|
Võ sinh Bình Định |
Tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002, bộ môn võ của Bình Định chỉ giành được một chiếc Huy chương vàng của VĐV Lê Công Bút ở môn Whusu trong nội dung tán thủ. Còn tại các giải võ ở khu vực và toàn quốc được tổ chức trong năm, Bình Định cũng chẳng đạt được thành tích nào đáng kể. Đặc biệt, với bộ môn Võ cổ truyền, việc Bình Định không giành được chiếc huy chương vàng nào ở các giải đấu đỉnh cao trong năm được xem là điều "không thể chấp nhận được"!
Ngay sau thất bại đó, HLV Kim Đình, người từng đưa bộ môn võ Bình Định gặt hái không ít thành công, đã xin từ chức. Lý giải cho điều này, những người có trách nhiệm cho rằng Ban tổ chức giải đã "ép" Bình Định (?). Điều này có thể đúng bởi cái gì cũng có 2 mặt của nó, tuy nhiên, Sở TDTT cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những sai sót của mình trong việc đầu tư cho bộ môn này. Đầu năm 2003 bộ môn võ bắt đầu có những thay đổi đáng kể. Những VĐV tuy còn trẻ nhưng lại khá dày dạn kinh nghiệm trong thi đấu và đã đạt nhiều thành tích cao trong nhiều năm liền như: Phan Trường Hận, Bùi Trung Hiếu… lên làm HLV thay thế cho những người cũ. VĐV Bùi Trung Hiếu lên nắm quyền HLV cả ở nội dung đối kháng của môn võ cổ truyền và nội dung tán thủ của Whusu cho đội tuyển; Phan Trường Hận làm HLV ở nội dung đối kháng cho lực lượng trẻ. VĐV Trần Duy Linh thay HLV Nguyễn Đông Hải làm công tác huấn luyện ở nội dung biểu diễn.
Cùng với việc trẻ hóa những người làm công tác huấn luyện, việc tìm kiếm, bồi dưỡng VĐV cũng được tăng cường theo xu hướng trẻ hóa đội hình. Hàng loạt những VĐV lứa tuổi từ 11 đến 15 có năng khiếu của các huyện, thành phố được tuyển chọn và sau một thời gian sàng lọc gắt gao, gần 20 VĐV được gọi vào đội năng khiếu để tập trung bồi dưỡng tại Sở TDTT để làm lực lượng dự bị, rồi từ đó tiếp tục tuyển chọn để bổ sung cho đội tuyển. Có thể nói chính nhờ sự nhiệt tình, năng nổ của những người làm công tác huấn luyện, cùng với những kinh nghiệm thực tế trong tập luyện, trong thi đấu mà họ trải qua để rồi giờ đây họ dồn cả tâm huyết để truyền đạt lại cho lớp VĐV trẻ đã tạo nên một diện mạo mới cho bộ môn võ của Bình Định, không chỉ tăng về lượng mà còn đảm bảo về chất. Điều này đã được kiểm chứng qua các giải đấu ở khu vực, toàn quốc trong 6 tháng đầu năm 2003 vừa qua mà Bình Định đã tham gia.
Vào tháng 2-2003 đoàn VĐV Taekwondo Bình Định tham gia giải Taekwondo trẻ 3 miền Bắc-Trung-Nam được tổ chức tại Ninh Thuận và đoàn đã xuất sắc đoạt 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Cuối tháng 2 đầu tháng 3, đoàn VĐV Whusu tham gia giải Vô địch Whusu toàn quốc lần thứ IX và đã đạt 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. Đến tháng 4, đoàn Võ cổ truyền tiếp tục mang về cho tỉnh nhà 1 huy chương vàng và 1 huy chương đồng. Nhưng thành công rực rỡ nhất của võ Bình Định là việc 3 VĐV tham gia giải Whusu trẻ toàn quốc và cả 3 đều đoạt huy chương. Trong đó 2 VĐV Lê Minh Tùng và Nguyễn Xuân Lĩnh đoạt huy chương vàng, còn VĐV Lê Văn Dũng đoạt huy chương đồng. Một bộ môn võ khác vừa được Liên đoàn võ thuật Việt Nam đưa trở lại hệ thống thi đấu là Boxing (quyền Anh) cũng được Bình Định chú trọng và tại giải Vô địch CLB Boxing Quảng Ngãi mở rộng, đoàn Bình Định đã đoạt được 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc.
Ông Bùi Trung Hiếu, quyền HLV bộ môn võ ở nội dung đối kháng, cho biết: "Mặc dù bước đầu của năm 2003, bộ môn võ đã đạt được thành tích khá tốt, nhưng chúng tôi còn phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với sự đầu tư của tỉnh nhà và xứng đáng với truyền thống của Miền đất võ…". Có lẽ bản tính của con nhà võ là nói ít - làm nhiều nên những HLV, VĐV võ không nói nhiều về thành tích của họ, nhưng chúng ta có quyền hy vọng võ Bình Định sẽ tìm lại được chính mình trong thời gian tới.
. Công Tâm
|