Tản mạn về nghề văn
17:29', 18/3/ 2003 (GMT+7)

Mỗi người làm nghề văn có những không gian hiện thực riêng của mình. Tôi sinh ra ở thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, nhưng trải qua cả quãng đời thơ ấu tại xóm Hoàng Thành Bắc, thị trấn Bình Định huyện An Nhơn. Bóng dáng làng quê qua lời kể của má và bà ngoại, cộng với không khí thị trấn thời chiến tranh là không gian hiện thực thứ nhất mà cuộc đời dành tặng cho tôi. Hồi nhỏ tôi là một cô bé được giao nhiệm vụ giữ nhà. Suốt ngày, tôi ra đứng sát hàng rào đợi má tôi đi chợ về. Mọi thứ diễn ra ngoài hàng rào: những chuyến xe ngựa chở hàng từ An Thái về thị trấn Bình Định, cảnh những người lái buôn lùa trâu bò đi bán ở chợ súc vật, tiếng pháo kích làm một bà già hàng xóm giật mình nói lịu v.v… từng hình ảnh, từng chuyển động đã đi qua tâm hồn non nớt của tôi. Để rồi, trong trang viết của tôi, vùng hiện thực ấy luôn trở lại dù chỉ là một phần rất nhỏ, đủ để “bén rễ xanh cây” giữa miền ký ức.

Không gian hiện thực thứ hai mà tôi hướng tới là lịch sử và văn hóa dân tộc. Trong những năm ròng rã sưu tầm vốn văn hóa dân gian và tiếp cận với các nguồn sử liệu văn bản, cộng với sử liệu sống là các nhà thơ, các nhà nghiên cứu lão thành của quê hương, tôi đã được hiểu thêm về lịch sử vùng đất của mình trên nhiều bình diện.

Bình Định từ lâu được mệnh danh là vùng đất thượng võ, và người Bình Định xưa rất thi sĩ ngay trong hành động võ hiệp của họ. Chàng Lía, một nông dân thế kỷ XVII, bị áp bức nghèo khổ đến nỗi phải đi ăn cướp, nhưng vị tướng cướp đặc biệt này lại chủ trương “Cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Đại đô đốc Trần Quang Diệu đang khi gánh vác trọng trách của một tướng lĩnh chỉ huy quân đội Tây Sơn, vẫn mong ước có một ngày “kỵ hoàng hạc trùng tục đa sơn du” (cưỡi hạc vàng nối lại cuộc rong chơi qua nhiều ngọn núi – trích từ một bài thiệu đao của Trần Quang Diệu). Hay như chuyện hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã hành xử cao thượng với người dưới ngựa. Năm 1800, hai ông cào chiếm lại thành Hoàng Đế. Bị vây lâu ngày, tướng giữ thành của Nguyễn Ánh là Hậu quân Võ Tánh tự thiêu và Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Vào thành, hai ông Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng không giết người thất thế, tha chết cho hết thảy tướng sĩ nhà Nguyễn bị kẹt lại trong thành, dùng lễ đại tướng chôn cất Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, đích thân Trần Quang Diệu còn đề hai chữ “song rung” trước bia mộ. Chết vì nghĩa lớn như các nghĩa sĩ Tây Sơn hay xả thân cho công cuộc chống ngoại xâm, là sự lựa chọn của những nhân cách thượng võ trên xứ sở này. Mai Xuân Thưởng, một lãnh tụ của phong trào Cần Vương chống Pháp tại Bình Định, khi lên đoạn đầu đài vẫn sang sảng ngâm những vần thơ bất khuất: “Chết nào có sợ chết như chơi/Chết bởi vì dân chết bởi thời/Chết hiếu chi nài xương thịt nát/Chết trung bao quản cổ đầu rơi/Chết nhân tiếng để thơm ngàn thuở/Chết nghĩa bia thơm rạng mấy đời/Thà chịu chết vinh hơn sống nhục/Chết nào có sợ chết như chơi”. Rõ ràng chất thi sĩ hòa quyện với chất thượng võ trong con người Bình Định. Những người hậu thế như chúng tôi, khi cầm bút ghi lại những câu chuyện đỏ như son, đẹp như ngọc của cha ông, mạo muội làm cái việc gọi là văn chương, suy cho cùng, chính là “làm văn trên đất võ” như nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng từng suy ngẫm về nghề viết, một công việc lao động nhọc nhằn mang tính tự nguyện, vừa làm vừa học từ người xưa biết bao điều vô giá.

Nhưng đâu chỉ học người xưa. Mảnh đất Bình Định ngay trong gương mặt đẫm mồ hôi của thì hiện tại, luôn luôn làm người sống trong nó ngạc nhiên bởi sự ẩn hiện huyền diệu của quá khứ và ánh mắt đau đáu của tương lai. Để đất đi qua lửa thành xương gốm Gò Sành chứ không phải là một thứ đất nung nào khác, để gạo qua lửa thành rượu Bàu Đá chứ không phải là một thứ rượu chung chung, để trăng đi qua một thế hệ thi sĩ hiện lên thành trăng Bình Định, thì không chỉ có cần cù hoặc tài hoa làm nổi, nếu thiếu linh khí của sông núi phổ vào. Linh khí ấy tan hòa trong huyết mạch của những con người nhân văn, thượng võ. Lịch sử đã lùi xa nhưng trong hơi gió của mọi thời vẫn thổi về mùi hương chính khí. Chính vì vậy mà người Bình Định không bao giờ nguôi niềm khao khát đi tìm chân dung quê hương mình trong khí phách Quang Trung, trong mỗi áng văn chương đầy trăn trở, trong từng làn điệu hát bội, bài chòi nặng lòng gừng cay muối mặn. Tôi luôn luôn ý thức rằng những điều mình làm được là vô cùng ít ỏi, và trong từng chút một, thấm đẫm ân nghĩa của quê hương và các thế hệ đi trước dành cho chúng tôi, thấm đẫm ân tình của những người sống cùng thời. Bình Định còn cả những tầng lớp hiện thực bề bộn đủ làm chất liệu cho các tác phẩm lớn mà mọi khai thác chỉ mới là một phần rất nhỏ. Không phải ngẫu nhiên mà những người từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vẫn còn trăn trở vì trang sử vẻ vang ấy chưa được tái hiện trong văn học một cách tương xứng với sự hy sinh xương máu của đồng bào, đồng đội. Trong thực tiễn đổi mới của Bình Định, vượt lên những biến cải biển dâu của tạo hóa là những can thiệp đầy lương tri và trách nhiệm của con người để mang lại cho cuộc sống vả rạng rỡ, dù là trang sóng vào đất liền làm muối, nuôi tôm hay lật đất trồng dưa, gieo lúa, dù là cái rộn rã sau một vụ được mùa hay nỗi nghẹn ngào trước những mất mát thiên tai, dù là việc làm thêm một con đường hay thực hiện cả một dự án lớn làm cầu cho cuộc sống bước vào chân trời mới. Văn chương là một cách bày tỏ tình yêu và lòng ngưỡng vọng của người làm thơ trước tầm vóc rộng lớn và sâu thẳm không cùng của đời sống. Trong đó, số phận con người phải được quan tâm hàng đầu. Đó là mối tương liên máu thịt giữa cuộc đời, giữa thời đại và nhà văn, nếu thiếu mối tương liên đó, tác phẩm sẽ như miếng cơm lạt muối. Khi Đào Tấn viết:

Đợ áo cho ta rượu lúc nghèo

Bỏ nhà khi loạn bế con theo

Không màng cảnh sống ngày vinh lạc

So với nàng, ta thẹn xiết bao

là nói tới một chuyện rất riêng, nỗi day dứt của một người chồng làm quan xa, sống với vợ bé, nghĩ về người vợ cả ở quê. Bài thơ làm xúc động lòng người, không phải bởi tâm trạng của người chồng, mà bởi nó vẽ lên thân phận và nghị lực của người vợ, người phụ nữ giữa thời phong kiến tao loạn. Bảo rằng tác giả lấy thời đại làm đường viền một chân dung, hay lấy chân dung làm điểm nhận diện thời đại, đều có lý. Song cái lý ấy truyền tải vào lòng người lại bằng cái tình, tức là tấm lòng chân thành của tác giả. Văn chương đích thực không chấp nhận sự giả trá hoặc ích kỷ. Sức mạnh và vẻ đẹp của văn chương là ở sự trung thực.

Trò chuyện với những người làm thơ trẻ, nhà thơ Tố Hữu tâm sự rằng có một truyện cổ La Phôngten làm ông nhớ mãi. Đó là truyện kể về một con bồ nông mẹ đi kiếm ăn cả ngày mà không được gì, tối về, nó đã tự rút ruột mình để mớm cho con. Nghề văn, theo ông, là một công việc rút ruột, dâng hiến. Một lần trên đoạn đường từ ga Diêu Trì về nhà, tôi gặp một người bán cháo khuya, nồi lửa đỏ rực trong đêm với lời rao ngược gió đã ám ảnh tôi rất lâu:

Có người gánh lửa vào đêm

Chân không bén đất khăn mềm vắt vai

Lời rao thâu cả dặm dài

Bao nhiêu cơ cực rơi ngoài thảo thơm

Nghề văn, có lẽ cũng gần như thế.

. Trần Thị Huyền Trang

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đinh Bằng - Nghệ sĩ bản làng  (18/03/2003)
Vài suy nghĩ về nhiếp ảnh nghệ thuật  (17/03/2003)
Bình Định chơi áp đảo trên sân khách  (16/03/2003)
Một bài thơ chính luận đặc sắc của Chế Lan Viên  (14/03/2003)
Lần đầu tiên tổ chức triển lãm ảnh Bình Định trên đất nước Liên Xô  (14/03/2003)
Các đội đầu bảng sẽ tiếp tục gia tăng khoảng cách ?  (12/03/2003)
Trống Đông Sơn và mùa xuân văn hóa Việt Nam   (13/03/2003)
Những hội ngộ mở chân trời sáng tạo  (11/03/2003)
Nhà thơ của những người mẹ, người chị, người con gái Việt Nam  (10/03/2003)
Cảm ơn Pipat!  (09/03/2003)
Tượng Ganêsa trong nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa  (09/03/2003)
Bình Định có tận dụng được lợi thế sân nhà ?  (07/03/2003)
Sông núi vọng phu  (07/03/2003)
"Tôi có "thừa võ sĩ" cũng không "thiếu văn sĩ"   (07/03/2003)
Mười năm sống với văn hóa Hre  (06/03/2003)