Phim hoạt hình Việt Nam – Làm sao để ăn khách?
15:1', 17/7/ 2003 (GMT+7)

Trước hết phải nói rằng, "khách" của phim hoạt hình là trẻ em (dĩ nhiên là không loại trừ một số ít người lớn bởi có những người lớn cũng rất mê hoạt hình). Trên thế giới đã có những bộ phim hoạt hình nhiều tập như "Hãy đợi đấy!" của Nga, "Tom và Jerry", "Chip và Dael" của Mỹ… đã cuốn hút trẻ em khắp toàn cầu hết năm này sang tháng khác, hết thế hệ này sang thế hệ khác.

Một trong số những đặc điểm làm cho phim hoạt hình chiếm được sự ưu thích của trẻ em là vì sự ngộ nghĩnh của nhân vật, tính linh hoạt và nhiều bất ngờ của cốt truyện, đồng thời là màu sắc rực rỡ và hấp dẫn. Đã có không ít em bé chưa đầy một tuổi nhưng đã thích xem hoạt hình; có những cô bé, chú bé mới lẫm chẫm biết đi đã xem phim hoạt hình chăm chú đến mức không chớp mắt. Đó chính là điều thành công của những bộ phim hoạt hình nổi tiếng trên thế giới. Và chỉ sau tất cả những đặc điểm cần thiết ấy, phim hoạt hình mới được phép nói đến chuyện giáo dục cho trẻ em, một yêu cầu mà các nhà làm phim hoạt hình và các nhà quản lý văn hóa – điện ảnh Việt Nam thường nêu lên đầu tiên. Người viết bài này đã xem không dưới hàng trăm tập của bộ phim hoạt hình không biết là bao nhiêu tập "Tom và Jerry". Và đã thấy ở tập nào, các tác giả cũng nhằm ẩn chứa các yếu tố giáo dục nhân cách và lối sống cho trẻ em. Một ông thầy dạy cho chú chuột Jerry rất nhiều bài học để trị lại mèo Tom. Jerry đã thực hành tất cả vào cuộc đấu trí đấu sức với Tom, nhưng thù hận vẫn nguyên thù hận, cuối cùng thì Jerry đã rút ra được bài học hữu ích nhất là hãy tìm cách chung sống hòa bình với Tom. Thế giới không thể không có mèo nhưng thế giới cũng không thể không có chuột. Vậy tại sao mèo và chuột lại không tìm cách cùng tồn tại hòa bình với nhau! Đấy chẳng phải là tính giáo dục sao?

Bây giờ hãy nhìn lại những bộ phim hoạt hình Việt Nam thảng hoặc vẫn được phát trên sóng truyền hình Việt Nam. Nói thảng hoặc là vì một năm, Hãng phim hoạt hình Việt Nam chỉ sản xuất từ 7 đến 10 phim, một lượng phim chỉ đủ để phát sóng một cách dè sẻn trên sóng truyền hình trong vòng một tuần (!). Trong thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay, hệ thống truyền hình đồng thời có rất nhiều kênh, (truyền hình Việt Nam có 4 kênh, truyền hình địa phương có nơi có đến 2 kênh), nhiều thành phố trong nước lại đang đua nhau phát triển các mạng truyền hình cáp có đến 18 - 20 kênh, trong đó có những kênh chuyên phát phim hoạt hình 24/24 giờ trong ngày (như kênh Cartoon Network của hãng truyền hình UBC), thì người xem nói chung và trẻ em nói riêng tha hồ mà có sự lựa chọn. Đành rằng là do sự hạn chế về phương tiện sản xuất và khả năng tài chính mà phim hoạt hình của ta làm ra quá ít, điều đó rất đáng được thông cảm. Nhưng không vì thế mà biện minh được cho cái sự dở của phim hoạt hình Việt Nam. Màu sắc của phim hoạt hình Việt Nam thường thiên về gam tối (trong lúc trẻ em lại ưu thích màu sắc phải rực rỡ), hình ảnh nhân vật lại quá đơn điệu, cốt truyện đơn giản, ít tính linh hoạt và thiếu hẳn yếu tố bất ngờ, lời thoại thì cứng nhắc theo kiểu nói của người lớn; và tệ hại nhất là ý đồ giáo dục quá lộ, làm cho trẻ em xem phim hoạt hình mà cứ thấy như đang học bài đạo đức ở trên lớp. Đó là chưa nói nghệ thuật diễn xuất, lồng tiếng trong các phim hoạt hình của ta thiếu hẳn đi sự hồn nhiên, ngộ nghĩnh và trong sáng của trẻ em, mà nghe như đang đóng kịch trên sân khấu.

Vậy thì bảo làm sao mà trẻ em của ta lại không quay lưng với phim hoạt hình của ta được!

Phải nói rằng, về mặt lý thuyết (và cả lý luận) thì các nhà làm phim hoạt hình của ta đã quá thuộc bài. Vấn đề còn lại là họ cần phải có cái nhìn thực tế hơn vào đối tượng trẻ em, những "thượng đế" mà họ nhằm đến để phục vụ. Phải biết trẻ em thích gì, thích như thế nào để mà làm phim chứ không phải là làm phim theo ý nghĩ chủ quan của người lớn.

Gần đây, có một số phim hoạt hình Việt Nam đoạt giải thưởng điện ảnh, nhưng đó cũng chưa phải là những bộ phim được trẻ em chấp nhận. Nên chăng trong các liên hoan phim điện ảnh và truyền hình, trong các giải thưởng điện ảnh, các nhà tổ chức hãy thành lập một ban giám khảo toàn là trẻ em để chấm cho các phim hoạt hình. Có như vậy thì giải thưởng mới chính xác chăng?

. Hà Tùng Sơn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chữ viết cho các dân tộc thiểu số ở Bình Định   (17/07/2003)
2 tác phẩm điêu khắc Chămpa của Bình Định tham dự triển lãm tại Bỉ và Áo là một vinh dự lớn  (15/07/2003)
"Hoan hô thằng ăn trộm"  (11/07/2003)
Khởi động giai đoạn nước rút   (11/07/2003)
Để sân khấu truyền thống không xa lạ với giới trẻ  (10/07/2003)
Nhìn lại bóng đá Bình Định mùa giải năm 2003  (09/07/2003)
Khai quật mộ chum 2000 tuổi  (08/07/2003)
Làng văn hóa Hà Ri  (06/07/2003)
Trong tương lai không xa, cờ tướng Bình Định sẽ phát triển mạnh  (04/07/2003)
Người hâm mộ nói gì khi đội bóng đá Bình Định đăng quang?  (02/07/2003)
Bên lề sân cỏ  (02/07/2003)
Luciano – Người đứng sau vinh quang của đội bóng  (02/07/2003)
Bóng đá và một trang nhật ký viết chung  (02/07/2003)
Trong niềm vui ngất trời  (02/07/2003)
Hai hay và một chưa hay  (02/07/2003)