Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của danh hoạ Vincent Van Gogh (30/31853-30/32003):
Danh họa Van Gogh - “một hoả diệm sơn phóng lửa”
16:58', 28/3/ 2003 (GMT+7)

Danh họa Van Gogh

Đối với những người yêu nghệ thuật Việt Nam, tên tuổi và sự nghiệp của danh hoạ Vincent Van Gogh đã trở nên gần gũi và quen thuộc. Nhiều tác phẩm của ông đã được in ấn, sao chụp, xuất bản rộng rãi. Đặc biệt, một số tác phẩm nổi tiếng của Van Gogh đã được ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam chọn và thể hiện thành những bộ tem. Tháng 4/1990, hai tác phẩm “Nữ nông dân”“Thiếu phụ áo lam” của Van Gogh được chọn in trong bộ tem “Danh hoạ Châu Âu” nhân Triển lãm tem Quốc tế tại London (Anh). Riêng bức “Nữ nông dân” được chọn làm Blôc (số 75). Bộ tem và Blốc do 2 hoạ sĩ Nguyễn Hiệp và Nguyễn Thị Sâm thiết kế. Tiếp đó, tháng 5/1993, nhân Triển lãm tem Thế giới Polska, hai tác phẩm của Van Gogh là “Hoa Diên vỹ”“Bác sĩ Gachet” (xem ảnh) lại được ngành Bưu chính Việt Nam chọn đưa vào bộ tem “Những bức tranh nổi tiếng thế thế kỷ 20”. Riêng bức tranh “Bác sĩ Gachet” của ông được chọn làm Blôc (số 105). Bộ tem và Blốc do 2 nữ hoạ sĩ Vũ Kim Liên và Nguyễn Thị Sâm thiết kế.

Nói đến danh hoạ Vincent Van Gogh, các nhà nghiên cứu nghệ thuật đều thống nhất đánh giá: ông chính là người đặt nền móng cho trường phái Biểu Hiện (Expressionni) ra đời. Đồng thời, ông cũng được giới Mỹ thuật tôn vinh là “thuỷ tổ” của các trường phái và trào lưu hội hoạ hiện đại. Một nhà bình luận nghệ thuật người Đức qua nhiều năm nghiên cứu về danh họa Vincent Van Gogh đã viết: “Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, và nhất là trong 5 năm cuối, Van Gogh không ngừng phóng tranh ra dữ dội như hoả diệm sơn phóng lửa”.    

Vincent Van Gogh sinh trưởng trong một gia đình công chức ở Hà Lan. Cả gia đình ông không một ai theo nghệ thuật. Vì vậy, con đường đến với hội họa của Van Gogh không phải bằng phẳng mà đầy khó khăn, gian khổ. Van Gogh không phải là một “thiên tài bẩm sinh”. Trước khi đến với hội hoạ, ông từng lăn lộn với đủ thứ nghề: kinh doanh, dạy học, bán sách… Ông từng đi bộ hàng trăm kilômet để tìm thầy học vẽ; từng cầm hơi vài mẩu bánh mì; từng uống trà “trừ bữa”; từng chống trả những cơn động kinh dày vò tàn khốc… để vẽ. Thế rồi, từ những nét vẽ vụng về, nguệch ngoạc, Van Gogh từng bước khẳng định tư cách họa sĩ của mình.

Các nhà nghiên cứu Mỹ thuật gọi tranh của Van Gogh là “những bản tốc ký cuộc sống”. Khi xem những bản “tốc ký” của Van Gogh, nhà nghiên cứu Murina đã thốt lên những thán từ: “Đó là điện tâm đồ của sự vật !”. Thật vậy, qua những tác phẩm của Van Gogh, người thưởng ngoạn nhìn thấy ở ông một tình yêu sâu sắc và những khát vọng sống mãnh liệt. Qua cây cọ của Van Gogh, từ nhà cửa, cây cối như cũng nhấp nhổm, xao động không yên. Và, ngay cả mặt đất, bầu trời, thậm chí cả mặt trời, những vì sao không yên lặng mà xao xuyến, bồn chồn, khắc khoải. Hầu hết những tranh của Van Gogh đều ngồn ngộn những nhát cọ, những “tút”, “tát” màu sùng sục xô lên, táp xuống, quằn quại, gào thét, như một cơn lốc tình cảm bị khuấy động bởi một năng lượng siêu tần. Vincent Van Gogh là một trong số ít các hoạ sĩ làm việc cật lực và “năng suất” nhất. Giai đoạn sống ở Arles, trong vòng 15 tháng ông đã vẽ hơn 200 bức tranh và những ngày nằm điều trị tại nhà thương St Rémy ông đã vẽ tới 150 tranh. Đặc biệt, trong 70 ngày cuối đời, Van Gogh đã vẽ mỗi ngày 1 tranh (70 tranh). Van Gogh vẽ rất nhanh song ông không hề hạ một nhát bút hay một “tút”, “tát” màu nào “ngẫu hứng”, tuỳ tiện. Những tác phẩm của ông đã cho thấy: chỉ khi nào nung nấu hình tượng nghệ thuật thật sâu, thật “cháy bỏng”, Van Gogh mới “trút” tất cả nỗi niềm, “gan ruột” của mình lên mặt tranh, ào ào, cuồn cuộn như sợ nói không kịp, không hết, không đủ mạnh. Và, từ ĐỐI THOẠI trở thành ĐỘC THOẠI - một mình trước giá vẽ, Van Gogh phát biểu cả chất sống âm ỉ, hừng hực sôi trong trái tim nhiệt huyết. Một trong hàng trăm lá thư Van Gogh viết cho Théo - người em trai của mình, ông bộc bạch: “Anh muốn mỗi bức vẽ của anh sẽ đập vào, túm lấy người xem, muốn chúng thật sự chứa đựng một cái gì từ tim anh trút ra…”.                           

Ngày 29/7/1890, trái tim của hoạ sĩ thiên tài Vincent Van Gogh đã ngừng đập. Ông từ giã cõi đời bằng một phát súng “oan nghiệt” khi mới 37 tuổi xuân.Vincent Van Gogh qua đời, nhưng cuộc đời, sự nghiệp của ông đã được nhiều thế hệ hoạ sĩ hiện đại học tập và chịu ảnh hưởng. Ngay như đại danh hoạ Picasso cũng không tiếc lời khi đánh giá: “Van Gogh -Người hoạ sĩ mà cuộc đời là mẫu mực đến tận lúc chết và kể cả cái chết”. Giờ đây, Vincent Van Gogh đã được cả thế giới tôn vinh là MỘT DANH HOẠ VĨ ĐẠI. Ngay tại Amsterdam (Hà Lan) quê hương ông, người ta đã xây dựng một bảo tàng mang tên VINCENT VAN GOGH. Tại đây trưng bày gần 800 tác phẩm (trong đó gần 200 tranh sơn dầu, 500 tranh đồ hoạ) và khoảng 700 lá thư của ông. Nhiều tác phẩm của Van Gogh đã được đưa lên trang Web để giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật trên toàn thế giới. Đồng thời, nhiều tác phẩm của Vincent Van Gogh đã trở nên vô giá. Tranh sơn dầu của Van Gogh được xếp vào “hạng” những tranh sơn dầu đắt giá nhất thế giới (đứng trên cả Picasso). Trong số này tiêu biểu nhất là tác phẩm “Bác sĩ Gachet”. Hiện bức tranh này đang nằm ở giá kỷ lục: khoảng 85 triệu USD.

150 đã trôi qua. Giờ đây, cùng với “Hoa Diên vĩ”, “Bác sĩ Gachet”, tên tuổi của “Người hoạ sĩ mẫu mực” Van Gogh đã in đậm trong trái tim của hàng triệu người yêu nghệ thuật. Và, ngay cả ở những thế kỷ sau, nhận xét của Picasso về Vincent Van Gogh vẫn còn nguyên giá trị: “Van Gogh - Người hoạ sĩ mà cuộc đời là mẫu mực đến tận lúc chết và kể cả cái chết”.

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bản tình ca đầu tiên sau ngày thống nhất  (28/03/2003)
Thiếu Pipat, ai sẽ ghi bàn cho Bình Định?  (28/03/2003)
Tiên học lễ, hậu học… bóng đá!  (28/03/2003)
Phạm Xuân Tuyển – 30 năm “theo” Hàn Mặc Tử  (27/03/2003)
Bóng ném Bình Định cùng hướng tới SEA Games-22  (26/03/2003)
Những chuyển biến bước đầu trong công tác xã hội hóa thể thao ở Bình Định  (26/03/2003)
Đầu tư 28 tỷ đồng xây dựng hồ chứa nước Quang Hiển  (26/03/2003)
Hát án  (26/03/2003)
Bình Định thua đau  (23/03/2003)
Giỗ tổ hát bội ở Bình Định  (23/03/2003)
Bình Định lại chia điểm?  (21/03/2003)
Bắt đầu cuộc bứt tốp ?  (20/03/2003)
Trò chuyện với nhà nghiên cứu Tuồng Vũ Ngọc Liễn  (26/03/2003)
Nhiếp ảnh Bình Định bước đầu khởi sắc  (21/03/2003)
Tản mạn về nghề văn  (18/03/2003)