|
Nữ vô địch Vũ Thị Sen, người đứng giữa Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng | Trong làng bơi lội Việt Nam những năm thập kỷ 60 - 70, số VĐV nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, trong số những nữ VĐV bơi lội ít ỏi đó lại xuất hiện 2 VĐV xuất sắc là hai chị em ruột. Đó là hai kình ngư Vũ Thị Sen và Vũ Thị Men. Riêng Vũ Thị Sen, không chỉ là cựu vô địch bơi lội từng lập kỷ lục châu Á (KLCÁ) năm 1966 tại GANEFO - một giải đấu tiền SEA Games, chị còn là người từng hai lần được gặp Hồ Chủ tịch và được Người tặng huy hiệu. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cựu vô địch Vũ Thị Sen xung quanh “sự kiện” lập KLCÁ và những kỷ niệm thiêng liêng đối với Bác Hồ.
- Chị được gặp Hồ Chủ tịch trong những hoàn cảnh như thế nào?
+ Tôi vinh dự được gặp Bác Hồ 2 lần vào năm 1965 và 1966. Khoảng tháng 11-1965, đoàn VĐV bơi lội, bóng bàn Trung Quốc sang thăm và thi đấu hữu nghị tại Việt Nam. Cùng với đoàn bạn, tôi và một số VĐV tiêu biểu của Việt Nam được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Năm 1966, tôi lại được gặp Bác khi đạt thành tích tại Đại hội thể thao châu Á - GANEFO. Lần gặp này đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu đậm.
- Tại Đại hội GANEFO - 1966, bơi lội Việt Nam thi đấu ra sao?
+ Đại hội thể thao châu Á - GANEFO 66 được tổ chức tại Phnong Pênh (Cam Pu Chia). Kết quả, đoàn Việt Nam đoạt được 4 HCV. Riêng bộ môn bơi lội Việt Nam có 5 VĐV tham dự thì cả 5 đều đoạt huy chương, gồm: 1 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ. Hồi đó tôi dự thi 2 cự ly 100 và 200 m ếch. Kết quả tôi đã đoạt được 1 HCV và 1 HCB. Điều đáng nói thành tích 200 m ếch của tôi bấy giờ không chỉ đoạt HCV mà còn lập KLCÁ mới.
- Cuộc gặp gỡ Hồ Chủ tịch năm 1966 diễn ra như thế nào, thưa chị?
|
Cựu vô địch Vũ Thị Sen ngày nay |
+ Khoảng trung tuần tháng 12-1966 khi chúng tôi đang ở nơi sơ tán Hà Tây thì được 1 chiếc xe com-măng-ca đến đón lên Hà Nội dự tổng kết thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam tại GANEFO-66. Lên xe chúng tôi được biết là sẽ được gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trên đường về Hà Nội, chúng tôi phải 2 lần xuống hầm trú ẩn vì máy bay Mỹ bắn phá. Mãi đến chiều xe chở đoàn mới về đến trụ sở Ủy ban TDTT (36 Trần Phú - Hà Nội). Khoảng 16 giờ chiều, chúng tôi được đưa đến Phủ Chủ tịch. Đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp đoàn. Thật tình ban đầu chúng tôi cũng chỉ nghĩ được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đã là vinh hạnh lắm rồi. Thế nhưng, khi chúng tôi đang nghe Thủ tướng nói chuyện thì bỗng có tiếng reo: “Ôi, Bác! Bác Hồ!”. Tất cả đều sững sờ vì bất ngờ và bật khóc. Thấy vậy, Bác bảo: “Gặp Bác sao không vui mà lại khóc?”. Nhìn qua một lượt, Bác hỏi: “Thế, cháu nào cũng có huy chương à?”. Quay sang tôi và xạ thủ Trần Oanh, Bác hỏi tiếp: “Còn hai cháu này được những 2 huy chương kia à?”. Đoạn, Bác hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Chú tiếp các cháu chỉ có nước chè và hoa thôi sao? Không có bánh kẹo à?”. Rồi Bác nhỏ nhẹ: “Các cháu thông cảm, đất nước ta còn nghèo”.
- Kỷ niệm sâu đậm nhất của chị trong lần được gặp Hồ Chủ tịch?
+ Tôi may mắn được ngồi ngay cạnh Bác và được thay mặt anh chị em VĐV phát biểu báo cáo với Bác. Khi Bác hỏi: “Có cháu nào ý kiến gì không?”, tôi đứng lên thưa với Bác: “Cháu là Vũ Thị Sen. Quê cháu ở Nghĩa Phú - Nghĩa Hưng - Nam Định. Xã cháu có tới 3/4 là đồng bào công giáo. Nhờ ơn Đảng, Bác mà cháu mới được ăn học, tập luyện TDTT. Cháu xin hứa với Bác sẽ cố gắng hơn nữa để đạt thành tích cao hơn nữa, góp phần nhỏ bé của mình vào … vào … ”. Vì xúc động, tôi ấp úng thì Bác tiếp lời: “Vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”. Mọi người vỗ tay cười vui. Đặc biệt, tôi vinh dự được Bác tặng huy hiệu và là 1 trong 4 VĐV được chụp ảnh chung với Người. Song, kỷ niệm sâu đậm nhất đối với tôi chính là những lời căn dặn của Bác. Người nói: “Thành tích của các cháu hôm nay là rất đáng mừng, song thắng không kiêu, bại không nản, các cháu phải cố gắng hơn nữa để đem thành tích về cho tổ quốc”. Gần 37 năm qua, lời căn dặn của Bác luôn nhắc nhở, động viên tôi trong cuộc sống cũng như trong thi đấu, huấn luyện. Suốt đời tôi sẽ luôn nhớ lời căn dặn của Người.
- Cuối cùng, chị có thể giới thiệu đôi nét về mình?
+ Quê tôi ở Bình Hải - Nghĩa Phú - Nghĩa Hưng - Nam Định. Gia đình tôi có 6 anh chị em. Tôi là áp út, Vũ Thị Men là em út. Tôi bắt đầu tập bơi từ năm 1960. Các ông Tô Kim Đắc và Nguyễn Văn Lạng là 2 HLV đầu tiên của tôi. Tập bơi được khoảng 1 năm, năm 1961, tôi đã đoạt giải nhất bảng B giải bơi lội cấp huyện, giải nhất bảng B cấp tỉnh. Liên tiếp các năm 1962, 1963, 1964 tôi đều đoạt vô địch giải bơi lội toàn miền Bắc (bảng B) và năm 1965 tôi đoạt chức vô địch bơi lội toàn miền Bắc (bảng A). Sau đó, tôi được tập trung vào đội tuyển và được cử tham dự Đại hội thể thao châu Á - GANEFO-66. Tại Đại hội, tôi đã đoạt 1 HCV, 1HCB, phá KLCÁ và được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Sau này, tôi theo học đại học TDTT, rồi về công tác ở Ủy ban TDTT Quốc gia cho đến nay. Hiện gia đình tôi sống ở Hà Nội. Chúng tôi được 2 cháu (1 trai, 1 gái). Cháu đầu công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam, cháu thứ 2 tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.
- Xin cảm ơn chị!
. Viết Hiền (thực hiện)
|