Đi tìm ký ức bản làng
16:32', 7/8/ 2003 (GMT+7)

Ông Rechơlan Măng Téo

Giữa trưa nắng của đất trời Vân Canh những ngày tháng tám, vậy mà người ta vẫn thấy một người đàn ông, lọc cọc trên chiếc xe đạp, vào các bản, làng xa, tìm kiếm hỏi han những người già…

Người đàn ông ấy chính là Rechơlan Măng Téo (Đoàn Măng Téo). Người làng Chăm H’roi mấy ai không biết ông. Ông là một hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hiện đang miệt mài với công việc sưu tầm những câu chuyện kể, ghi lại những nét độc đáo trong đời sống văn hóa các làng Chăm và nhặt nhạnh những câu tục ngữ Chăm H’roi.

Ngồi bên chiếc bàn nhựa nhỏ, vừa là chỗ tiếp khách, vừa là chiếc bàn viết kê trước hiên nhà, ông chìm vào hồi ức. Một người thanh niên làng Chăm H’roi 16 tuổi, chính là ông khi ấy, đã tham gia hoạt động với cách mạng, làm du kích xã, rồi đi dạy học. Tháng 3 năm 1955, ông từ giã ngôi làng Hòn Mẽ (xã Canh Thuận), nơi in dấu tuổi thơ, để lên đường ra Bắc học tập và tham gia nhiều công việc khác nhau. Có lúc là người phụ trách thiếu nhi, khi công tác ở Hải Dương, rồi lại quay về Hà Nội, miệt mài trên giảng đường Đại học Y. Năm 1970, tốt nghiệp bác sĩ, ông trở về chiến đấu trên chiến trường khu V, công tác ở y tế khu, sau về trực tiếp hoạt động trên địa Bình Định. Những bản, làng An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Cát… đã trải dưới đôi bàn chân ông theo những ngày chiến dịch. Ngày giải phóng, ông có mặt trong đoàn tiếp quản thành phố Quy Nhơn. Tháng 7-1975, được điều về quê hương Vân Canh, ông đảm nhận nhiệm vụ làm Bệnh viện trưởng Bệnh viện Phước Vân, rồi Chủ tịch UBND huyện Vân Canh vào năm 1982. Năm 1990, ông nhậm chức Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Miền núi - Định canh Định cư và Kinh tế mới.

Từ năm 1998 đến nay, ông nghỉ hưu, và lại về với núi rừng Vân Canh và về với những bản làng Chăm H’roi. Ông nói vui: "Từ ngày nghỉ hưu, mình mới thảnh thơi, có thời giờ dành cho những gì mình đã ấp ủ bấy lâu mà chưa có điều kiện để thực hiện". Ấp ủ ấy, với ông, là sưu tầm và ghi lại những câu chuyện kể của đồng bào có nguy cơ mất dần cùng với sự vắng bóng những người già, những nét phong tục đẹp trong đời sống văn hóa làng Chăm H’roi đang có nguy cơ phai nhạt theo đà cuộc sống hiện đại.

Ông tâm sự: "Tụi trẻ giờ chẳng biết gì nhiều về phong tục của ông cha mình nữa. Ngay cả cái nghề dệt thổ cẩm, đẹp là vậy mà bảo tụi trẻ mặc đã khó, nói chi cho nó theo học nghề dệt". Bởi vậy, từ lâu, ông đã tâm niệm, phải ghi lại những phong tục ấy, những nét văn hóa ấy, những kho tàng chuyện kể ấy từ ký ức người già, cho con cháu.

Thế rồi, ngày lại ngày, người làng Chăm thường thấy bóng dáng một người già lọc cọc với chiếc xe đạp tàng, rảo khắp những làng Chăm. Ông tâm sự: "Mình cũng chẳng được trang bị phương pháp hay kinh nghiệm sưu tầm gì đâu. Người già đọc cho nghe cái gì, mình ghi lại, rồi sắp xếp. Những câu chuyện, truyền thuyết, có khi chỉ là câu thơ bật lên giữa câu chuyện, cứ thế góp mãi cũng thành". Nhiều khi, nghe nói có người này, người kia còn nhớ được câu chuyện ấy, hiểu kỹ về phong tục ấy, là ông không quản ngại xa xôi, bươn bả đạp xe đi. "Khó nhất là sưu tầm tục ngữ. Tục ngữ chứ có phải chuyện kể hay bài thơ đâu mà nhờ người già đọc cho ghi. Tục ngữ chỉ bật lên qua những cuộc chuyện trò, phải gặp hoàn cảnh nào đó, câu tục ngữ đó mới bật ra được. Mình phải ghi chép cẩn thận, cóp nhặt dần dần chứ, rồi cộng với cái vốn đã có sẵn trong người nữa. Làm cái công việc này không thể làm cho xong mà được đâu".

Khi những ghi chép đã hòm hòm, ông lại cần mẫn viết lại. Khi dưới hình thức mô tả những nét phong tục như nhà sàn của người Chăm H’roi, các lễ hội, lễ cưới, rượu cần…; lúc phải chắp nối, ghi lại những mẩu chuyện được kể rời rạc. Ông nói: "May mắn nhất là cái vốn văn hóa Chăm H’roi đã nằm sẵn trong người mình rồi. Ngay cả những câu chuyện kể, phần nhiều cũng là do ông ngoại kể cho nghe từ hồi còn rất nhỏ ấy chứ. Cả quyển Núi Chúa hòn Ông phần nhiều là những câu chuyện ông ngoại kể cả thôi".

Và mỗi sáng, mỗi chiều, người trong xóm lại thấy ông lui cui ngồi viết. Thường mỗi buổi, ông chỉ ngồi viết một tiếng đồng hồ. Ông nói: "Viết một mạch, chỉ sợ viết nửa chừng lại quên mất ý. Xong, mình lại đi cắt rau cho gà, lui cui làm việc này, việc nọ". Mấy đứa nhỏ hàng xóm qua chơi, thấy ông ngồi viết, lại hỏi: "Già ơi, già làm gì mà viết mãi thế, ngày nào cũng viết". – "Có làm gì đâu, chỉ ghi lại những câu chuyện của người già thôi mà".

Cần mẫn bên những trang vở, nay thì ông vui lắm vì trong tay mình đã có 5 tập sách: Một số vấn đề văn hóa- văn nghệ Chăm H’roi Vân Canh (1999); Văn hóa- văn nghệ Chăm H’roi Vân Canh (2000); Núi Chúa hòn Ông (2002), Văn hóa gia đình Chăm H’roi (2003), Tục ngữ - ngôn từ vựng người Chăm H’roi Vân Canh (viết chung với Nguyễn Xuân Nhân - 2003). Những tác phẩm của ông, có quyển đoạt giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam hoặc được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tài trợ sáng tạo. Nhưng điều đáng quý nhất, theo ông, những bản thảo ấy chính là một phần, dẫu rất nhỏ, trong kho tàng văn hóa dân gian của ông cha đã được sưu tầm. Ông khẳng định: "Nếu không có những người già như cụ Phạm Thức ở làng Canh Tân, cụ Phạm Len ở làng Hòn Mẽ, cụ Lê Văn Tự ở làng Hiệp Hội… thì không có những bản thảo này".

Ông tâm sự: "Sức của mình chỉ chừng đó. Khả năng cũng chừng đó. Làm được bấy nhiêu là bao tâm huyết bỏ ra rồi. Hy vọng rồi lớp con cháu sẽ có người làm tiếp những công việc này và làm hay hơn. Mình chỉ là người bỏ những viên gạch đầu tiên".

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Võ Bình Định trong hành trình tìm lại chính mình   (06/08/2003)
Nguyễn Sáng - Một danh họa lớn của Việt Nam   (05/08/2003)
U23 Việt Nam đại thắng trận đầu trên đất Áo   (04/08/2003)
Nguyễn Mạnh Dũng nói về việc tố cáo Việt Thắng bán độ   (03/08/2003)
Đội bóng đá Bình Định và những chuẩn bị cho mùa giải mới   (01/08/2003)
Thương tiếc Nghệ sĩ ưu tú Lưu Hạnh   (31/07/2003)
Armstrong - Một huyền thoại sống của làng xe đạp thế giới  (31/07/2003)
Múa hát cùng bản làng   (29/07/2003)
Hào hứng và sáng tạo   (28/07/2003)
Cầu thủ Minh Mính sẽ không rời khỏi đội Bình Định   (27/07/2003)
Bình Định "được mùa" huy chương   (25/07/2003)
Nhạc sĩ của thế hệ thứ năm   (24/07/2003)
Tour de France - Hành trình 1 thế kỷ   (23/07/2003)
Làng văn hóa Thắng Công   (22/07/2003)
Ngổn ngang sách cho thiếu nhi   (21/07/2003)