Phạm Xuân Tuyển – 30 năm “theo” Hàn Mặc Tử
17:17', 27/3/ 2003 (GMT+7)

Quê nội của Phạm Xuân Tuyển ở Quảng Nam; quê ngoại ở Bình Định, nhưng anh được sinh ra (1951) và lớn lên tại Phan Thiết – tỉnh Bình Thuận, nơi có những địa danh và con người rất đỗi thân thiết của Hàn Mặc Tử, như Lầu Ông Hoàng, người đẹp Mộng Cầm… Tính đến nay Phạm Xuân Tuyển đã có trên 30 năm đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử.

Vài năm về trước, khi sức khỏe còn khá, hầu như năm nào Phạm Xuân Tuyển cũng ghé lại Quy Nhơn một vài tháng. Hình ảnh một người đàn ông trung niên, vóc người nhỏ bé với chiếc túi du lịch nhỏ lúc nào cũng kè kè bên hông đã trở nên quen thuộc với anh chị em văn nghệ sĩ ở Quy Nhơn – Bình Định. Nhiều người thường gọi anh là “nhà Hàn Mặc Tử học”.

Không hiểu cái gốc gác Bình Định, Phan Thiết; cái sự quen biết (học cùng lớp) với cô Mộng Đức – con gái của bà Mộng Cầm – và những lần lui tới thăm chơi Lầu Ông Hoàng cũng như những vần thơ tuyệt tác của Hàn Mặc Tử… có ảnh hưởng gì đến Phạm Xuân Tuyển hay không? Nhưng việc anh dành cả cuộc đời mình để cố gắng chắp nối những mảnh đời của nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử thì quả thật là công phu, là một việc làm đầy ý nghĩa.

Phạm Xuân Tuyển không giàu có gì; anh làm rất nhiều nghề để kiếm sống, để kiếm chút ít tiền làm hành trang cho những cuộc rong ruổi trên đường thiên lý, tìm đến những địa phương, những con người có liên quan đến Hàn Mặc Tử, với hy vọng góp phần làm sáng tỏ, thắp sáng lên những ngọn nến lung linh trong cuộc đời và văn nghiệp của nhà thơ nổi tiếng đất Quy Nhơn và cũng là nhà thơ lớn của Việt Nam, người đã góp phần khơi dòng cho phong trào thơ mới.

Anh đã tìm đến những người phụ nữ là “nhân vật chính” trong một số bài thơ của Hàn, như các bà Mộng Cầm, Mai Đình, Hoàng Cúc… Anh tìm đến những người bạn thơ thân thiết của Hàn: Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Phạm Hổ và những người bà con thân thiết của Hàn Mặc Tử để nghe kể chuyện về Hàn, để góp nhặt tư liệu, rồi đối chiếu, so sánh với những câu chuyện, những tư liệu đã được công bố trên sách báo để mong tìm ra những cái gì là thật sự trong cuộc đời của nhà thơ “trăng”, xác định những thực-hư đã nhuốm màu sương khói thời gian. Bước chân của anh đã đi qua rất nhiều địa phương trong nước, cũng chỉ với một mục đích duy nhất: “theo” Hàn Mặc Tử.

Phạm Xuân Tuyển khá cẩn trọng, tỉ mỉ trong công việc mà anh say mê đeo đuổi. Từ những giấy tờ hộ tịch của Hàn ở nhà thờ Tam Tòa (Đồng Hới – Quảng Bình); nhà thờ Chính tòa Quy Nhơn… anh xác định tên thánh của Hàn là Phan-xi-cô chứ không phải là Phê-rô như đã ghi trên bia mộ của Hàn ở đồi Ghềnh Ráng. Qua những tài liệu sưu tầm được, anh cho rằng bút danh của Hàn là Hàn Mạc Tử chứ không phải là Hàn Mặc Tử như người ta thường gọi. Anh cũng đã tìm ra bản chép tay bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn, mà sách báo bấy lâu nay in thành “Đây thôn Vỹ Dạ”… Hơn 30 năm đi tìm chân dung đích thực của Hàn Mặc Tử, Phạm Xuân Tuyển đã viết trên 30 bài nghiên cứu, bài báo. Năm 1996, anh cũng đã xuất bản tập sách “Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử” (Nxb Văn học ấn hành) tập hợp nhiều tư liệu, hình ảnh về Hàn Mặc Tử mà anh sưu tầm được, cùng một số bài viết.

Hiện nay Phạm Xuân Tuyển rất mong muốn được tiếp tục “công trình một đời” của mình. Nhưng đáng tiếc là sức khỏe của anh quá kém, 4 lần bị nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não đã để lại cho anh những di chứng nặng nề. Hoàn cảnh kinh tế của anh hiện nay rất khó khăn, không có điều kiện để điều trị bệnh. Mong có được những tấm lòng Mạnh Thường Quân, những bạn bè, người quen biết… giúp cho Phạm Xuân Tuyển thêm chút điều kiện để anh có thể vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.

Hiện Phạm Xuân Tuyển đang điều trị ở Bệnh viện tỉnh Bình Dương. Địa chỉ liên hệ của anh: Đặng Thị Nở, khoa Dược – Bến Sắn (Bình Dương) nhờ chuyển Phạm Xuân Tuyển; hoặc ĐT: 0650.659713.

. Nhất Tâm

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bóng ném Bình Định cùng hướng tới SEA Games-22  (26/03/2003)
Những chuyển biến bước đầu trong công tác xã hội hóa thể thao ở Bình Định  (26/03/2003)
Đầu tư 28 tỷ đồng xây dựng hồ chứa nước Quang Hiển  (26/03/2003)
Hát án  (26/03/2003)
Bình Định thua đau  (23/03/2003)
Giỗ tổ hát bội ở Bình Định  (23/03/2003)
Bình Định lại chia điểm?  (21/03/2003)
Bắt đầu cuộc bứt tốp ?  (20/03/2003)
Trò chuyện với nhà nghiên cứu Tuồng Vũ Ngọc Liễn  (26/03/2003)
Nhiếp ảnh Bình Định bước đầu khởi sắc  (21/03/2003)
Tản mạn về nghề văn  (18/03/2003)
Đinh Bằng - Nghệ sĩ bản làng  (18/03/2003)
Vài suy nghĩ về nhiếp ảnh nghệ thuật  (17/03/2003)
Bình Định chơi áp đảo trên sân khách  (16/03/2003)
Một bài thơ chính luận đặc sắc của Chế Lan Viên  (14/03/2003)