Tiến sỹ Đinh Bá Hòa, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định:
Những phát hiện tại Động Cườm có giá trị không nhỏ về mặt lịch sử
16:2', 18/7/ 2003 (GMT+7)

      Ông Đinh Bá Hòa

Như tin đã đưa, vừa qua, Bảo tàng Tổng hợp (BTTH) Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam (KCHVN) và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSVN) đã tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Động Cườm (thuộc xã Tam Quan Nam - Hoài Nhơn). Ngày 16-7, Đoàn khai quật đã tiến hành bàn giao toàn bộ hiện vật phát hiện được cho BTTH Bình Định. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Đinh Bá Hòa, Phó giám đốc BTTH Bình Định, xung quanh quá trình cũng như kết quả khai quật khảo cổ di tích Động Cườm.

- Văn hóa Sa Huỳnh và Di tích Động Cườm nói riêng được phát hiện như thế nào, thưa ông?

+ Văn hóa Sa Huỳnh từng được các nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện cách đây khoảng 90 năm tại Quảng Ngãi. Riêng đối với Bình Định, tính đến nay văn hóa Sa Huỳnh đã được biết đến khoảng 69 năm (1934). Khi đó một nhà nghiên cứu người Pháp tên là Madelen Colani, một học giả của trường Viễn Đông Bác Cổ, đã tiến hành khai quật di tích Động Cườm, thuộc địa phận thôn Tăng Long, xã Tam Quan (nay là Tam Quan Nam), huyện Hoài Nhơn. Động Cườm là một động cát lớn, rộng khoảng 5.000 - 6.000 m2. Sở dĩ có tên Động Cườm là do xưa kia dân địa phương mỗi khi đi đào còng hay kỳ nhông thường phát hiện được những hạt cườm. Từ cách gọi của dân gian, nhà nghiên cứu Colani đã đặt tên cho di tích trên là Động Cườm. Theo nhật ký của bà Colani ghi lại thì từ tháng 6 đến tháng 8-1934 bà có tiến hành khai quật tại Bình Định. Chỉ tiếc rằng, cho đến cuối đời thì bà Colani vẫn không có một thông báo nào về kết quả khai quật... Kể từ đó hầu như Động Cườm không được chú ý.

- Còn những năm gần đây?

+ Bắt đầu từ tháng 10-2001, chúng tôi đặt vấn đề tiến hành tiếp tục công tác nghiên cứu về di tích Động Cườm. Theo tư liệu của bà Colani thì ở Công Lương có một số hiện vật, nhưng khi chúng tôi khảo sát và đào thám sát thì không thấy gì. Tại động Bàu Năng thì còn một số hiện vật. Tuy nhiên, tại đây công việc khai quật gặp trở ngại vì hiện nay dân ở khá đông. Riêng ở Động Cườm, qua khảo sát và đào thám sát, chúng tôi phát hiện được 4 mộ chum và một số hiện vật về văn hóa Sa Huỳnh. Chúng tôi đã báo cáo kết quả trên tại Hội nghị Khảo cổ học. Qua đó, Viện KCHVN tiếp tục khảo sát di tích Động Cườm. Kết quả, các nhà nghiên cứu của Viện phát hiện thêm 8 mộ. Qua những "tín hiệu" khả quan nói trên, năm nay, phối hợp với một số nhà nghiên cứu của Viện KCHVN và BTLSVN, BTTH Bình Định tiếp tục tiến hành công tác khai quật khảo cổ và nghiên cứu về di tích Động Cườm.

- Việc khai quật Di tích Động Cườm năm 2003 được tiến hành ra sao?

Hiện vật tại Động Cườm

+ Công việc chính thức bắt đầu từ ngày 12-6-2003. Theo kế hoạch, chúng tôi tiến hành đào khai quật 6 hố. Trong đó có những hố rộng tới 80 m2. Chương trình mà chúng tôi đề ra lần này là vừa khai quật đồng thời cũng vừa nghiên cứu và xác định luôn phạm vi phân bố của di tích ở mức độ nào? Vì thế, chúng tôi cho đào nhiều hướng, gồm: đông - tây - nam - bắc. Qua đó, chúng tôi sẽ lên sơ đồ tổng thể để có cơ sở báo cáo với tỉnh. Mặt khác chúng tôi cũng xin ý kiến của tỉnh là nên giữ hay nên phá? Qua đào thám sát, cuối cùng chúng tôi dừng lại làm kỹ ở 2 hố. Cả 2 hố đều nằm về phía đông của Động Cườm. Trong 2 hố này thì một hố có rất nhiều mộ chum. Cũng như nhiều nơi, mộ táng ở Động Cườm chủ yếu là mộ chum. Chiều cao mỗi mộ, cái lớn khoảng 1m, có nắp đậy và đường kính khoảng 60cm và nhỏ thì khoảng 40cm. Đáng lưu ý, trong những mộ nói trên chúng tôi phát hiện khá nhiều đồ tùy táng là những hiện vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh.

- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả của đợt khai quật?

+ Kết quả cụ thể của đợt khai quật khảo cổ như thế nào thì Đoàn khai quật sẽ trình bày và báo cáo cụ thể. Tuy vậy, theo đánh giá ban đầu, có thể nói đợt khai quật khảo cổ di tích Động Cườm năm nay đã thu được những kết quả đáng mừng. Tổng cộng chúng tôi phát hiện được khoảng 50 mộ gồm mộ chum và mộ nồi. Qua 50 mộ này, chúng tôi phát hiện được khoảng 1.806 hiện vật với khoảng 35 chủng loại khác nhau. Trong số này có nhiều hiện vật có giá trị như: rìu, dao, kiếm, ba chỉa… (bằng sắt), khuyên tai, xoi sợi, hạt mã não… (bằng đá), chum táng (bằng gốm), hạt cườm các loại, các kích cỡ, màu khác nhau… (bằng thủy tinh)… Những hiện vật có số lượng nhiều là: chum táng (44 cái), hạt mã não (29),  cườm xanh đục (56), hạt cườm xanh (131), hạt cườm đỏ (355), hạt cườm xanh nhạt (108), hạt cườm tím (775)…

- Ý nghĩa và giá trị của những hiện vật phát hiện ở Động Cườm?

+ Toàn bộ hiện vật phát hiện tại di tích Động Cườm lần này đều thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Cụ thể, những hiện vật trên thuộc nhóm di tích Sa Huỳnh muộn, thuộc giai đoạn sơ kỳ sắt, có niên đại cách đây khoảng 2000 đến 2500 năm. Về dáng mộ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, tôi đã từng đi xem, nghiên cứu khá nhiều hiện vật ở Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… thì thấy rằng mỗi nơi đều mang một phong cách riêng, trong đó dáng mộ vừa tìm thấy ở Bình Định cũng có hình dáng khá đặc biệt. Chỉ riêng về những hạt cườm phát hiện lần này cũng đủ thấy thú vị. Chẳng hạn, có những hạt cườm chỉ nhỏ như hạt cải, khi khai quật chúng tôi phải lấy rây bột mới có thể lấy được. Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào mà những cư dân Sa Huỳnh cổ có thể xâu lỗ được? Qua đó, có thể khẳng định: những hiện vật phát hiện tại Động Cườm lần này có một ý nghĩa quan trọng và có giá trị không nhỏ về mặt lịch sử cũng như lĩnh vực khảo cổ học. Những hiện vật nói trên có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu, nhất là giai đoạn tiền sử. Những hiện vật ở Động Cườm cho phép chúng ta khẳng định: cách đây 2000 -2500 năm, vùng đất này đã có những cư dân cổ đã đến đây cư trú và đã phân bố đều từ bắc đến nam. Đồng thời, kết quả của cuộc khai quật cũng cho thấy vùng đất này có sự phát triển liên tục về mặt lịch sử, không bị đứt quãng. Cụ thể là từ khi con người đầu tiên định cư trên vùng đất này cho đến nay, trải qua những giai đoạn lịch sử thì liên tục phát triển. Kết quả của đợt khai quật khảo cổ hôm nay mở ra cho chúng ta cơ sở để hoạch định một kế hoạch trong tương lai đối với công tác tôn tạo di tích và những bước nghiên cứu tiếp theo.

- Xin cảm ơn ông!

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phim hoạt hình Việt Nam – Làm sao để ăn khách?   (17/07/2003)
Chữ viết cho các dân tộc thiểu số ở Bình Định   (17/07/2003)
2 tác phẩm điêu khắc Chămpa của Bình Định tham dự triển lãm tại Bỉ và Áo là một vinh dự lớn  (15/07/2003)
"Hoan hô thằng ăn trộm"  (11/07/2003)
Khởi động giai đoạn nước rút   (11/07/2003)
Để sân khấu truyền thống không xa lạ với giới trẻ  (10/07/2003)
Nhìn lại bóng đá Bình Định mùa giải năm 2003  (09/07/2003)
Khai quật mộ chum 2000 tuổi  (08/07/2003)
Làng văn hóa Hà Ri  (06/07/2003)
Trong tương lai không xa, cờ tướng Bình Định sẽ phát triển mạnh  (04/07/2003)
Người hâm mộ nói gì khi đội bóng đá Bình Định đăng quang?  (02/07/2003)
Bên lề sân cỏ  (02/07/2003)
Luciano – Người đứng sau vinh quang của đội bóng  (02/07/2003)
Bóng đá và một trang nhật ký viết chung  (02/07/2003)
Trong niềm vui ngất trời  (02/07/2003)