|
Mai ghép |
Trước kiểng thế là kiểng hoa. Và văn hoá thưởng hoa ngày càng cao cùng sự phát triển kinh tế, xã hội như một quy luật tất yếu. Những cánh hoa mai tròn đầy đem đến cho người hưởng thụ cảm giác thanh thản mênh mông vào những ngày đầu năm mới.
Thật ra, với khí hậu Bình Định, phải chờ đến tháng 8 âm lịch, khi thời tiết đã vào thu, mùa cải tạo hoa mai bằng hình thức ghép mới bắt đầu. Đây chính là thời điểm mà tỷ lệ thành công sẽ cao nhất đối với những mầm mai. Nhưng người ta đã không đợi, dù cây đã phần nào mất sức cho một mùa bông. Với những người ghép hoa thành thục và “kỹ xảo”, họ có thể thực hiện việc này vào bất kỳ tháng nào trong năm. Mai ghép mùa Xuân sẽ thừa sức cho búp vào tháng 8.
Lợi ích của việc ghép mai là thay những bông hoa xấu bằng những bông hoa đẹp hơn với số cánh không quá nhiều, kín đáo và đầy đặn. Hơn 5 năm trở lại đây, người trồng mai ở Bình Định thường chọn giống mai giảo của miền Nam 12 cánh để ghép đại trà thay cho những giống mai truyền thống có nhược điểm hoa hở nách. Người chuyên canh mai cũng chọn giống hoa có bản sắc truyền thống với 5 cánh kín và đẹp, màu vàng đậm để ghép và lấy hạt làm giống cho những “thế hệ” kế tiếp. Và nếu tất cả các vườn mai trong tỉnh đều cho hoa đẹp thì đó chính là nguồn nội lực vững vàng khi bạn hàng tỉnh khác đến mua.
Những chú ong thợ cần mẫn lấy mật từ những bông mai đẹp vào mỗi buổi sáng của mùa Xuân đã vô tình thụ phấn cho hoa. Hệ quả của động thái này là sự ra đời những hạt giống mang thuộc tính của những bông hoa đẹp. Anh L.H.L ở Nhơn Phú (Quy Nhơn) cho biết: “Hàng trăm cây mai trong vườn tôi thì đã có đến 95% là mai cho hoa đẹp. Số hoa xấu sẽ cải tạo nốt trong năm nay. Hạt giống thu được cũng rất nhiều. Nhờ vậy, bạn hàng đến chọn vào các tháng mai không trổ bông vẫn yên tâm mua”…
Cải tạo hoa mai bằng hình thức ghép và chọn hạt giống là một công việc cần làm nhanh và đồng loạt. Người trồng mai ở TP Quy Nhơn và huyện An Nhơn luôn đi đầu trong việc này. Có 4 cách ghép thông dụng mà cả 4 cách đều rất… khoa học và sẽ phát triển bình thường. Đó là ghép chẻ (có hai cách) và ghép da (cũng có hai cách). Ghép da là hình thức khó ghép hơn ghép chẻ vì nó đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng bù lại “mỹ thuật” hơn. Các tế bào giữa da và thân cây sẽ hoạt động tức thì như quán tính làm lành vết thương. Sau một năm có thể không thấy dấu ghép trên cây nữa.
Anh Lâm Khánh ở vườn cây số 10 Trần Phú - TP Quy Nhơn là người đã thực hiện thành công lần đầu tiên ghép búp cho cây mai không có nụ. Anh nói: “Với giá khoảng 700 ngàn đồng của ngày thường, cây mai mini này đã bắt mắt người quan sát vì độ tăng trưởng kỳ diệu của búp dưới bóng râm khi bung vỏ lụa. Tôi đã bán với giá 1,2 triệu đồng cho người thưởng lãm Tết vừa rồi”.
Pha ghép búp ngoạn mục của anh Lâm Khánh và 500 ngàn tiền chênh lệch kia coi như là “phần thưởng cuối năm” của suy tư, của người có “nợ nần” với nghệ thuật cỏ hoa trên đất Bình Định. Và như thế, trong việc cải tạo hoa mai, 2 yếu tố văn hóa và kinh tế đã song hành, giúp cho người trồng mai cũng như kinh doanh mai phần nào đỡ vất vả.
. Trần Hoàng
|