Tại Hội thi Sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc:
Bình Định "được mùa" huy chương
15:54', 25/7/ 2003 (GMT+7)

Văn Ngữ (vai Sơn Tinh) và Lệ Thủy (Mỵ Nương trong vở Con trai của Sơn Thần (ảnh: T.X)

Lần đầu tiên, Hội thi (HT) Sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc được tổ chức tại Khánh Hòa từ ngày 8 đến 10-7. Các nghệ sĩ tuồng không chuyên Bình Định cũng lên đường, "góp lửa" cho HT với vở "Con trai của Sơn thần" và đã đoạt Huy chương vàng. Một chút ghi nhận của P.V Báo Bình Định về vở diễn này.

* Hội ngộ những người "giữ lửa"

Giữa thời điểm sân khấu truyền thống không chuyên đang bươn chải để có thể bám trụ với nghề; giữa lúc trên các phương tiện thông tin đại chúng đang đề cập nhiều về tình trạng quay lưng của khán giả với sân khấu truyền thống... HT Sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức, quy tụ 13 đoàn tuồng không chuyên toàn quốc, quả là một hoạt động nhiều ý nghĩa. Có thể xem đây là một hội ngộ giữa những người góp phần "giữ lửa" nghệ thuật tuồng truyền thống. Bởi họ tuy mang danh là nghệ thuật không chuyên, nhưng lại đang thầm lặng lưu giữ những nét đặc trưng của nghệ thuật tuồng truyền thống. Khái niệm không chuyên, do vậy, chỉ mang tính định danh; còn về nghệ thuật, các vở diễn tham dự HT hoàn toàn không nghiệp dư.

* Xứng danh con nhà nòi

"Con nhà nòi có khác!"- bạn bè, đồng nghiệp tại HT đã nhận xét vui về đoàn Bình Định như vậy. 5 diễn viên được tuyển chọn tham gia HT là 5 diễn viên chính, hát hay, diễn giỏi, được chọn từ các CLB sân khấu tuồng không chuyên trong tỉnh: Công Lễ (vai Sơn Lâm), Kiều Oanh (vai Thủy Tiên), Văn Ngữ (vai Sơn Tinh), Lệ Thủy (vai Mỵ Nương) và Công Thao (vai Lão quản gia). Lần đầu tiên HT Sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc được tổ chức, đây chính là "mảnh đất tốt để các nghệ sĩ tuồng không chuyên Bình Định có dịp "tung hoành". Những giọng hát ngọt ngào, truyền cảm đầy điêu luyện; những miếng nghề độc đáo của họ đã thật sự gây được nhiều thiện cảm, không chỉ của khán giả, mà của cả những đoàn bạn. Không phải ngẫu nhiên, mà trong 5 diễn viên tham dự HT, đã có 4 diễn viên đoạt huy chương vàng, 1 diễn viên đoạt huy chương bạc, góp vào thành tích chung: đoàn đạt nhiều huy chương nhất tại HT.

Điều đặc biệt nữa là tại HT, Bình Định trình làng bằng một kịch bản mới, cảnh báo về một vấn đề xã hội có ý nghĩa thời sự, có tác dụng giáo dục lớp trẻ. Đó là kịch bản: "Con trai của Sơn thần" (hay Hậu Sơn Tinh) của Đào Minh Tâm, do Anh Khoa chuyển thể, Hoàng Ngọc Đình đạo diễn. "Chuyện học hành dành cho bọn thứ dân. Ăn chơi hưởng thụ là phần của thiếu gia. Con sãi ở chùa chờ quét lá đa. Con quan có dở cũng là con quan" (lời kịch bản). Cách nghĩ ấy, lối sống ấy đã "hun đúc" nên chàng Sơn Lâm sa đà, hư hỏng, cậy ô dù làm chuyện trái khuấy, gây nguy hại đến sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trách nhiệm này thuộc về ai? Câu hỏi ấy, tác giả đã dành cho khán giả tự trả lời.

Vở diễn này còn gần gũi với con người hiện đại ở sự ngắn gọn trong tiết tấu kịch, trong lối diễn xuất...

Chỉ với 5 diễn viên, nói như tác giả Đào Minh Tâm là "gọn, hợp với sức của sân khấu không chuyên", mà vẫn chuyển tải được hết những ý đồ của tác giả. Điều quan trọng là các tác giả vẫn có ý thức kế thừa truyền thống, không làm mất đi những gì được coi là đặc trưng của nghệ thuật tuồng. Đặc biệt, các vai diễn đều có "đất", có các miếng diễn, trò diễn để cả 5 diễn viên đều có thể phô diễn tài năng. Huy chương vàng dành cho vở diễn này là phần thưởng xứng đáng. NSND Đàm Liên đã nhận xét: "Trong số 6 huy chương vàng cho vở diễn thì đoàn Bình Định tỏ ra nổi trội hơn cả, vì diễn viên am hiểu nghệ thuật tuồng và có thầy".

Cũng cần nói thêm là ngoài Con trai của Sơn thần, một kịch bản khác của Đào Minh Tâm là Kẻ nô lệ cũng được Đoàn Tuồng không chuyên tỉnh Bắc Ninh chọn dàn dựng để tham gia HT. Cũng với 5 nhân vật, cũng đề cập đến một vấn đề mang tính thời sự, vở diễn này đã đoạt huy chương vàng HT. Như vậy, Đào Minh Tâm vừa đoạt giải tác giả xuất sắc nhất của Ban tổ chức cho vở Con trai của Sơn thần vừa nhận bằng khen của Nhà hát Tuồng Trung ương với cả hai kịch bản trên.

HT lần này cũng là dịp để nhìn nhận tiềm lực sân khấu tuồng không chuyên Bình Định. Tiềm lực này khá mạnh khi so sánh với các địa phương khác trong cả nước, nhưng nó rất cần được tiếp tục đầu tư xứng đáng. Vì đầu tư cho sân khấu không chuyên chính là đầu tư cho đội ngũ kế thừa của sân khấu chuyên nghiệp và cho những người góp phần "giữ lửa" của sân khấu truyền thống.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhạc sĩ của thế hệ thứ năm   (24/07/2003)
Tour de France - Hành trình 1 thế kỷ   (23/07/2003)
Làng văn hóa Thắng Công   (22/07/2003)
Ngổn ngang sách cho thiếu nhi   (21/07/2003)
Bóng đá miền Trung chuẩn bị cho mùa giải mới   (20/07/2003)
Những phát hiện tại Động Cườm có giá trị không nhỏ về mặt lịch sử   (18/07/2003)
Phim hoạt hình Việt Nam – Làm sao để ăn khách?   (17/07/2003)
Chữ viết cho các dân tộc thiểu số ở Bình Định   (17/07/2003)
2 tác phẩm điêu khắc Chămpa của Bình Định tham dự triển lãm tại Bỉ và Áo là một vinh dự lớn  (15/07/2003)
"Hoan hô thằng ăn trộm"  (11/07/2003)
Khởi động giai đoạn nước rút   (11/07/2003)
Để sân khấu truyền thống không xa lạ với giới trẻ  (10/07/2003)
Nhìn lại bóng đá Bình Định mùa giải năm 2003  (09/07/2003)
Khai quật mộ chum 2000 tuổi  (08/07/2003)
Làng văn hóa Hà Ri  (06/07/2003)