tứ kia, tầng tầng lớp lớp với bao ngang trái, nghịch lý trong vụ Sơn Mỹ, vụ án Calley khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và đây cũng là một nghịch lý:
Tòa có phạt Calley 100 đô-la đền tội
Một đô-la năm xác người, rẻ thối
Calley rất đỗi đàng hoàng rất đỗi vung vinh
Nhưng chưa hết:
Có một bài hát về trung úy Calley ra trận
Lại là tình ca
Kẻ giết người thành điệp khúc trở lại trở đi đều đặn
Tờ rá la la
Cái điệp khúc quái đản “Tờ rá la la” được nhà thơ dùng nhiều lần như để giữ nhịp và thể hiện thái độ mai mỉa của mình trước các nghịch lý xoay quanh một trục: bất công - công lý và cùng với cái trục ấy là những cặp đối lập: tàn nhẫn - nhân đạo, bất nhân - nhân ái, cái ác - cái thiện, mà nghiệt ngã thay, cái xấu, cái áo đang cơ thắng thế. Nó ngạo mạn và trâng tráo thách thức những giá trị tốt đẹp nhất của nhân loại mà Calley chính là một hiện thân, một sản phẩm của nó.
Khi vụ Sơn Mỹ vỡ lở ra ở Mỹ, công chúng tại đất nước của văn hào Ernest Hemingway và nhà thơ Walt Whitman mới sửng sốt nhận ra những con em của họ mang danh nghĩa tốt đẹp là đi bảo vệ tự do lại có những đặc tính của súc vật, của những kẻ không còn một chút lương tri. Họ kết án không chỉ Calley, Medina hay Koster (cấp trên của Calley) hay chỉ những người lính trực tiếp bắn giết, mà còn đòi những nhân vật chóp bu trong chính quyền và quân đội Mỹ, trong đó có tướng William Westmoreland, tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam, phải ra trước ánh sáng công lý. Công chúng Mỹ và thế giới so sánh Sơn Mỹ với những vụ thảm sát man rợ như Guernica (Tây Ban Nha), Lidice (Tiệp Khắc), Auradour (Pháp)... và cho rằng Sơn Mỹ không phải là một sự kiện riêng lẻ (isolated incident) mà chỉ là một mắt xích trong một chuỗi tội ác, là hệ quả tất yếu của một chính sách. Mặt khác, các thế lực ở Mỹ lại ra sức bênh che cho Calley, xem Calley như một anh hùng... Điểm qua như vậy để thấy cuộc đấu tranh cho công lý cũng hết sức gay go và các dữ liệu mà Chế Lan Viên làm chất liệu cho bài thơ không hề có sự hư cấu hay phóng đại. Nó có tính xác thực từ sự thật, từ lịch sử. Xác thực từ việc Calley “giấc ngủ về đêm rất thẳng” đến cái quan niệm sặc mùi phân biệt chủng tộc của y:
Định nghĩa người phải là người da trắng
Khác màu da là thuộc hệ bọ dòi
Họa sĩ thiên tài Picasso từng vẽ bức tranh Guernica, một vụ thảm sát ghê người trên quê hương Tây Ban Nha do bọn phát xít gây ra, và ông đã để lại một kiệt tác bất hủ. Chế Lan Viên bằng ngôn ngữ thơ đã khắc họa sắc nét hung thần Calley đối với Sơn Mỹ tháng 3-1968. Kể ra không phải để so sánh, bởi ngôn ngữ hội họa khác ngôn ngữ văn tự, họa sĩ vẽ tranh trong hoàn cảnh khác với thi sĩ làm thơ, nhưng một điểm chung của mọi nghệ sĩ chân chính là thể hiện lòng phẫn nộ trước cái ác và bảo vệ cho cái thiện, cho lòng nhân đối với con người. Bằng ngòi bút khắc họa hình ảnh Calley như là một điển hình của thế lực tàn bạo, hiếu chiến (chứ không đại diện cho công chúng Mỹ), Chế Lan Viên đã phải chen vào đó những lời bình ngoại đề như những lời cảnh giác đối với nhân loại:
Tội ác chiếm các diễn văn diễn đàn
Lên vô tuyến kênh ngang kênh dọc
Vào học viện tót ngay lên bục
Thách thức người trên tận khải hoàn môn...
Vẫn biết từ thời trước, công chúng Mỹ đã góp sức ngăn chặn chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, nhiều người Mỹ, nhất là các nghệ sĩ và cựu binh, sau chiến tranh đã quay lại Sơn Mỹ, quay lại Việt Nam góp phần hàn gắn vết thương, nhưng sau Sơn Mỹ, sau chiến tranh Việt Nam, đây đó trên thế giới cái ác vẫn hiện diện với lời thách thức đối với nhân loại. Đâu phải chỉ có Calley với tội ác ở Sơn Mỹ, kể tội Calley không phải để bới lại những gì thuộc về quá khứ, mà để cảnh báo cho hiện tại và tương lai:
Chả phải ở một góc Sơn Mỹ này đâu mà cả trên trái đất
Tội ác đang còn tại ngoại tự do
Quả thật, Calley Sơn Mỹ 3/68 chính là một bài thơ chính luận đặc sắc của Chế Lan Viên.
. Cao Chư
Nhân 35 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (16-3-1968 - 16-3-2003) |