Nhạc sĩ của thế hệ thứ năm
16:22', 24/7/ 2003 (GMT+7)

Nhiều sáng tác của thế hệ nhạc sĩ thứ 5 được giới trẻ yêu thích (ảnh Đ.T.Đạt)

Nếu tính mốc khai sinh tân nhạc Việt Nam là năm 1938, đến năm nay 2003, tân nhạc vừa tròn 65 tuổi. Trong 65 năm ấy, đã xuất hiện 5 thế hệ nhạc sĩ đan xen và giao thoa vào nhau. Đó là thế hệ tiền chiến, thế hệ chống Pháp, thế hệ chống Mỹ, thế hệ hậu chiến thế hệ mở cửa. Trong 5 thế hệ này, các thế hệ trước đều có thể giữ phong độ ở thế hệ sau. Chỉ riêng thế hệ cuối – thế hệ thứ năm, họ có đặc điểm là bắt đầu những sáng tác đầu tiên của mình giữa một cuộc "cạnh tranh lành mạnh ngầm" để chứng tỏ mình là thế hệ thứ năm khác thế hệ hậu chiến chứ không phải là thế hệ hậu chiến nối dài. Họ bắt đầu vào cuộc từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Đấy là thời điểm giới nhạc sĩ quyết đẩy lui nhạc hải ngoại về đúng điểm xuất phát của nó. Trong số các nhạc sĩ thế hệ này, trừ rất ít các nhạc sĩ lớn tuổi nhưng ở các thời kỳ trước, chỉ là nhạc công, đến thời kỳ này, họ mới nổi tiếng như một nhạc sĩ sáng tác như: Bảo Chấn, Bảo Phúc, Ngọc Lễ, Đức Trịnh, Tuấn Phương, Phạm Ngọc Khôi… Còn đa số họ đều đang ở lứa tuổi từ 25 đến 35. Lứa tuổi này cũng giống như lứa tuổi của các thế hệ trước (trừ thế hệ tiền chiến là thế hệ chín sớm với lứa tuổi nhạc sĩ từ 16 đến 26). Bây giờ họ vẫn mang danh hiệu nhạc sĩ trẻ vì ít tuổi hơn cha anh, nhưng thực ra họ đã trưởng thành ngang ngửa và thực sự tạo ra một thế hệ mới – thế hệ mở cửa hay thế hệ thứ năm.

Điều đầu tiên họ khác các thế hệ trước là ngôn ngữ âm nhạc. Nhờ mở cửa, họ đã được tiếp xúc thậm chí đến "bội thực" các dòng nhạc hiện đang thịnh hành trên thế giới như pop, rock, jazz, country, latinh… Bởi vậy, lẽ đương nhiên, ngôn ngữ của họ cũng bị ảnh hưởng phần "nhân loại" này. Nhưng ngay cả ở phần "dân tộc đích thực", cách sử dụng kho tàng dân ca của họ cũng thấy rõ họ đang gắng thoát khỏi cách thức "tương tự" mà tiến tới cách thức "số hóa". Nghĩa là "món ăn" ấy khi ăn, người ta vẫn cảm thấy đó là "món ăn Việt" mà người nước ngoài "ăn" ngoài việc cảm thấy cái lạ của "món ăn Việt" nhưng lại cảm thấy ăn được như món ăn của mình vậy. Đi tìm lời ru mặt trời của Y Phôn Ksor là một kiểu như vậy. Đây là một thứ rượu cần pha chế thế nào đó lại có sự phảng phất của rượu vang châu Âu. Để tiến tới "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã thấy những ngôn ngữ như thế ở những Thì thầm mùa xuân, Chiều xuân, Cánh diều tuổi thơ (Ngọc Châu); Chiều Hà Nội (Vũ Quang Trung); Lời ru của mẹ, Mong ước kỷ niệm xưa (Xuân Phương); Em về tinh khôi (Quốc Bảo)… Bên cạnh sự mới mẻ đó là những ngôn ngữ "phục cổ" nhưng lại trong những "tứ" khác lạ như Không còn mùa thu (Việt Anh); Biển cạn (Kim Tuấn); Mối tình đầu (Thế Duy)… Đương nhiên giống như các thế hệ trước, kèm theo những món ngon lành này là những món ăn ngay, ăn nhanh kiểu mì ăn liền, quá ít chất nghệ thuật, nhưng do các phương tiện thông tin đại chúng mở rộng, nó lại được nhiều người biết đến.

Điều khác nữa là đề tài. Ở thế hệ này, đề tài mang tính công dân ít hơn rất nhiều so với đề tài hướng về cá nhân. Ngay cả trong tình ca thì nằm mơ cũng không thể tìm thấy cái tựa đề Tình ca trên những công trình (Phó Đức Phương) ở thời hậu chiến. Tình của thế hệ này là những Tình thơ (Hoài An); Tình đã tan (Minh Châu); Tình vô tận, Tình hồng như mơ (Trường Huy); Tình như giấc mộng tan (Quốc Vượng); Tình sầu (Trần Huân); Tình hoàng hôn (Nhất Huy); Tình phai (Nguyễn Ngọc Tài); Tình xuân (Trần Minh Phi); Tình 2000 (Võ Thiện Thanh)… Biết bao nhiêu là những tình, những đau, những buồn, những tủi… chỉ có điều là nó chẳng có gì sâu sắc, nó chỉ là những thoáng qua kiểu "học trò". Làm sao đó mà vẫn là những cái tình đôi lứa ấy, nó phải vượt lên như Tình ca của Hoàng Việt thì thế hệ này mới thực sự trưởng thành và ngang ngửa một cách thật sự. Và dường như sự tu luyện đó là phải ở từng cá nhân. Đã có những tác giả đang gắng vượt lên trên cái sự "tự đánh vào mình mà kêu đau" kia. Có thể thấy điều đó ở Dòng sông lơ đãng (Việt Anh); Sóng (Giáng Son); Hôn môi xa (Trần Minh Phi)… Và dù cho có viết về đề tài cá nhân hay tới mức nào mà quên đề tài công dân thì đâu có hẳn là hiện đại. Biết bao tấm gương nghệ sĩ thế giới với những sáng tác thông cảm những thảm họa, những kỳ diệu của cuộc sống đã bày ra trước mắt ta. Sống để mà viết một câu gì đó cho đúng với thời đại mình thật không dễ dàng chút nào. Còn để lôi kéo các "chíp hôi" bây giờ đang hoang mang giữa những quảng cáo thương hiệu và mắc bệnh "thích nổi tiếng" thì quá dễ, chẳng thể so sánh được với các thế hệ trước, tuy không bao giờ nên giống họ.

Với thế hệ mở cửa – thế hệ thứ năm, bên cạnh những bất cập của một cơ thể đang phát triển, vẫn nhận thấy và trân trọng những giá trị đích thực đang gắng hoàn thiện mình. Chỉ cần một nữ nhạc sĩ như Kim Ngọc với những tác phẩm khí nhạc mang tên như Eo lưng tràn đầy tự tin và dân chủ đã cho thấy sự mở cửa của cả một thời đại. Và thời đại ấy sẽ làm ra những tên tuổi thực sự nặng ký chứ không phải những "thùng rỗng kêu to". Eo lưng đã trình tấu ở Festival Huế 2002. Kim Ngọc hiện đang tu nghiệp âm nhạc trên đại học ở Đức. Cũng chỉ cần một Vũ Nhật Tân sau khi ra một CD tình khúc chỉ để nhận ra mình không nên viết ca khúc mà phải dấn thân vào khí nhạc với những Ký ức, Nhịp đơn nhịp kép, Phác thảo 2000, Ngũ đối đăng đàn… đã thấy những nét chính trong chân dung thế hệ thứ năm hiện ra khác với các thế hệ trước. Vũ Nhật Tân và Kim Ngọc hiện có những tác phẩm khí nhạc do các dàn nhạc châu Âu, châu Mỹ thực hiện và trình tấu tại chính những xứ sở đó. Họ đã kế thừa các bậc thầy giao hưởng thế hệ trước như Đàm Linh, Nguyễn Văn Thương, Trần Trọng Hùng… và có lẽ đã bước đầu nhập vào đại dương âm nhạc thế giới từ cửa biển Việt Nam.

Thế hệ thứ năm với trách nhiệm là lực lượng nhạc sĩ chủ yếu của thế kỷ mới quả là nặng nề. Để trưởng thành, chẳng ai có thể tồn tại bằng sự "sao chép", bằng sự "nhợt nhạt". Phải thực tài, phải vượt lên trên mọi cám dỗ mới mong tạo nên một tầm cỡ âm nhạc đích thực.

. Nguyễn Thụy Kha

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tour de France - Hành trình 1 thế kỷ   (23/07/2003)
Làng văn hóa Thắng Công   (22/07/2003)
Ngổn ngang sách cho thiếu nhi   (21/07/2003)
Bóng đá miền Trung chuẩn bị cho mùa giải mới   (20/07/2003)
Những phát hiện tại Động Cườm có giá trị không nhỏ về mặt lịch sử   (18/07/2003)
Phim hoạt hình Việt Nam – Làm sao để ăn khách?   (17/07/2003)
Chữ viết cho các dân tộc thiểu số ở Bình Định   (17/07/2003)
2 tác phẩm điêu khắc Chămpa của Bình Định tham dự triển lãm tại Bỉ và Áo là một vinh dự lớn  (15/07/2003)
"Hoan hô thằng ăn trộm"  (11/07/2003)
Khởi động giai đoạn nước rút   (11/07/2003)
Để sân khấu truyền thống không xa lạ với giới trẻ  (10/07/2003)
Nhìn lại bóng đá Bình Định mùa giải năm 2003  (09/07/2003)
Khai quật mộ chum 2000 tuổi  (08/07/2003)
Làng văn hóa Hà Ri  (06/07/2003)
Trong tương lai không xa, cờ tướng Bình Định sẽ phát triển mạnh  (04/07/2003)