Thương tiếc Nghệ sĩ ưu tú Lưu Hạnh
20:20', 31/7/ 2003 (GMT+7)
NSƯT Lưu Hạnh sinh năm 1918 ở thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Xuất thân trong một gia đình bần nông, ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia làm đại đội trưởng dân quân tự vệ thôn, cán bộ thôn đội, xã đội dân quân tự vệ, phụ trách đội văn nghệ xã và làm nhạc công cho các gánh hát bội, hát bài chòi ở quê nhà. Năm 1949, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi tập kết ra Bắc, biết ông là một nhạc công có năng khiếu, lại rất yêu nghệ thuật (được gia đình cho theo học nghề nhạc từ năm 15 tuổi), nên Đoàn tuồng Liên khu 5 (ở Hà Nội) đã mời ông về bổ sung vào dàn nhạc của đoàn (năm 1957); ông được phân công sử dụng nhạc cụ kèn và nhị là hai nhạc cụ chính trong dàn nhạc Tuồng.

Ông có kinh nghiệm hành nghề nhiều năm ở sân khấu hát bội nông thôn, am tường âm nhạc tế lễ trong dân gian; được tiếp cận tri thức khoa học trên miền Bắc XHCN nên nhanh chóng hoàn thiện, kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa âm nhạc cổ và mới. Tiếng đờn, giọng kèn của ông đã thích ứng phục vụ cho tất cả các đề tài: truyền thống, lịch sử, tiểu thuyết, dân gian, hiện đại trong nghệ thuật Tuồng, hỗ trợ hiệu quả cho biểu diễn sân khấu.

Những năm ở Đoàn tuồng Liên khu 5, ngoài việc thể hiện xuất sắc vai trò một nhạc công nòng cốt, ông còn là một nghệ sĩ có ý thức tìm tòi sáng tạo nghệ thuật; tham gia sáng tác nhạc cho các vở: Thạch Sanh, Trần Bình Trọng, Ngọn lửa Hồng Sơn; tham gia vào việc cải tiến các nhạc cụ: nguyệt đại, thập lục đại, hồ đại, thanh la dậm bằng chân… để bổ sung âm sắc và sức diễn tả cho dàn nhạc, được đồng nghiệp ghi nhận. Ông cũng là người nghệ sĩ rất trân trọng gìn giữ vốn nghệ thuật truyền thống, nhưng không bảo thủ, sẵn sàng ủng hộ cho những cải cách đúng đắn.

Năm 1966, theo tiếng gọi của Đảng "tất cả cho tiền tuyến", "tất cả vì miền Nam ruột thịt", nghệ sĩ Lưu Hạnh cùng với các nghệ sĩ của Đoàn tuồng Liên khu 5 và Đoàn dân ca kịch Liên khu 5 hăng hái lên đường, vượt Trường sơn vào miền Nam phục vụ chiến trường chống Mỹ. Không may ông và một số nghệ sĩ khác đã bị địch bắt đưa vào trại giam Quy Nhơn, Pleiku, sau đưa ra đảo Phú Quốc. Trong nhà tù, "già Lưu" (cách gọi kính trọng và thân tình của những người bạn tù dành cho ông) đã vững vàng chịu đựng đòn roi tra tấn của địch, không một lời khai báo, sẵn sàng chấp nhận khổ ải, hiểm nguy để bảo toàn khí tiết của người cộng sản. Một trong những hình thức đấu tranh khá độc đáo trong nhà tù lúc ấy là vào dịp các ngày lễ, tết, các tù nhân nghệ sĩ hợp nhau lại tổ chức hát Tuồng, hát dân ca có nội dung kêu gọi lòng yêu nước, chống ngoại xâm… Nghe kể lại rằng: có lần ông nhặt được một chiếc vỏ lon sữa bò dấu mang về trại để làm ống đàn nhị, bị cai ngục phát hiện, hắn chộp lấy rồi dộng mạnh vào lưng ông. Về sau, mỗi lần trở trời trái gió lưng ông lại thấy đau tức.

Sau khi được trao trả (1973), nghệ sĩ Lưu Hạnh về lại đơn vị cũ - Đoàn tuồng Liên khu 5. Vẫn là nhạc công, vẫn tài năng và nhiệt huyết với nghề như trước, lại dày dạn hơn với những thử thách cam go, và càng vững vàng hơn về mọi mặt. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) ông lại cùng Đoàn tuồng Liên khu 5 trở về Bình Định, chung tay góp sức xây dựng Đoàn tuồng Nghĩa Bình, rồi Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình, nay là Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Lòng yêu nghề của ông còn thể hiện việc ông động viên con cái, cháu chắt làm nghề Tuồng, và họ đã có những đóng góp đáng khen. Ông còn tham gia giảng dạy nhiều khóa nhạc công Tuồng ở Trường Văn hóa - Nghệ thuật của tỉnh; trong số học trò do ông trực tiếp chỉ dạy, nhiều người đã thành danh, có người được phong danh hiệu NSƯT. Ông cũng đã biên soạn có chất lượng giáo trình giảng dạy nhạc cụ kèn và nhị cho Trường VHNT của tỉnh nhà. Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993.

NSƯT Lưu Hạnh, trong mọi hoàn cảnh, luôn là người nhiệt tình, tận tụy, có trách nhiệm với công việc; ý thức tổ chức kỷ luật cao; chịu khó chịu khổ, cần cù; sống chân tình, giản dị, nói ít làm nhiều nên ông không nề hà bất cứ công việc gì khi được phân công: cho dù là đào sông, đắp đê, tiếp phẩm nuôi quân (lúc còn công tác ở Bộ Thủy lợi); kiêm nhiệm công tác Đảng, cán bộ Công đoàn, làm tổ trưởng tổ Nhạc, hay kiêm việc thủ quỹ… (khi còn công tác ở Đoàn tuồng Liên khu 5) - ông đều hoàn thành tốt song song với nhiệm vụ của một nhạc công trụ cột. Với những công lao đóng góp cho cách mạng, cho ngành nghề, ông đã được Nhà nước tặng nhiều huân chương, huy chương cao quí.

Trải qua gian truân từ hai cuộc chiến tranh ác liệt, bị tù đày tra tấn, lâm bệnh lâu ngày và tuổi cao sức yếu, NSƯT Lưu Hạnh đã từ trần hồi 6h30 ngày 21-7-2003, hưởng thọ 85 tuổi. NSƯT Lưu Hạnh xứng đáng là tấm gương sáng để lớp nghệ sĩ kế thừa học tập và noi theo.

. Đào Duy Kiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Armstrong - Một huyền thoại sống của làng xe đạp thế giới  (31/07/2003)
Múa hát cùng bản làng   (29/07/2003)
Hào hứng và sáng tạo   (28/07/2003)
Cầu thủ Minh Mính sẽ không rời khỏi đội Bình Định   (27/07/2003)
Bình Định "được mùa" huy chương   (25/07/2003)
Nhạc sĩ của thế hệ thứ năm   (24/07/2003)
Tour de France - Hành trình 1 thế kỷ   (23/07/2003)
Làng văn hóa Thắng Công   (22/07/2003)
Ngổn ngang sách cho thiếu nhi   (21/07/2003)
Bóng đá miền Trung chuẩn bị cho mùa giải mới   (20/07/2003)
Những phát hiện tại Động Cườm có giá trị không nhỏ về mặt lịch sử   (18/07/2003)
Phim hoạt hình Việt Nam – Làm sao để ăn khách?   (17/07/2003)
Chữ viết cho các dân tộc thiểu số ở Bình Định   (17/07/2003)
2 tác phẩm điêu khắc Chămpa của Bình Định tham dự triển lãm tại Bỉ và Áo là một vinh dự lớn  (15/07/2003)
"Hoan hô thằng ăn trộm"  (11/07/2003)