"Mẹ ơi đừng đánh con đau"
16:26', 30/5/ 2003 (GMT+7)

Nghệ thuật hát bội là một viên ngọc quí trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; được nhiều thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau mài dũa, đánh bóng từ đời này sang đời khác, và viên ngọc quí ấy ngày càng trở nên lóng lánh.

Ngày xưa, hát bội phổ biến từ dân gian đến cung đình. Nếu chế độ phong kiến xem hát bội vừa là một thú giải trí quí phái, thượng lưu, vừa là một thứ vũ khí để giáo dục tinh thần trung quân nhằm củng cố ngai vàng vua chúa; thì với quần chúng nhân dân, hát bội là thú vui tao nhã, là món ăn tinh thần đầy hứng thú; nó đề cao tính nhân văn và góp phần giáo dục đạo lý làm người.

Hát bội có các trình thức, qui ước biểu diễn riêng biệt, độc đáo, với các đặc trưng: Ước lệ, cách điệu và tượng trưng; vừa mang tính bác học, lại vừa đậm đà màu sắc dân gian. Nội dung của nó mang tính bi hùng, bạo liệt; chứa đựng tính triết học và thẩm mỹ dân tộc. Đó là cái khẳng khái; cái anh hùng, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; là cái dũng cảm, điều nhân nghĩa được khắc họa đậm nét. Nghệ thuật biểu diễn của bộ môn hát bội có sức cuốn hút mạnh mẽ, biểu hiện được nhiều trạng thái tâm hồn và mọi tình cảm phức tạp, đa dạng của con người… Chính vì vậy, nghệ thuật hát bội đã trở thành “cổ điển”, được xếp vào 5 loại hình sân khấu độc đáo nhất thế giới (cùng với “kinh kịch” của Trung Quốc: “Nô” của Nhật…)

Bình Định được xem là đất hát bội, là một trong những chiếc nôi của hát bội Việt Nam; có truyền thống từ lâu đời, có nhiều nghệ sĩ tài năng, có đông đảo quần chúng yêu thích, ủng hộ; có hậu tổ Đào tấn được nhà nước tôn vinh Danh nhân văn hóa quốc gia; được bảo vệ, kế thừa và phát triển cho đến hiện nay. Ở Bình Định vẫn còn lưu truyền nhiều câu ca dao, câu hát nói về lòng hâm mộ, yêu chuộng nghệ thuật hát bội của quần chúng nhân dân.

Chế độ phong kiến rất coi thường người nghệ sĩ, xem họ là “xướng ca vô loài” nên mới có câu hát:

Trồng trầu thả lộn dây tiêu

Con theo hát bội mẹ liều con hư!

Và còn nâng lên đến mức:

Hát bội hành tội người ta

Tan cửa nát nhà cũng vì hát bội.

Nhưng mặc kệ tất cả, bỏ ngoài tai tất cả những điều chê bai, dè bỉu; người Việt Nam nói chung, đặc biệt là người Bình Định, vẫn mê say, vẫn đắm đuối với sân khấu hát bội:

Nghe rao trống chiến

Không khiến cũng đi

Nghe giục trống chầu

Đâm đầu mà chạy

Sức thu hút của sân khấu hát bội thật mãnh liệt:

Nghe tiếng trồng chầu

Cái đầu láng mướt

Nghe tiếng trống chiến

Nó điếng trong ruột

Và qua hình ảnh một cô gái yêu thương người mẹ, đã xuất hiện câu hát đầy tình cảm tha thiết:

Mẹ ơi đừng đánh con đau

Để con hát bội làm đàu (đào) mẹ coi.

Kể cả người nghĩa sĩ nông dân - chàng Lía ở Truông Mây (Hoài Ân) cũng rất mê hát bội. Trong “Vè Chàng Lía” kể rằng:

… Lía ta đẹp dạ chi tày

Truyền cho làm tiệc vui vầy với nhau

Tính ưa hát bội xiết bao

Giao cho bộ hạ lo cho việc này

Lâu la mừng rỡ vâng ngay

Xuống làng rước gánh một ngày tới nơi...

Tương truyền, vua Quang Trung cũng rất mê hát bội. Về vấn đề này, một nhà nghiên cứu sân khấu ở Đà Nẵng đã viết rất hay: Bình Định, một trong những cái nôi hát bội, quê hương của Đào tấn - nhà thơ, nghệ sĩ hát bội xuất sắc - có nhiều truyền thuyết về cái say mê của vua Quang Trung đối với loại hình sân khấu này. Sẽ thú vị biết bao khi chúng ta biết được vị anh hùng dân tộc này đã diễn vai hề trong vở tuồng nào. Một ông vua đã đưa chữ Nôm vào văn chương, đã gửi tặng triều đình Mãn Thanh “mười bản nhạc liên hoàn” nhằm giới thiệu âm nhạc Việt Nam ta, thì câu chuyện ông yêu quý hát bội và diễn vai hề là điều không lạ!

Nghệ thuật hát bội rất phổ biến trong nhân dân, nên các nhân vật trong những vở tuồng đã đi vào đồng dao, nghe rất ngộ nghĩnh:

Đổng Kim Lân cứu chúa

Khương Linh tá đưa đèn

Tạ Ôn Đình nóng ruột sôi gan

Đánh Lôi Nhược bể tan ống điếu.

Tài năng của người nghệ sĩ hát bội đã đi vào lòng quần chúng, được quần chúng hâm mộ và “tuyên truyền miệng” rất rộng rãi:

Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình

Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi.

Bầu Đông là cụ Chánh ca Đông ở Phước Hòa - Tuy Phước, là thân sinh của cố NSƯT Dương Long Căn - rất nổi tiếng ở miền Trung vào nửa đầu thế kỷ 20. Còn NSƯT Hoàng Chinh (Nhơn Hòa - An Nhơn) đóng cặp với nghệ sĩ Lệ Siềng (Nhơn Mỹ - An Nhơn) cũng rất được khán giả ái mộ, nên mới có câu:

Đi xem thì ngại mất tiền

Không đi thì tiếc Lệ Siềng - Hoàng Chinh.

Như vậy đó, với người Bình Định, sân khấu hát bội luôn trường tồn như cây đời mãi mãi xanh tươi.

. Thúy Vi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngựa ô lại tung vó!  (30/05/2003)
Ngôi thứ đã phân định!  (27/05/2003)
Mừng đón đội Bình Định thắng trận trở về  (26/05/2003)
Sức mạnh Bình Định đã được chứng tỏ  (25/05/2003)
Lại khó cho Bình Định!  (23/05/2003)
Tài năng lấp lánh ánh vàng  (22/05/2003)
Những tấn bi - hài kịch!  (22/05/2003)
Cựu vô địch bơi lội Vũ Thị Sen: “Suốt đời tôi luôn nhớ lời căn dặn của Bác Hồ”  (19/05/2003)
BĐ-GĐT.LA 0-0: Trận thư hùng đẹp mắt!  (18/05/2003)
Bác Hồ với vấn đề phát huy văn hóa dân tộc  (18/05/2003)
Nghệ sĩ Văn Tân: Tôi muốn mang hình ảnh của Bác Hồ kính yêu đến với mọi người  (16/05/2003)
Cuộc đấu trí giữa HLV Dương Ngọc Hùng và “Thầy phù thủy” Calisto  (16/05/2003)
Làm cổ động viên cho đội Bình Định ở vùng xa  (15/05/2003)
Hội ngộ tháng Năm  (15/05/2003)
Đòn vu hồi tuyệt diệu của ông Dương Ngọc Hùng  (13/05/2003)