Ngổn ngang sách cho thiếu nhi
16:4', 21/7/ 2003 (GMT+7)

Trẻ em đang rất cần những quyển sách hay, phù hợp với lứa tuổi (ảnh: B.P)

Tôi nhớ có một nhà văn tên tuổi đã từng thốt lên, đại ý: Đi qua một khu rừng im lặng đã thấy sợ, nhưng sự im lặng của khu vườn văn học thiếu nhi lại càng đáng sợ hơn gấp bội. Cái im lặng mà tác giả nói đến không phải vì số lượng tác phẩm ít mà vấn đề chính từ cách nghĩ của những người cầm bút viết về đề tài thiếu nhi.

* Nhộn nhịp chuyện sách thiếu nhi

Ngay từ những ngày đầu tháng 4, thị trường sách dành cho thiếu nhi đã nhộn nhịp hẳn lên với hàng loạt đầu sách, tên sách phong phú và nhiều chủng loại. Trong đó, không thể không kể đến sự đóng góp với một số lượng lớn của mảng sách, truyện và thơ thiếu nhi các loại. Đây cũng là kết luận được đưa ra trong cuộc hội nghị giao ban xuất bản của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng vừa qua. Theo con số của NXB này, chỉ tính riêng trong quý I năm 2003 đã có tới hơn 904 tựa sách ra lò, tăng 131% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự đoán, con số sẽ còn tăng cao hơn nữa trong mùa hè năm nay.

Mùa hè này, thị trường sách tại TP Quy Nhơn cũng sôi động hơn ngày thường. Theo khảo sát sơ bộ, trên địa bàn Quy Nhơn hiện có đến hàng chục nhà sách, từ những hiệu sách nhỏ với vài kệ sách đơn giản đến những nhà sách có quy mô tổ chức và hoạt động hẳn hoi. Và trong số đó đã có khá nhiều địa chỉ là chỗ "quen thuộc" với phụ huynh cũng như các em thiếu nhi.

Chỉ cần dạo quanh một vòng thành phố, ghé vào các nhà sách Nhân Dân, nhà sách Thanh Niên, hiệu sách báo 199 Lê Hồng Phong... chúng ta có thể cảm nhận được sức mạnh từ miền sâu thẳm của văn học dội về đời sống thực tại của các em. Gian hàng truyện thiếu nhi của hiệu sách báo 199 Lê Hồng Phong hầu như ngày nào cũng đông khách hàng là các cô cậu nhỏ đủ mọi lứa tuổi. Chị Lan, người bán hàng ở hiệu sách, cho biết: "Những ngày hè, các cháu đến đây mua sách rất nhiều. Có cháu được bố mẹ thưởng, tự cầm tiền đi mua, nhưng cũng có cháu được cha mẹ dẫn đi, chọn lựa kỹ từng loại sách. Thường thì, tập trung nhiều nhất là vào những ngày có đợt sách về". Tuy nhiên, kiểu đọc sách này chỉ dành cho những em ở trong các gia đình đầy đủ điều kiện và thuận lợi.

Không chỉ có các hiệu sách kinh doanh mặt hàng tinh thần này vào cuộc mà các hiệu sách cũ cũng tung ra thị trường hàng ngàn đầu sách cũ, mới đủ loại dưới chiêu bài cho thuê truyện. Bước vào các hiệu sách cũ nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Trường Tộ, Ngô Mây, Nguyễn Thái Học… mới càng thấm thía hơn nhu cầu giải trí của các em. Không chen lấn, không giành giật nhưng không khí các gian hàng cho thuê truyện cũng sôi động và tấp nập bóng các em thiếu nhi, trong đó, đáng nể nhất là địa chỉ nhà số 20 nằm trên đường Nguyễn Công Trứ - Quy Nhơn. Những con đường này là khu "oanh tạc" của các em nhỏ vừa muốn thỏa mãn niềm say mê truy tìm những quyển truyện yêu thích vừa không phải móc hầu bao ra nhiều. Dù là đọc sau cũng không sao. Hoặc vả, muốn đọc hàng chục quyển truyện trong một ngày mà không mất quá nhiều tiền thì cũng có thể vào phòng đọc sách thiếu nhi Thư viện khoa học tổng hợp Bình Định.

* Nhiều nhưng chưa "đủ"

Khi nói đến tiêu chí chất lượng nội dung của sách dành cho thiếu nhi, các nhà văn khẳng định: có từ 60-70% tựa sách trên kệ đều rất bổ ích. Thế nhưng, trong những năm gần đây, sách văn học bổ ích, sách kiến thức lý thú đang có chiều hướng ngày càng… ế. Các em không còn có niềm đam mê với những "Dế mèn phiêu lưu ký" (Tô Hoài), "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" (Nguyễn Huy Tưởng), "Góc sân và khoảng trời" (Trần Đăng Khoa), Đất rừng Phương Nam (Đoàn Giỏi)... Ngược lại, các loại truyện tranh giải trí, mang tính thương mại lại đang ồ ạt "lên ngôi", ồ ạt chảy vào những bộ óc non trẻ vốn cần được tiếp thu để uốn nắn.

Vì chưa lý giải tận gốc vấn đề nhiều người cho rằng, sở dĩ có thực trạng ấy là do các NXB quá chạy theo thị hiếu nên xuất bản nhiều sách bạo lực làm ăn mòn nhân cách và đạo đức của trẻ em. Tuy nhiên, có thể nói, sách hay cho các em thiếu nhi là không thiếu. Nhưng nếu thử cho 10 em đọc sách thì đã có đến 8 em chộp ngay lấy những quyển truyện tranh đủ màu sắc và hình vẽ ấy. Do đó, dù sách thì nhiều nhưng vẫn chưa thể gọi là "đủ".

Hằng năm, NXB Kim Đồng cũng như một số cơ quan có trách nhiệm đều tổ chức các cuộc "vận động sáng tác cho thiếu nhi", qua đó đã sàng lọc và cho ra đời hàng chục tác phẩm, trình làng nhiều cây bút sáng giá nhưng xem ra, những tác phẩm và tác giả ấy cũng chỉ sống được vài tháng, thậm chí vẫn mãi nằm trên các kệ sách.

Nếu chịu khó đi vào tìm hiểu nhu cầu của thiếu nhi thì sẽ thấy, có đến 80% trẻ thích thú và có thể đọc ngấu nghiến truyện tranh mà không thích truyện văn học. Không thể phủ nhận rằng, truyện tranh được minh họa bằng nhiều hình ảnh và dễ hấp thụ hơn. Trong thời đại song song cùng tồn tại nhiều kênh thông tin như ngày nay, nó không chỉ "hút hồn" các em mà còn làm siêu lòng cả người lớn.

Trong khi đó, sách văn học gần như là lối áp đặt cách nhìn, cách hiểu của người viết với tâm hồn trẻ thơ. Trẻ cần con mắt nhìn hồn nhiên, trẻ trung của chính mình trong các trang sách, chứ không phải sự cố gắng nhân tạo của người viết khi tự "cưa sừng" mình để "làm nghé". Bởi theo ông Nguyễn Văn Chương, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định, một tác giả có nhiều sáng tác cho thiếu nhi: "Người viết cho thiếu nhi trước hết phải có lòng say mê yêu trẻ và phải có tài hóa thân vào nhân vật của mình, suy nghĩ, nhìn nhận bằng đôi mắt xanh non của trẻ mới có thể có những dòng thơ, câu văn hồn nhiên, ngộ nghĩnh, phù hợp lứa tuổi để các em tiếp nhận". Vì thế, nếu muốn viết cho thiếu nhi, trước hết phải hiểu thiếu nhi đi đã!

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bóng đá miền Trung chuẩn bị cho mùa giải mới   (20/07/2003)
Những phát hiện tại Động Cườm có giá trị không nhỏ về mặt lịch sử   (18/07/2003)
Phim hoạt hình Việt Nam – Làm sao để ăn khách?   (17/07/2003)
Chữ viết cho các dân tộc thiểu số ở Bình Định   (17/07/2003)
2 tác phẩm điêu khắc Chămpa của Bình Định tham dự triển lãm tại Bỉ và Áo là một vinh dự lớn  (15/07/2003)
"Hoan hô thằng ăn trộm"  (11/07/2003)
Khởi động giai đoạn nước rút   (11/07/2003)
Để sân khấu truyền thống không xa lạ với giới trẻ  (10/07/2003)
Nhìn lại bóng đá Bình Định mùa giải năm 2003  (09/07/2003)
Khai quật mộ chum 2000 tuổi  (08/07/2003)
Làng văn hóa Hà Ri  (06/07/2003)
Trong tương lai không xa, cờ tướng Bình Định sẽ phát triển mạnh  (04/07/2003)
Người hâm mộ nói gì khi đội bóng đá Bình Định đăng quang?  (02/07/2003)
Bên lề sân cỏ  (02/07/2003)
Luciano – Người đứng sau vinh quang của đội bóng  (02/07/2003)