|
Ông Vũ Ngọc Liễn - người đánh trống chầu |
Vũ Ngọc Liễn là nhà nghiên cứu sân khấu kỳ cựu của tỉnh Bình Định – nơi người ta thường mệnh danh là chiếc nôi tuồng. Ông có nhiều đóng góp và có công lớn trong công cuộc nghiên cứu về Đào Tấn – Hậu tổ nghệ thuật Tuồng, Danh nhân văn hóa quốc gia. Ông là chủ biên các tập sách Thư mục tư liệu về Đào Tấn, Thơ và từ Đào Tấn; sưu tầm, chỉnh lý, biên dịch tập Tuồng Đào Tấn (2 tập). Tập sách Kẻ sĩ đất Thang Mộc do ông biên soạn về một số danh nhân Bình Định đã được trao giải thưởng Xuân Diệu – Đào Tấn 1995-2000. Vừa qua ông cũng đã xuất bản tập Góp nhặt dọc đường (chọn lọc một số công trình nghiên cứu và bài viết của ông từ trước đến nay).
Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu sân khấu, như con tằm cần mẫn rút ruột nhả tơ. Ông sống giản dị, ung dung tự tại, thích giao du với cánh báo chí, văn nghệ sĩ trẻ, như ông vẫn thường nói đùa: “Tôi có già đâu mà phải chơi với người già”. Mà cũng đúng, ông thật trẻ trung từ tính cách đến lối suy nghĩ trong công việc. Hàng ngày, ông bách bộ qua mấy đường phố Quy Nhơn, ghé vào nhà một người bạn nào đó làm mấy ván cờ tướng, hoặc ghé lại Sở VHTT, Hội VHNT, Báo Bình Định… nói vài câu chuyện vui; hoặc vẫy chiếc xích lô lên thẳng Nhà hát tuồng Đào Tấn, bù khú cùng anh chị em nghệ sĩ Tuồng. Để rồi đêm về, bên ngọn đèn, ông đắm mình cùng các tư liệu, thư tịch, đề tài nghiên cứu…
Khi vui chơi thì thoải mái, nhưng với công việc, ông rất cẩn trọng, chu đáo và khoa học. Ông vẫn thường tâm sự: Tôi đã “quăng’ cả cuộc đời vào nghệ thuật tuồng thì phải theo tới cùng. Nói như lời của nhân vật Kỷ Lan Anh trong vở Hộ sinh đàn của cụ Đào: Vương mang gánh nghĩa, gánh tình…
Bên ly bia sóng sánh ở chiếc quán cóc trong một con phố nhỏ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện vui vẻ với ông.
* Thưa cụ, ở vào tuổi 80, thế mà cụ vẫn chưa… rửa tay gác kiếm? Liệu gánh nặng tuổi tác và sức khỏe có ảnh hưởng đến công việc của cụ?
- Ồ, tôi chưa thấy cái già ở đâu cả; hình như là nó chưa đến với tôi. Càng lúc, tôi càng cảm thấy những suy nghĩ của mình càng chín hơn, thấu đáo hơn; sức khỏe ổn định hơn. Một số anh em trẻ gọi tôi là đại ca, là quái kiệt, là người trẻ mãi không già… Ừ, thì gọi sao cũng được, miễn là tôi vẫn… trẻ!
* Nghe nói cụ sắp… xuất thêm những chiêu mới?
- Vâng! Tôi đang chuẩn bị in tập “Kịch tuyển Hát Bội Bình Định” gồm 20 vở tuồng đặc sắc mà Tuồng Bình Định từ trước đến nay dàn dựng, biểu diễn. Dù muộn còn hơn không, cần phải ghi lại, giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghệ thuật Tuồng.
* Cụ có công lớn trong việc nghiên cứu Đào Tấn - một “ông thầy Tuồng” - Danh nhân Văn hóa quốc gia; cụ thấy công tác nghiên cứu về Đào Tấn cho đến hiện nay như vậy đã đầy đủ chưa?
- Với tài năng và sự cống hiến của Đào Tấn cho nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đến nay những gì mà chúng ta sưu tầm, nghiên cứu được chưa thể gọi là nhiều thì làm sao có thể cho là đủ.
Riêng tôi, tôi đang chuẩn bị xuất bản bộ sách “Đào Tấn toàn tập” gồm 3 tập.
Tập 1: “Thơ và từ Đào Tấn” khoảng 600 trang, bổ sung thêm 204 bài thơ, từ, so với tập trước.
Tập 2: “Tuồng Hát Bội Đào Tấn” cũng khoảng 600 trang, in 9 vở tuồng tiêu biểu của cụ Đào, có phần giới thiệu lai lịch, lời bình cho từng vở, kèm hình ảnh nhân vật (do các đoàn dàn dựng, biểu diễn) và phần chú giải, nguyên tác Hán-Nôm…
Tập 3: “Đào Tấn qua thư tịch” tập trung giới thiệu một bộ phận tư liệu, tài liệu của Đào Tấn, các công trình nghiên cứu, bài viết, hội nghị khoa học về Đào Tấn.
Qua việc xuấn bản “Đào Tấn toàn tập”, tôi sẽ đính chính, sửa chữa một số sai sót ở các tập sách trước, bổ sung tư liệu mới. Dự kiến đến cuối năm 2004 sẽ hoàn thành phần việc này. Sau đó tôi sẽ chủ biên cho việc biên soạn công trình “Khái luận nghệ thuật sân khấu Đào Tấn”. Hát thế nào, múa thế nào, diễn thế nào là Đào Tấn; văn học Đào Tấn ra làm sao; giá trị của nó thế nào…? Tôi đã chuẩn bị tư liệu mấy chục năm nay, và tin rằng mình sẽ làm được điều này.
* Kinh phí xuất bản chắc sẽ không nhỏ! Cụ bỏ tiền túi ra ư?
- Kinh phí là điều khó, nhưng tôi tin nó sẽ không… bó cái khôn. Tôi sẽ chạy tài trợ, dựa vào một số nguồn tài trợ; như người ta thường nói là “xã hội hóa” ấy mà! Tôi không nghĩ nhiều đến nguồn kinh phí nhà nước. Chỉ mong là sau khi sách in xong, các ngành hữu quan như văn hóa, thư viện, trường học… mua dùm sách là đủ.
* Coi bộ cụ còn… nặng nợ?
- Vâng, tôi còn nhiều việc phải làm nên tôi không tội gì… già! Phải làm sao để thế giới hiểu rằng Hát Bội là của Việt Nam. Không thể có một nền sân khấu lớn nếu không làm rõ được các gương mặt tác giả, tác phẩm, nghệ sĩ biểu diễn… Hát Bội có ảnh hưởng văn hóa Á Đông là điều dĩ nhiên, nhưng nó là của Việt Nam, made in Việt Nam! Chẳng hạn, người ta nói nó giống kinh kịch của Trung Quốc, nhưng bao nhiêu kịch chủng của Trung Quốc, kể cả Kinh kịch làm gì có đánh chầu; rồi dàn nhạc, múa, văn học kịch của Hát Bội cũng đều khác… Phải tìm ra nhiều cái riêng độc đáo của Hát Bội để Unesco phải công nhận Hát Bội Việt Nam là di sản văn hóa (phi vật thể) thế giới, như Hội An, Huế, Mỹ Sơn, vịnh Hạ Long của ta đã được công nhận.
* Vâng, xin chúc cụ sức khỏe, trẻ mãi không già để có thêm nhiều cống hiến cho bộ môn sân khấu truyền thống độc đáo của Bình Định nói riêng, Việt Nam nói chung.
|