Vài suy nghĩ về nhiếp ảnh nghệ thuật
18:35', 17/3/ 2003 (GMT+7)

Bước ngoặt (Đào Tiến Đạt) - tác phẩm dự triển lãm tại TPHCM, Ấn Độ và Pháp vào đầu năm 2003.

Song song với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiếp ảnh không ngừng phát triển, trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho con người trong mọi lĩnh vực cuộc sống từ sinh hoạt, lễ hội đến nghiên cứu khoa học kỹ thuật và biểu đạt nghệ thuật…

Về lĩnh vực nghệ thuật, hiện nay trên ảnh trường quốc tế có nhiều xu hướng sáng tạo. Tuy nhiên xem xét kỹ chúng ta dễ nhận diện được hai dòng ảnh chủ đạo trong loại hình nghệ thuật. Với tâm tư của một người yêu ảnh nghệ thuật, tôi xin mạn phép giải bày hầu mong được trao đổi, xác tín:

Ảnh truyền thống: bằng thủ pháp kỷ thuật căn bản, khả năng tư duy nghệ thuật của nhà nhiếp ảnh chớp lấy khoảnh khắc, bấm máy đúng lúc và không can thiệp nhiều kỹ xảo làm biến dạng đối tượng miêu tả.

Ảnh thể nghiệm: bằng mọi thủ pháp, phương tiện nhằm biến đổi hình ảnh tạo ra những yếu tố mới lạ thoả mãn ý đồ nghệ thuật của tác giả. Hiện nay dòng ảnh này khai thác triệt để khả năng ứng dụng của ảnh kỹ thuật số, các phần mềm photoshop, photo – paint …

Như vậy máy ảnh truyền thống (máy cơ), máy ảnh kỹ thuật số đều có thể chụp và làm ra ảnh nghệ thuật truyền thống hay ảnh thể nghiệm. Không ít người trong chúng ta quan niệm rằng hễ ảnh chụp bằng máy kỷ thuật số hoặc dùng Photoshop chấm sửa, tăng giảm sắc độ, màu sắc dù chỉ là rất ít thì không còn là ảnh truyền thống nữa. Ngày xưa các bậc thầy trong làng nhiếp ảnh Việt Nam như cụ Phạm Văn Mùi, cụ Võ An Ninh… dùng kỹ thuật buồng tối để che chắn, tăng giảm đậm nhạt, phân sắc độ, chạy sáng … để cho ra đời những tác phẩm mê đắm lòng người như Đôi dòng thác, Sapa thì ngày nay phần mềm Photoshop chính là “buồng tối” của nhiếp ảnh đương đại .

Xin dẫn ra đây hai tác phẩm thành công lớn trong năm 2002 thuộc hai dòng ảnh đã trình bày ở trên:

- Tác phẩm Lớp học vùng cao của NSNA Lê Hồng Linh mà chúng ta đã từng biết, theo tôi thuộc dòng ảnh truyền thống:

+ Về hình thức thể hiện : Tác giả đặc tả một em bé vùng cao  với khuôn mặt kháu khỉnh, thông minh, đôi mắt sáng long lanh say sưa nghe giảng bài. Hậu cảnh sậm nhưng vẫn nhận ra có vài học sinh ngồi phía sau  đủ để  người xem biết đây là một lớp học. Hình như tác phẩm không có phần nào thừa thiếu, với bố cục phá cách hình vuông và thể hiện đặc sắc các yếu tố tương phản: to nhỏ, mờ tỏ, xa gần, đậm nhạt. Cái độc đáo nhất theo tôi, tác giả đã bắt đứng được khoảnh khắc cao trào của đối tượng miêu tả: ánh mắt, nụ cười, cây bút chì đung đưa trên trang vở làm nên cái duyên mà có thể ngay chính tác giả khó lặp lại lần thứ 2.    

+ Về tính tư tưởng: Giáo dục là một lĩnh vực luôn được đề cao, quan tâm coi trọng của mọi thời đại, nhất là trong xã hội hiện nay của chúng ta. Nhìn sự rạng rỡ ở đôi mắt và nụ cười của em bé trong Lớp học vùng cao, chúng ta liên tưởng đến một bài học hay, một phương pháp giảng dạy sinh động, lôi cuốn … và có quyền kỳ vọng ở một tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ ở vùng cao, vùng xa.

Đề tài cũ nhưng thể hiện mới cả nội dung lẫn hình thức đã tạo nên thành công lớn cho tác phẩm và đem về cho tác giả nói riêng, nhiếp ảnh Việt Nam nói chung khoảng chục giải thưởng : HCĐ ( huy chương đồng ) cuộc thi ảnh quốc tế tại Việt nam (VN 02), HCV FIAP Tây Ban Nha, Huy chương Asahi Shimbun Nhật, HCĐ & Cúp cho bộ ảnh màu xuất sắc  nhất Hồng Kông, HCV & Cúp cho tác phẩm xuất sắc nhất Gran Tour Delle Colline 2003 ở Ý …

- Tác phẩm Cánh chim hoà bình của NSNA Lý Hoàng Long theo dòng ảnh thể nghiệm được làm nên từ nhiều phim khác nhau, thông qua phần mềm Photo – paint, tác giả tạo thành một hình ảnh mới: một thanh niên đội mũ tai bèo hai tay tung lên bầu trời xanh thẳm  hai đàn chim bồ câu. Điều đặc biệt khác với những tác phẩm trước đây cùng thể hiện đề tài này là đàn chim từ tay người thanh niên bay lên từ màu đen chuyển dần đến khi bay vút vào trời xanh thành con bồ câu trắng rõ nét, nổi bật. Cũng như  Lớp học vùng cao, tác phẩm này là một đề tài muôn thuở nhưng tác giả biết khai thác cách thể hiện mới đọng nhiều xúc cảm thẩm mỹ và được trao giải nhất ảnh kỹ thuật số của Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy nó chỉ khác nhau ở phương tiện còn hình thức thể hiện và bản chất nghệ thuật tuỳ thuộc từng NSNA. Thế giới đã có bước tiến đáng kể về loại ảnh thể nghiệm, còn chúng ta cũng khó đứng ngoài cuộc. Trong khi còn hạn chế về phương tiện, điều kiện tài chính, nên chăng dòng ảnh nghệ thuật truyền thống là chọn lựa số một của giới Nhiếp ảnh Bình Định ?

Thiết nghĩ máy ảnh cộng với kỹ năng chụp ảnh không làm nên NSNA mà còn đòi hỏi ở khả năng tư duy nghệ thuật, vốn sống, tri thức, quá trình rèn luyện và khả năng cảm thụ những loại hình nghệ thuật liên quan như thơ, văn, nhạc, họa…. Không có sự tưởng tượng thì không có nghệ thuật cũng như sự tiến bộ của loài người. Nhưng sự tưởng tượng của người nghệ sỹ nhắm đến con người và cuộc sống làm đối tượng sáng tạo thì tác phẩm trở thành thông điệp đậm tính nhân văn. Khả năng tưởng tượng càng lớn, tác phẩm càng có giá trị dài lâu bởi cái nhìn thấy chỉ một nửa. Phần còn lại là hệ quả của sự giao thoa giữa tác giả và công chúng, là hồn của tác phẩm. Nói tóm lại, chính tác phẩm làm nên diện mạo người nghệ sỹ.

Đối với người chơi ảnh nghệ thuật, những cuộc thi ảnh là sân chơi bổ ích để biết mình biết người, là nơi hội nhập, học hỏi, động viên khích lệ với bao niềm vui, nỗi buồn đan xen… Tuy vậy, chúng ta không nên lấy thi cử làm mục tiêu sáng tạo nghệ thuật bởi theo tôi, cái Đẹp thì duy nhất còn cảm thụ vẻ đẹp không đồng nhất. Điều đó cũng lý giải tại sao, có những tác phẩm đoạt giải cao ở cuộc thi này nhưng không được chấp nhận ở cuộc thi khác .         

Tôi rất tâm đắc câu nói của ông Mattixơ - họa sỹ người Pháp - “Nếu tôi tìm thấy người nào đó có khả năng dạy bảo tôi, tôi coi đó là điều cực kỳ may mắn”. Vâng, đúng vậy, nghệ thuật thì vô hạn còn khả năng người nghệ sỹ thì hữu hạn nên điều đó rất cần thiết cho tôi và cũng có thể cho những ai muốn đi trên con đường gian khổ mà tràn ngập niềm hạnh phúc này.        

. Đào Tiến Đạt

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định chơi áp đảo trên sân khách  (16/03/2003)
Một bài thơ chính luận đặc sắc của Chế Lan Viên  (14/03/2003)
Lần đầu tiên tổ chức triển lãm ảnh Bình Định trên đất nước Liên Xô  (14/03/2003)
Các đội đầu bảng sẽ tiếp tục gia tăng khoảng cách ?  (12/03/2003)
Trống Đông Sơn và mùa xuân văn hóa Việt Nam   (13/03/2003)
Những hội ngộ mở chân trời sáng tạo  (11/03/2003)
Nhà thơ của những người mẹ, người chị, người con gái Việt Nam  (10/03/2003)
Cảm ơn Pipat!  (09/03/2003)
Tượng Ganêsa trong nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa  (09/03/2003)
Bình Định có tận dụng được lợi thế sân nhà ?  (07/03/2003)
Sông núi vọng phu  (07/03/2003)
"Tôi có "thừa võ sĩ" cũng không "thiếu văn sĩ"   (07/03/2003)
Mười năm sống với văn hóa Hre  (06/03/2003)
Dư luận tiếp tục lên tiếng về “vụ Lưu Thanh Châu”  (05/03/2003)
Quản lý di tích: Những vấn đề đang đặt ra   (04/03/2003)