Ngày ấy vừa kết thúc chiến tranh. Giữa những âm thanh tràn ra từ những băng cát -xét của những Võ Thành An, Ngô Thụy Miên, Cung Tiến… Có những giây phút muốn hát lên một câu gì thật mới mẻ, thật dịu dàng, nhưng không bi lụy, sướt mướt. Song, do thói quen trận mạc đã khiến ta lúng túng, đã làm nghèo đi phần tình ca vốn rất đằm thắm ở dân ca Việt. Giữa lúc ấy, giữa lúc quá khan hiếm ấy, bỗng nghe ngân nga một giọng Kiều Hưng: “Nước dưới sông có khi đầy, khi cạn - Trăng trên trời có khi tỏ khi mờ- Tình đôi ta từ bấy đến giờ- Vẫn tròn như chiếc nón bài thơ”. Giai điệu qua giọng hát ngọt ngào của Kiều Hưng như dòng nước mát tưới tắm cho đồng hạn bấy lâu, thông báo về một cá tính sáng tạo. Đó là nhạc sĩ Lê Việt Hòa với bản tình ca đầu tiên sau ngày thống nhất.
Đấy là cuộc gặp gỡ thầm lặng giữa bài thơ của nhà văn Sơn Tùng - tác giả cuốn truyện “Búp sen xanh” nổi tiếng viết về Bác Hồ - với chàng nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã từng khoác áo lính từ thời chống Pháp. Thực ra, bài thơ của Sơn Tùng là viết về cuộc đấu tranh của phụ nữ Quảng Ngãi với chính quyền ngụy. Bởi vậy, câu thơ đích thực của bài thơ là: “Em đội nón bài thơ- Đi giữa đường Quảng Ngãi”. Song vì cái tứ của bài thơ quá hay, quá độc đáo, rất phù hợp với sự vẹn tròn của đất nước ngày thống nhất, Lê Việt Hòa đã chỉnh ca từ thành: “Em đội nón bài thơ- Đi đón ngày hội mới- Nước non ta nay một dải- Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ…” để cái tứ thơ trữ tình này được hát lên đúng vào thời điểm không thể nào quên của đất nước. Với cảm xúc mạnh trước bài thơ, Lê Việt Hòa đã thả bồng bềnh vào sáng tạo của mình những âm hưởng của hò, của ví dặm xứ Nghệ để chắp cánh cho bài thơ bay lên.
Sinh ra vào thời điểm không thể nào quên của đất nước, “Gửi em chiếc nón bài thơ” của Lê Việt Hòa phỏng thơ Sơn Tùng đã thấm vào đời sống thanh bình của Việt Nam, trở thành bài ca đi cùng năm tháng với nhiều thế hệ. Sau Kiều Hưng, ca sĩ Trung Đức cũng đã thể hiện thật truyền cảm bản tình ca này.
Bản tình ca của ngày ấy bây giờ đã được ca sĩ trẻ Trọng Tấn phả vào đấy hơi thở của sự trẻ trung. Dường như vẫn là lời thề non, hẹn bể muôn thuở của đôi lứa, nhưng đi cùng năm tháng đến thế kỷ mới này, sự chung thủy, tính vẹn tròn khi xưa đã vang lên như một tấm gương sáng cho tuổi trẻ soi rọi và thêm yêu tin cuộc sống hơn. Trọng Tấn đã làm được điều đó thật hoàn mỹ. “Vòm trời nón bài thơ” chắc chắn còn che rợp đời sống đầy tốc độ, đầy tiết tấu hiện đại, bởi vì nó luôn là một khoảng râm mát ngả bóng xuống tâm hồn những phút giây cần thư thái.
. Nguyễn Thụy Kha
|