Kỷ niệm lần thứ 113 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2003):
Nghệ sĩ Văn Tân: Tôi muốn mang hình ảnh của Bác Hồ kính yêu đến với mọi người
17:17', 16/5/ 2003 (GMT+7)

Hoạt cảnh “Bác Hồ với giáo viên” do nghệ sĩ Văn Tân thể hiện

Văn Tân là nghệ sĩ được đông đảo người yêu sân khấu biết tiếng vì anh là một trong số ít những nghệ sĩ thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ. Tôi có may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc và xem khá nhiều nghệ sĩ thể hiện vai Bác Hồ, như Trung Đức, Tiến Hợi, Văn Tân, Võ Sĩ Thừa… trong đó, Văn Tân là nghệ sĩ thể hiện vai Bác Hồ thành công hơn cả. Nếu nhiều diễn viên, nghệ sĩ chỉ có thể đóng thành công vai Bác nhờ ánh đèn sân khấu, đạo cụ,  phục trang, thì đối với Văn Tân, “giữa thanh thiên bạch nhật”, anh vẫn có thể đóng vai Bác rất sống động. Trao đổi với chúng tôi, Văn Tân cho biết: Từ trước đến nay, có khoảng 10 diễn viên, nghệ sĩ từng thể hiện vai Bác Hồ trong đó có tôi, Mạnh Linh, Trung Đức, Tiến Hợi, Tuấn Tú, Sĩ Hùng, Cao Ngọc Ngãi, Quang Hòa, Ngọc Thủy, Tiến Mậu, Hà Văn Trọng… Theo tôi, các nghệ sĩ, diễn viên đều “mỗi người mỗi vẻ” và đều có thế mạnh riêng của mình.

- Riêng nghệ sĩ Văn Tân, quá trình thể hiện vai Bác Hồ của anh như thế nào?

+ Tôi bắt đầu thể hiện vai Bác Hồ từ năm 1970 khi còn là diễn viên của Đoàn ca múa kịch Hà Bắc. Ban đầu, tôi tự tết râu, tóc bằng những dây dứa, đay và tự hóa trang. Trong suốt 4 năm (1970 - 1974), tôi nghiên cứu viết hoạt cảnh “Một kỷ niệm cao quý”. Hoạt cảnh này tôi đảm nhiệm đóng vai Bác và tập luôn với Đoàn. Năm 1976, nghệ sĩ Tuấn Tú thể hiện vai Bác ở phim “Vùng trời”, nghệ sĩ Sỹ Hùng đóng vai Bác ở vở kịch “Người công dân số 1”. Sau đó, nghệ sĩ Nhữ Đình Nguyên - người đã hóa trang cho 2 nghệ sĩ trên, viết báo kêu gọi văn nghệ sĩ tham gia thể hiện hình tượng Bác Hồ trên phim và sân khấu. Tôi liền gửi ảnh chụp và những tiểu phẩm của mình về Hà Nội và được nghệ sĩ Nhữ Đình Nguyên đồng ý ngay. Kể từ đó đến nay, tôi đã tự viết khoảng 20 hoạt cảnh, 6 vở kịch ngắn, 7 hoạt cảnh thể loại sân khấu và thể hiện hàng ngàn buổi độc diễn hình tượng Bác Hồ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

- Bình thường, thấy anh ít có nét giống Bác, vậy mà khi hóa trang trông anh cứ như “Cụ Hồ sống”? Có bí quyết gì không anh?

+ Thực ra cũng chẳng có bí quyết gì, mà chủ yếu vẫn là quá trình khổ luyện. Anh biết đấy, Bác Hồ là vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc ta và là danh nhân văn hóa thế giới. Vì vậy, việc hóa trang và thể hiện cho được cốt cách, phong thái của Bác lại càng khó hơn. Không những thế, về ngoại hình tôi có tới 17 chi tiết yếu điểm khi đóng vai Bác: cổ ngắn, mũi thấp, nhân trung ngắn, tai nhỏ, ngực ưỡn, lưng gãy, chân đi vòng kiềng… Để khắc phục những yếu điểm trên, tôi phải cạo tóc sau gáy, khi hóa trang, tôi vén tóc lên, đội tóc giả, đắp tai, mũi, trán và tập đi nhanh, hai mũi bàn chân thẳng… Mặt khác, tôi may mắn được nghiên cứu nhiều bài phát biểu, bài nói chuyện của Bác; học cách phát âm, ngữ điệu, động tác, cử chỉ đi, đứng, ngồi của Bác. May mắn hơn, đã 2 lần vào năm 1961, 1963 tôi được gặp Bác khi Người về thăm Hà Bắc. Đặc biệt, tôi được vào Phủ Chủ tịch và được đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) hướng dẫn về dung mạo, cốt cách, phong thái của Bác Hồ. Đồng thời, tôi còn được các bác Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười góp ý, chỉ bảo tận tình. Ngoài ra, tôi đã tự tìm đọc, nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu sách báo, tranh, ảnh, các tác phẩm về Bác và xem nhiều phim tư liệu, nghe, nghiên cứu giọng Bác nói… Tất cả những vấn đề như: hóa trang, vóc dáng, phong thái, dung mạo, cho đến cử chỉ, lời nói của Bác tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tập luyện.

- Thế còn trang phục?

+ À! Bộ ka-ki tôi mặc khi đóng vai Bác là do đồng chí Lê Duy Thu, Trưởng đoàn dân ca quan họ Hà Bắc - nguyên là công nhân bậc 7/7 của Xí nghiệp may 10, may tặng. Đây là xí nghiệp may nổi tiếng của miền Bắc trước đây, chuyên may quần áo cho Bác Hồ. Vải may áo là do Tư lệnh quân khu 1 tặng khi tôi đóng vở “Bác Hồ về thăm Pác Bó”. Riêng mẫu của trang phục thì được đích thân đồng chí Vũ Kỳ chọn theo mẫu bộ kaki của Bác, hiện trưng bày tại Học viện Nguyễn Ái Quốc. Còn đôi dép cao su thì được phục chế theo đúng mẫu dép của Bác ở bảo tàng.

- Với hơn 30 năm thể hiện vai Bác Hồ chắc là anh có nhiều kỷ niệm?

+ Vì có một chút thành công trong việc thể hiện vai Bác Hồ, tôi được khá nhiều địa phương, tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị trong cả nước mời đến biểu diễn, phục vụ. Hơn 30 năm qua, tôi đã diễn hàng ngàn buổi phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở 60/61 tỉnh, thành trong cả nước. Có năm tôi diễn hàng trăm buổi. Chẳng hạn, năm 1996 tôi diễn tới 128 buổi, năm 2001 diễn 83 buổi, năm 2002 diễn 123 buổi. Từ đầu năm 2003 đến nay tôi đã diễn hơn 30 buổi. Những lần đi biểu diễn như vậy đã để lại trong tôi khá nhiều kỷ niệm. Trong số những kỷ niệm không bao giờ quên là lần biểu diễn phục vụ đoàn tử tù miền Nam ra thăm miền Bắc, tháng 5-1992 và lần biểu diễn phục vụ các đại biểu anh hùng LLVT Quân khu 9, tháng 12-1992. Cả 2 lần biểu diễn này, nhiều đồng chí cán bộ cách mạng lão thành và những chiến sĩ trung kiên đã ôm tôi khóc, đồng thời xúc động nói lên niềm tôn kính đối với Bác Hồ. Đặc biệt, ngày 19-5-1992, tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi là 1 trong số 6 nghệ sĩ thể hiện thành công nhất hình tượng của Bác Hồ, được chọn biểu diễn để Bộ Chính trị xem và duyệt. Vì vậy, nguyện ước của tôi là được đi khắp nơi để đem hình ảnh của Bác Hồ kính yêu đến với mọi người.

- Còn đối với Bình Định?

+ Bình Định đối với tôi cũng có khá nhiều kỷ niệm. Tôi đã biểu diễn ở nhiều cơ quan, đơn vị, trường học của tỉnh Bình Định. Vừa mới đây tôi đã về Bình Định biểu diễn phục vụ Hội nghị Tỉnh ủy Bình Định và một số cơ quan, đơn vị, trường học. Với những đóng góp nhỏ bé của mình, tôi đã được UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen, được Hội Đồng hương Bình Định và Viện Sân Khấu Việt Nam tặng “Giải thưởng Đào Tấn” và bằng khen của Sở Văn hóa - thông tin Bình Định.

- Bạn đọc muốn biết đôi nét về chân dung của nghệ sĩ Văn Tân?

+ (Cười). Chỉ xin vắn tắt thế này: tôi tên thật là Nguyễn Văn Tân, sinh năm 1943 tại Lạng Giang - Bắc Giang. Tôi đã tốt nghiệp đại học đạo diễn sân khấu khóa đầu tiên và là hội viên Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Tôi gia nhập “làng sân khấu” từ năm 1965, sau đó trở thành Phó giám đốc Nhà hát sân khấu tổng hợp Bắc Giang. Hiện nay, tôi đang là Ủy viên Thường vụ - Trưởng ban kiểm tra Hội VHNT Bắc Giang và là Chi Hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Bắc Giang. Qua hơn 30 năm hoạt động sân khấu và thể hiện vai Bác Hồ, tôi đã được tặng thưởng khá nhiều danh hiệu như: “Huy hiệu Bác Hồ”, Huy chương “Chiến sĩ Văn hóa”, Huy chương “Vì Thế hệ trẻ”, “Bằng lao động sáng tạo”, “Giải thưởng Đào Tấn”, Huy chương “Vì sự nghiệp sân khấu”, Huy chương “Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam”, và nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

- Xin cảm ơn anh!

. Viết Hiền

(Thực hiện)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cuộc đấu trí giữa HLV Dương Ngọc Hùng và “Thầy phù thủy” Calisto  (16/05/2003)
Làm cổ động viên cho đội Bình Định ở vùng xa  (15/05/2003)
Hội ngộ tháng Năm  (15/05/2003)
Đòn vu hồi tuyệt diệu của ông Dương Ngọc Hùng  (13/05/2003)
Ngựa ô có thoát hiểm?  (12/05/2003)
Bình Định dậm chân tại chỗ  (11/05/2003)
Kon Tơlok - Điểm sáng làng văn hóa  (09/05/2003)
SEA Games 22 – Còn 215 ngày nữa  (08/05/2003)
Danh họa Gauguin - người mở đường cho hội họa hiện đại  (08/05/2003)
Không thể hiểu văn hóa Bình Định mà không nghiên cứu văn hóa Chăm  (07/05/2003)
4 đội - 2 thái cực!  (06/05/2003)
Chánh Khoan Đông chuyển mình từ xây dựng làng văn hóa  (06/05/2003)
Trận thắng quý giá của Bình Định  (05/05/2003)
Bình Định lại sẽ có điểm trên sân nhà?  (02/05/2003)
Trước thềm Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp khu vực miền Trung  (02/05/2003)