Đinh Bằng - Nghệ sĩ bản làng
17:3', 18/3/ 2003 (GMT+7)

Đinh Bằng - người được mệnh danh là “Nghệ sĩ của bản làng”

Người Chăm H’Roi ở Vân Canh ai cũng tự hào về Đinh Bằng – người được mệnh danh là “Nghệ sĩ của bản làng”. Bởi lẽ Đinh Bằng là người duy nhất ở làng Canh Tiến, xã Canh Liên và cũng là một trong số ít người Chăm ở Vân Canh biết chế tác và biết chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau, lại còn biết hát Kơh-nah – một loại hình nghệ thuất rất khó. Không lễ hội nào của huyện, của xã mà thiếu mặt Đinh Bằng.

Trong nhà sàn của anh Đinh Bằng luôn có ba loại nhạc cụ: Đàn Deeng Goong, đàn Kơ - ní và kèn R’tin đều do tự tay anh làm. Đinh Bằng bảo: “Cái đàn Goong này dễ chơi, học khoảng 1 tháng là biết cách ngay. Nó là thứ đàn tiện lắm, lễ hội, đám ma, đám cưới, trai gái tỏ tình nhau… đều chơi được cả”. Nói xong, Đinh Bằng so dây Deeng Goong, gẩy luôn một mạch hai bài: “Buôn làng mở hội” và “Cô gái vót chông”. Deeng Goong là loại đàn được làm bằng một đoạn cây lồ ô dài chừng nửa thước; có 10 sợi dây (chế từ cọng dây thắng xe đạp) được nối với 10 cần đàn ở phía đầu (để có thể so phím); thùng đàn là phần thân của một quả bầu khô, đã được cắt hết phần eo nhỏ. Đây là một trong những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm H’roi, sử dụng giống như đàn Guitare của phương Tây, nhưng đánh bằng cả hai tay mà không cần bấm phím.

Đinh Bằng cho biết: “Đàn Kơ-ní chơi mới khó, phải học tới một năm mới bắt nó theo ý mình được”. Đàn Kơ-ní gần giống với đàn cò. Thân đàn Kơ-ní được làm bằng một đoạn lồ ô nhỏ, chỉ có một dây, cần kéo là một đoạn tre dẹp bằng một nửa ngón tay út, vót rất nhẵn. Tiếng đàn Kơ-ní giống hệt tiếng đàn cò, có âm lượng hơi nhỏ hơn; có thể chơi được nhiều loại nhạc khác nhau, nhưng thường là buồn vì tiếng đàn nghe ảo não, sầu thương lắm. Người Chăm kể rằng: đàn Kơ-ní do một chàng trai mất vợ, buồn quá mới tạo ra đàn này để than thở, trách phận…

Một miếng đồng mỏng hình lưỡi giáo, ở giữa xẻ một nửa hình thoi. Đinh Bằng gọi đó là kèn R’tin. Anh đưa kèn lên môi, dùng ngón tay cái của bàn tay phải “gẩy” kèn, và theo sự điều chỉnh làn hơi tài tình của anh, người nghe có cảm giác đang lạc giữa đại ngàn mênh mông, có tiếng gió rít, có tiếng thú hoang âm âm vọng lại. Đinh Bằng nói rằng đây là loại kèn người Chăm chỉ dùng khi có tâm sự buồn, thật buồn, nhất là lúc cô đơn, bế tắc…

Ngoài việc tự chế tạo và chơi xuất sắc ba loại nhạc cụ trên, “nghệ sĩ bản làng” còn đánh cồng chiêng rất hay. Anh có khả năng “thẩm âm” xem cồng chiêng tốt hay không bằng cách “đếm” độ ngân bằng… sải tay. Cồng chiêng nào có tiếng vang nhiều sải tay hơn chính là loại tốt. Đinh Bằng còn biết hát Hơ Ri (chuyện thơ), kể Khan (trường ca) và đặc biệt là hát Kơh-nah bài bản, vần cú đường hoàng, anh là người thu hút sự chú ý nhất ở những đêm lễ hội dài thâu đêm suốt sáng…

Đinh Bằng năm nay đã trên 50 tuổi. Anh cho biết rằng do thích lễ hội nên từ thuở còn là một cậu bé, anh đã theo các già làng, các nghệ nhân để học đánh đàn, thổi kèn, chơi cồng chiêng… Nhờ thế mà cái tay, làn hơi mới uyển chuyển, mới lanh lợi, mới chơi được nhiều nhạc cụ như bây giờ. Anh thích những bản nhạc truyền thống, nhất là “Buôn làng mở hội”, “Bóng cây kơnia”, “Ca ngợi Anh hùng Núp”… anh nghe đài rồi thuộc, rồi mày mò và… biểu diễn.

Qua các đợt dự liên hoan văn hóa các dân tộc miền núi của tỉnh và Tây Nguyên, anh đều gặt hái được nhiều thành công và được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Văn hóa - Thông tin và của tỉnh… “Đi nhiều, tuy mệt nhưng vui lắm, vì mình giới thiệu được những thứ nhạc cụ của dân tộc mình”. Đinh Bằng cười tươi nói vậy.

. Lang Ngọc Tú

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vài suy nghĩ về nhiếp ảnh nghệ thuật  (17/03/2003)
Bình Định chơi áp đảo trên sân khách  (16/03/2003)
Một bài thơ chính luận đặc sắc của Chế Lan Viên  (14/03/2003)
Lần đầu tiên tổ chức triển lãm ảnh Bình Định trên đất nước Liên Xô  (14/03/2003)
Các đội đầu bảng sẽ tiếp tục gia tăng khoảng cách ?  (12/03/2003)
Trống Đông Sơn và mùa xuân văn hóa Việt Nam   (13/03/2003)
Những hội ngộ mở chân trời sáng tạo  (11/03/2003)
Nhà thơ của những người mẹ, người chị, người con gái Việt Nam  (10/03/2003)
Cảm ơn Pipat!  (09/03/2003)
Tượng Ganêsa trong nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa  (09/03/2003)
Bình Định có tận dụng được lợi thế sân nhà ?  (07/03/2003)
Sông núi vọng phu  (07/03/2003)
"Tôi có "thừa võ sĩ" cũng không "thiếu văn sĩ"   (07/03/2003)
Mười năm sống với văn hóa Hre  (06/03/2003)
Dư luận tiếp tục lên tiếng về “vụ Lưu Thanh Châu”  (05/03/2003)