Bác Hồ với vấn đề phát huy văn hóa dân tộc
18:5', 18/5/ 2003 (GMT+7)

Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn

Đối với Bác Hồ, bảo tồn, kế thừa và phát triển văn hóa dân tộc phải đồng thời với việc tẩy trừ mọi di hại và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc, tôn trọng phong tục tập quán, văn hóa các dân tộc ít người và cần phải học tập tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi bổ cho nền văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến di sản văn hóa dân tộc. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập, ngày 23-11-1945 Người đã ký kết sắc lệnh 65 về bảo tồn tất cả các di sản văn hóa như đình chùa, đền miếu, cung điện, thành quách, bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở, kể cả những cái có tính tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử. Năm 1951, trong lúc đang kháng chiến chống Pháp, Người cũng đã ra chỉ thị phục hồi vốn cổ dân tộc. Nhờ vậy mà một số loại hình nghệ thuật truyền thống ở các địa phương trong nước được phục hồi, các đoàn nghệ thuật sân khấu như Đoàn Tuồng Liên khu V, Đoàn Chèo Trung ương, Đoàn Dân ca Liên khu V, Đoàn Cải lương Nam bộ được thành lập để phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân, động viên toàn dân, toàn quân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.

Bác Hồ xem các loại hình văn học dân gian như tục ngữ, vè, ca dao… là những viên ngọc quí của dân tộc. Người cũng rất thích những câu hò xứ Nghệ, xứ Huế và các làn điệu dân ca Việt Nam. Xem trọng văn hóa, đồng thời Người cũng xác định mối quan hệ giữa văn hóa, kinh tế và chính trị: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Người chỉ rõ: “Văn hóa là một mặt trận, người hoạt động văn hóa là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đồng thời “Dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”.

Tuy việc dân việc nước bộn bề nhưng người rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn, kế thừa và phát triển nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Trong một lần trò chuyện với nghệ sĩ Đinh Thìn, Người tâm sự: “Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên. Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”. Người yêu mến và quí trọng các tác phẩm văn học cổ Việt Nam như Nguyễn Du với truyện Kiều, các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương… Tiếp chuyện nhà văn Đức Irênê phabe - người đã dịch truyện Kiều sang tiếng Đức trong 7 năm - Bác Hồ nói: “Nguyễn Du là nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi… Những người cộng sản chúng ta rất quí trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”.

Bác luôn quan tâm nhắc nhở các ngành, các địa phương phải cố gắng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 1957 Bác Hồ và Nhà nước ta đã cử một đoàn nghệ sĩ biểu diễn giới thiệu nghệ thuật Tuồng ở Liên Xô. Ở trong nước, khi tiếp khách quốc tế, bao giờ Bác cũng cho mời đoàn tuồng hoặc chèo đến biểu diễn để phục vụ khách quý đồng thời giới thiệu các bộ môn nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Sau các buổi diễn, Bác thường chân tình góp ý chỗ hay, chỗ dở, động viên tinh thần yêu nghề của các nghệ sĩ. Trong các dịp lễ, tết, Bác thường đến thăm các khu văn công ở Hà Nội, tặng kẹo cho các nghệ sĩ, thăm hỏi tình hình sức khỏe, công tác và động viên anh chị em nghệ sĩ nỗ lực sáng tạo nhiều hơn, tốt hơn. Các nghệ sĩ của Đoàn tuồng Liên khu V khi về lại quê hương Bình Định đều tự hào là đã được gặp Bác, được biểu diễn cho Bác xem và họ luôn tâm niệm về những lời dặn dò của Bác với họ, như là kim chỉ nam cho cuộc đời phục vụ đất nước, phục vụ nghệ thuật và công chúng.

Sau năm 1954, trong một lần xem biểu diễn nghệ thuật Tuồng tại thủ đô Hà Nội, Bác phát biểu: “Tuồng tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến, không nên dậm chân tại chỗ, tuy nhiên cũng đừng gieo vừng ra ngô”. Lời dạy của Bác ngắn gọn mà sâu sắc xiết bao. Cũng cần phải hiểu rằng lời Bác dạy không riêng cho tuồng mà còn cho cả chèo và các loại hình sân khấu truyền thống nói chung. Những nghệ sĩ, giới nghệ thuật sân khấu hiểu lời Bác: nghệ thuật Tuồng- Chèo có cái hay và độc đáo riêng của nó, có bề dày lịch sử và ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, nhưng nó là sản phẩm văn hóa của một thời, một giai đoạn lịch sử. Cho nên trong việc bảo tồn, kế thừa và phát triển, cần phải giữ lại cái hay, loại bỏ cái chưa phù hợp, phải cải tiến để nội dung và hình thức của nó phù hợp hơn, phục vụ được yêu cầu của khán giả đương đại. Đồng thời công tác kế thừa và phát triển cần phải có kế hoạch, có quá trình nghiên cứu, hoạch định, bên cạnh thực tiễn nghệ thuật còn phải biết bám sát đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, và cần phải có thời gian để từng bước thể nghiệm, không nên nóng vội, nếu không tuân thủ những quy luật chung của sự phát triển văn hóa và tính đặc thù riêng của văn hóa nghệ thuật thì sẽ làm cho nghệ thuật tuồng biến tướng và trở thành “dị dạng” như kiểu gieo vừng ra ngô. Thấm sâu lời Bác, từ năm 1954 đến nay, giới nghệ thuật tuồng - chèo đã có nhiều cố gắng trong việc cải tiến bộ môn nghệ thuật của mình. Thành công nhất là việc xây dựng các vở diễn đề tài lịch sử với sự cải tiến về hình thức biểu hiện, trang trí, âm nhạc, vũ đạo… vừa giữ được cái bản sắc của bộ môn, mang lại giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật cho từng vở diễn.

. Thúy Vi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghệ sĩ Văn Tân: Tôi muốn mang hình ảnh của Bác Hồ kính yêu đến với mọi người  (16/05/2003)
Cuộc đấu trí giữa HLV Dương Ngọc Hùng và “Thầy phù thủy” Calisto  (16/05/2003)
Làm cổ động viên cho đội Bình Định ở vùng xa  (15/05/2003)
Hội ngộ tháng Năm  (15/05/2003)
Đòn vu hồi tuyệt diệu của ông Dương Ngọc Hùng  (13/05/2003)
Ngựa ô có thoát hiểm?  (12/05/2003)
Bình Định dậm chân tại chỗ  (11/05/2003)
Kon Tơlok - Điểm sáng làng văn hóa  (09/05/2003)
SEA Games 22 – Còn 215 ngày nữa  (08/05/2003)
Danh họa Gauguin - người mở đường cho hội họa hiện đại  (08/05/2003)
Không thể hiểu văn hóa Bình Định mà không nghiên cứu văn hóa Chăm  (07/05/2003)
4 đội - 2 thái cực!  (06/05/2003)
Chánh Khoan Đông chuyển mình từ xây dựng làng văn hóa  (06/05/2003)
Trận thắng quý giá của Bình Định  (05/05/2003)
Bình Định lại sẽ có điểm trên sân nhà?  (02/05/2003)