Giỗ tổ hát bội ở Bình Định
17:10', 23/3/ 2003 (GMT+7)

Lễ giỗ tổ Nhà hát tuồng Đào Tấn

Lễ giỗ tổ hát bội là một cách bày tỏ lòng tưởng nhớ cội nguồn, tri ân tiền thân đã khai sinh và tái bồi nghệ thuật của giới nghệ sĩ sân khấu hát bội, được tổ chức hai lần trong năm, gọi là Xuân kỳ (tháng 3 âm lịch ) và Thu tế (tháng 8 âm lịch).

Từ đầu tháng 3 âm lịch, các gánh hát đều trích tiền doanh thu biểu diễn hàng đêm để cúng tổ. Có gánh dành nguyên tiền suốt một đợt hát. Chọn được ngày tốt, đêm diễn cuối cùng trước khi giỡ rạp, bạn hát họp lại bàn việc giỗ tổ, cử ra chánh tế (thường là bầu gánh), bồi tế (thường là một diễn viên lớn tuổi, có uy tín) và các trị sự (người lo việc mua sắm lễ vật). Bàn xong, dù có biểu diễn ở xa họ cũng đùm túm quay về trường tổ (nhà thờ tổ) để tựu trường trước lễ giỗ một ngày, cất rạp trước trường tổ và coi giờ tốt để chưng án trường (bày biện nghi lễ trong nhà thờ tổ).

Việc chưng án trường theo thứ lớp hẳn hoi. Trên hết là bàn thờ chư vị thánh tổ, chia làm 3 ngôi – thượng 2 vị, trung 4 vị, hạ 6 vị – tất cả 12 vị tổ. Tượng các vị thánh tổ tạo bằng gỗ cây thị nên có tục cấm mang quả thị vào sân khấu. Tất cả các vị tổ đều mặc áo dài, đội khăn đóng, mang hia hoặc hài. Có ý kiến cho rằng 12 vị tổ tượng trưng cho các tầng lớp: sĩ, nông, công, thương; ngư, tiều, canh, mục; công, hầu, khanh, tướng.

Sau khi chưng án trường, chánh tế xem giờ khởi tế. Trị sự lên đèn nhang ở các bàn rồi nhờ vị đội nhạc ban trống mời (đánh trống báo hiệu chuẩn bị lễ cúng). Trưởng đội nhạc rót 3 chén rượu, bái 3 bái trước sân, nhúng 2 đầu dùi trống vào chén rượu giữa, bưng 2 chén rượu kia đổ lên 2 mặt trống chiến rồi bắt đầu ban trống mời các vị thánh tổ chuẩn bị dự lễ cúng. Các bộ phận khác của lễ giỗ nghe tiếng trống đều thu dọn, rửa ráy sạch sẽ, lên đứng hai bên án lễ để hầu cúng. Còn có thêm 4 diễn viên thanh niên khỏe mạnh mặc áo thụng xanh đứng ở 4 góc án gọi là học trò gia lễ. Người xướng lễ bước đến trước án, bái ra mắt rồi hô lớn: “Chánh tế, bồi tế tựu vị”, hai người này bước vào. Người xướng lễ xướng tiếp: “Củ soát lễ vật”, chánh tế và bồi tế đi một vòng xem lễ vật đã đủ chưa. Người xướng lễ xướng: “Khởi chinh cổ”, trống và chiêng đánh cùng một lúc 3 hồi 9 tiếng. Xướng: “Khởi nhạc”, dàn nhạc đánh các bài khai trường, chiến rồi vô xàng xê. Tiếp theo là các thủ tục phần hương (thắp hương) thượng hương (dâng hương) với các động tác hưng, bái 3 lần, hiến trà, hiến tửu 3 lần, trong lúc dàn nhạc đánh các bài xây thượng, xây tá. Bồi tế thỉnh văn tế giao cho chánh tế, cáo lạy 3 lần, quỳ đội bao văn. Xướng: “Giai quỳ độc chúc”, bồi tế soi đèn cho người xướng văn đọc tế, lại hưng, bái 3 lần rồi đến phiên các bạn hát bước vào lễ tổ. Chánh tế lễ tất, phát diêm mễ (vãi muối gạo), đốt áo y (đồ mã) rồi lễ thành (hoàn tất buổi lễ). Bây giờ đến phần phân tế (mang lễ vật xuống) để kiến (biếu) cho chánh tể, bồi tế, trị sự, lưu lại cho chủ trường tổ… rồi don tiệc, mời các vị chức sắc trong lành cùng với bạn hát yến ẩm vui vầy.

Tiệc tùng xong chánh tế coi giờ để chưng án rạp (thỉnh tổ ra rạp để xem hát, trước mặt rạp hát cũng chưng bàn tổ như trong trường tổ ). Sau hậu trường cũng có một bàn tổ trên đặt siêu, búa, cung, đầu rồng, đầu cọp và mặt nạ ông địa. Lại chọn giờ để hát thứ lễ (hát cúng). Người xướng lễ đọc văn án rồi mời hai vị khởi cổ viên (người đánh trống chầu, thường là các quan viên chức sắc có uy tín trong làng xã) tựu vị. Hai dùi trống cũng được bọc giấy điều. Khởi tố viên rụp trống hỏi bên trong chuẩn bị xong chưa trống chiến rụp báo hiệu xong. Trống chầu đánh lên 9 tiếng, chia từng hồi 3 tiếng dòn dã (theo đả cổ pháp: xuân tam, hạ cửu, thu thất, đông ngũ: mùa xuân đánh 3 tiếng, mùa hè 9 tiếng, mùa thu 7 tiếng, mùa đông 5 tiếng). Dàn nhạc chơi bài xàng xê. Người hướng lễ hô: “Ca công tựu án tiền khởi võ”, bạn hát dạ ran. Dàn nhạc chơi bài bóp nhặt, trống lịnh đánh cửu lục tam cửu chuyển (9 tiếng đổ hồi, 6 tiếng đổ hồi, 3 tiếng đỏ hồi trở lại chín tiếng), diễn viên phát thinh (ó lên), bắt đầu khai tuồng hát thứ lễ. Thường hát các vở trong pho Tam Quốc, chọn những đoạn có nhân vật Quan Công như Cổ thành, Hoa Dung lộ… và là những đoạn tuồng ít có nhân vật nữ.

Cuối buổi hát là đến màn tôn vương bằng một loạt các điệu múa: múa bông, múa lưỡng nghi, múa Phước Lộc Thọ, múa Tứ linh, múa Bát tiên chúc thọ; sau cùng là điệu múa Long hổ hội rồi kết thúc bằng màn tôn vương, mang ý nghĩa cầu thịnh vượng cho nghề nghiệp, cho dân tộc. Liền sau đó trống chầu đánh một hồi dài, gọi là hồi chầu, phía sau hậu trường bạn hát giựt hai miếng tranh lợp rạp đem đốt, coi như là xong lễ giỗ.

Lễ Thu tế được tổ chức giống như lễ Xuân kỳ, có thêm lễ cúng bỏ đồ (cả gánh hát gồng gánh rương hòm như là đi diễn thật, đến một ngã ba đường bỏ tất cả đồ đoàn lại đó. Ban tổ chức bố trí người đợi sẵn, giả vờ nhặt được rồi cho gánh hát chuộc lại, về vẽ mặt hóa trang, hát vài lớp gọi là hát chuộc đồ. Sau đó cất kỹ đồ đoàn, gánh hát tạm giải tán, ai về nhà nấy, nghỉ mưa để chờ mùa diễn năm sau). Việc cúng bỏ đồ, hát chuộc đồ mang ý nghĩa chuộc tội của các nghệ nhân vì đã dám đóng các vai thần thánh, tiên, phật trên sân khấu, nay phải làm lễ chuộc cái tội phạm thượng này.

Ngoài hai lệ cúng Xuân kỳ, Thu tế, còn có lễ giỗ hậu tổ (giỗ Đào Tấn). Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, các gánh hát lại tập trung về cửa Lý Môn (ngôi đình ở phía dưới cổng làng Vĩnh Thạnh) để giỗ hậu tổ. Lễ giỗ này chỉ cúng đồ chay và hát một số trích đoạn trong các vở tuồng của cụ Đào.

Ngày nay, ở Bình Định, các đoàn hát bội vẫn còn giữ lệ giỗ tổ, tuy cách thức tổ chức có đơn giản hơn, tùy theo điều kiện của từng đoàn hát, nhưng chủ yếu là các buổi lễ vẫn diễn ra trong không khí trang nghiêm, sùng kính.

. Thúy Vi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định lại chia điểm?  (21/03/2003)
Bắt đầu cuộc bứt tốp ?  (20/03/2003)
Trò chuyện với nhà nghiên cứu Tuồng Vũ Ngọc Liễn  (19/03/2003)
Nhiếp ảnh Bình Định bước đầu khởi sắc  (21/03/2003)
Tản mạn về nghề văn  (18/03/2003)
Đinh Bằng - Nghệ sĩ bản làng  (18/03/2003)
Vài suy nghĩ về nhiếp ảnh nghệ thuật  (17/03/2003)
Bình Định chơi áp đảo trên sân khách  (16/03/2003)
Một bài thơ chính luận đặc sắc của Chế Lan Viên  (14/03/2003)
Lần đầu tiên tổ chức triển lãm ảnh Bình Định trên đất nước Liên Xô  (14/03/2003)
Các đội đầu bảng sẽ tiếp tục gia tăng khoảng cách ?  (12/03/2003)
Trống Đông Sơn và mùa xuân văn hóa Việt Nam   (13/03/2003)
Những hội ngộ mở chân trời sáng tạo  (11/03/2003)
Nhà thơ của những người mẹ, người chị, người con gái Việt Nam  (10/03/2003)
Cảm ơn Pipat!  (09/03/2003)