|
Một buổi hát án của cư dân miền biển |
Theo tín ngưỡng của ngư dân miền biển Việt Nam thì cá voi là cứu tinh của người bị nạn trên biển. Người ta gọi cá voi là cá Ông, là thần Nam Hải và có tục thờ cúng cá Ông. Ngày vía (cúng) cá Ông thường gắn liền với ngày hội của cư dân miền biển, thường gọi chung là lễ hội cầu ngư, được tổ chức trong thời gian vào khoảng giữa tháng giêng đến tháng 6 âm lịch. Nội dung chủ yếu của lễ hội cầu ngư là ghi ơn ông Nam Hải, ghi ơn các bậc tiền nhân đã giúp đỡ rèn luyện nghề nghiệp, vừa gởi gắm vào đó hy vọng:
Khỏi cảnh leo cây kiếm cá
Thỏa lòng vượt biển ra khơi
Lưới nghề giàu có
Thuyền lướt cá nhiều
Ấm no lớn nhỏ
(Lời hát trong chèo bả trạo)
Trong lễ hội cầu ngư, ngoài hình thức cúng tế, rước ông, diễn xướng dân gian (chèo bả trạo, diễn lại cảnh ra khơi đánh bắt, đua thuyền…) thì hát bội là một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ một lễ hội cầu ngư nào, đặc biệt là đối với cư dân vùng biển miền Trung và Nam Trung Bộ. Hát bội trong lễ hội cầu ngư thường gọi là hát thứ lễ, các đoàn hát gọi chung là hát án.
Cứ đến lễ hội cầu ngư thì các vạn chài lại mời một đoàn hát bội về hát. Nếu như trong năm ấy trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền thì đoàn hát được xem là “tốt vía” và những năm sau thường mời hát nữa. Trước khi hát án, đoàn hát thường gởi đội nhạc đến trước để giúp vạn chài thực hiện phần “nhạc lễ” trong các nghi thức tế lễ. Đôi khi còn phải cử 2 đến 4 diễn viên trẻ hóa trang và mặc trang phục riêng để làm “học trò gia lễ” tham gia trong các buổi tế. Khi đoàn hát đến nơi (gọi là tựu án) tất cả đều phải giữ mình sạch sẽ, nghiêm túc. Đoàn cử một đại diện đến lăng để dâng hương và bàn giờ giấc biểu diễn. Sau đó ban tổ chức mang lễ vật (gồm 3 con gà và hoa trái) để đoàn hát cúng tổ hát bội trước khi hát thứ lễ. Vở diễn hát án thường chọn một số vở trong pho tuồng “Tam Quốc” như: Cổ thành, Huê Dung lộ, Giang Đông phó hội, Tam chiến Lã Bố…
Ngày nay, hầu như bất cứ án nào cũng đều phải diễn vở Cổ thành của Đào Tấn, bởi vở này mang đậm tính chất nhân nghĩa, phù hợp với truyền thống dân tộc. Giờ hát án thường được chọn rất kỹ, phải chọn giờ tốt nhất, bất kể ban ngày hay ban đêm, khuya hay sớm. Trước khi hát án, ban vạn (ban tổ chức lễ cầu ngư của vạn chài) tiến hành nghi lễ rước ông (bài vị) ra án đối diện với sân khấu để ông xem hát và chứng lễ. Diễn viên đã hóa trang và chuẩn bị sẵn sàng. Người xướng lễ hô lớn: “Ca công tựu án tiền khởi vũ” (có nơi hô: “Cung tán ca diên”) thì tất cả đều dạ ran. Chánh tế khởi chầu. Bên trong hậu trường, trống quân tiếp. Đại biểu đoàn hát (thường là bầu gánh hoặc trưởng đoàn) ra đọc lời chúc phước rồi khai trống lệnh ra tuồng. Khi nhân vật Quan Công bước ra đến trung tâm sân khấu, tất cả khán giả đều đứng dậy nghiêm trang. Một tràng pháo nổ vang để “mừng ông”. Pháo dứt, tất cả mới ngồi vào vị trí. Quan Công bắt đầu cất tiếng hát…
Sau phần kết thúc vở diễn là màn “tôn vương”. Đoàn hát chọn một diễn viên nam trẻ đẹp đóng vai một ông vua có đầy đủ đạo đức, xứng đáng là một vị thiên tử. Cảnh sân khấu là buổi thiết triều, có vua sáng tôi hiền với bá quan văn võ, long hổ hội chầu. Khi vua ban truyền ân xá, cầu chúc nước thịnh dân an thì tất cả các nhân vật đồng thanh hát kết, thường là câu:
Khánh hỷ quân thần đồng cộng lạc
Thái bình dân quốc, thái bình ca
Cũng có vạn chài yêu cầu biểu diễn các điệu múa Tứ linh, múa Tam tinh chúc thọ, Long Hổ trình tường, múa Hoa đăng… Bên ngoài đổ một hồi chầu, bên trong tiếp theo 3 tiếng trống lệnh, buổi hát thứ lễ kết thúc, chấm dứt phần nghi thức tế lễ của lễ hội cầu ngư. Sau đó đoàn hát tiếp tục hát cho dân xem. Các vở diễn tùy theo đoàn bố trí hoặc theo yêu cầu của ban vạn, nhưng cũng phải là những vở diễn kết thúc có hậu, ít cảnh binh đao chết chóc. Các diễn viên chia ca ra hát diễn liên tục suốt ngày đêm. Khán giả ai thích thì xem, có khi vừa ăn uống vừa xem hát. Hát cho đến hết số giờ đã hợp đồng. Thường một đợt hát án (gọi là một án) hát từ 30 giờ đến 60 giờ, có khi hơn nữa. Thù lao cho gánh hát được tính theo giờ.
Ngày nay các đợt hát án chính là dịp doanh thu cho các đoàn hát bội. Sau một thời gian lắng đi (từ 1975 đến 1985), hiện nay lễ hội cầu ngư ngày càng phát triển ở hầu hết các vạn chài miền Trung và trở thành một lễ hội lớn của ngư dân.
. Thúy Vi
|