Địa chí Bình Định: Còn rất nhiều điều phải bổ sung
15:22', 8/8/ 2003 (GMT+7)

Trong hai ngày 30, 31-7 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức nghiệm thu (lần thứ 2) tập "Thiên nhiên - Dân cư - Hành chính" (TN-DC-HC) và tập "Lịch sử" trong bộ Địa chí Bình Định (ĐCBĐ). Tập TN-DC-HC đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại ĐẠT, còn tập "Lịch sử" được yêu cầu phải sửa chữa, bổ sung và hoàn chỉnh thêm để nghiệm thu sau. Điều đáng nói là cả 2 tập ĐCBĐ đều còn tồn tại nhiều điểm sai lệch cần phải thay đổi; nhiều nhận định chủ quan, thiếu căn cứ khoa học cần lược bỏ; những trích dẫn tư liệu thiếu trung thực cần hiệu đính... Có thể nói, còn rất nhiều vấn đề phải được nhìn nhận, đánh giá lại một cách khách quan, chính xác và nghiêm túc quanh 2 tập địa chí này.

* Một số ví dụ về sự sai lệch

Vấn đề còn một số sai sót trong một công trình quy mô lớn, công phu như xây dựng địa chí là không thể tránh khỏi. Nhưng nếu sai sót quá giới hạn chấp nhận được thì cần phải xem xét lại. Hãy thử điểm qua một số điểm sai lệch đã tồn tại trong hai tập ĐCBĐ vừa được đưa ra để nghiệm thu, không cần chứng minh thì cũng đã thấy sai.

- Trong tập TN-DC-HC các tác giả đã xếp Bồng Sơn, Tam Quan, Đập Đá là thị xã và xác định thành phố Quy Nhơn có động lực phát triển chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Chương III của tập địa chí này có tên "Địa hình - Địa mạo" nhưng trong chương này và toàn tập sách hoàn toàn không có phần địa mạo.

Trong tập sách này, trang 298, viết: "dân số Bình Định là 1,7 triệu người" (!).

- Trong tập Lịch sử, trang 43 viết: "Bồng Sơn nay là huyện Hoài Nhơn; Hoài Ân, An Lão, Phù Ly nay là huyện Phù Mỹ, Phù Cát; Tuy Viễn nay là huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Khê và thành phố Quy Nhơn".

- Trang 93 viết: "Trần Quang Diệu là người huyện Bồng Sơn", nhưng đến trang 98 lại viết: "Trần Quang Diệu quê ở thôn Tú Sơn, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi".

Trong tập Lịch sử còn có một số nhận định hết sức chủ quan, thiếu căn cứ khoa học, thậm chí bóp méo lịch sử. Xin được ví dụ, trang 75 viết: "Hạn chế của Nguyễn Nhạc là do sớm thỏa mãn, tự đắc, tầm nhìn hạn hẹp nên đã cản trở bước phát triển của phong trào Tây Sơn... Nguyễn Nhạc - một Hoàng đế tự mãn, một chúa đất an phận với phủ Quy Nhơn". Các tác giả cũng đã trình bày một cách mơ hồ "Ngoài hai hoàng hậu họ Phạm và họ Lê được sử sách ghi lại, Nguyễn Huệ còn có một số bà vợ, ít nhất là 4 bà vợ nữa (trang 77).

Những sai sót như kể trên trong hai tập ĐCBĐ có đến hàng trăm chỗ. Khi nghiệm thu tập "Lịch sử", một thành viên hội đồng đã phải lật từng trang để điểm danh những chỗ sai sót, ông phát biểu hết buổi sáng và non nửa buổi chiều mà vẫn chưa hết những điểm sai sót theo ông cần phải hiệu đính, sửa chữa.

* Những người trong cuộc nói gì?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận (nguyên Trưởng ban KHKT tỉnh BĐ): "Chương Địa chất trong tập TN-DC-HC viết rất nặng, khó hiểu hơn cả giáo trình địa lý của trường cao đẳng. Nội dung có rất nhiều mâu thuẫn, sai lệch với thực tế, ví dụ BĐ làm gì có địa hình cao nguyên, vậy mà tập này lại nói khá nhiều về nó mà lại đề cập rất sơ sài về đồng bằng. Một số đoạn cũng mất cân đối, ví dụ tiềm năng về biển viết tới 22 trang trong khi rừng chỉ có hơn 3 trang. Như vậy là không hợp lý!…."

Thạc sĩ Ngô Đức Định (Trưởng phòng Xây dựng chính quyền - Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh): "Có rất nhiều sai sót trong tập TN-DC-HC tôi không có thời gian để liệt kê và cũng không tiện lắm khi nêu các ví dụ cụ thể. Về nguyên nhân có lẽ là do các tác giả thiếu định hướng, không thống nhất về phương pháp làm việc nên mới đẻ ra chuyện cùng một vấn đề, một thông số nhưng trang trước viết thế này nhưng trang sau lại viết khác đi. Tôi nghĩ có lẽ bởi khâu tư liệu do nhiều sinh viên thực hiện nên các thầy không kiểm soát hết".

Thạc sĩ Nguyễn Bá Trà (Phó trưởng Ban tuyên giáo- Tỉnh ủy Bình Định): "Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lưu ý: Địa chí lịch sử của tỉnh cần tăng cường dung lượng tri thức lịch sử, chiều sâu lịch sử, cội nguồn lịch sử và bản sắc văn hóa của địa phương. ĐCBĐ không phải là Lịch sử Đảng bộ tỉnh nhưng địa chí cũng không được nói ngược, viết sai với những sự kiện đã được khẳng định trong Lịch sử Đảng bộ. Ở trang 373 tập "Lịch sử" trích một đoạn rất dài có ghi chú thích: trích "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1954-1975) trang 244, 245, nhưng tôi rà soát mãi mà vẫn không thấy trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định có đoạn trích này. Như vậy là thiếu trung thực".

Ông Đỗ Quyên (nguyên chuyên viên của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng - Tỉnh ủy Bình Định): "Lỗi sai địa danh thì nhiều vô kể. Các tác giả sử dụng nhiều nguồn tài liệu nhưng không rà soát đối chiếu, không cập nhật nên nhiều tư liệu đã lạc hậu, không còn ý nghĩa nữa... Đáng tiếc là nhiều sai sót lớn đã được góp ý từ lần bảo vệ trước nhưng lần này họ vẫn không chỉnh lý, cũng không nói vì sao lại giữ nguyên như vậy".

Ông Nguyễn Du - Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh BĐ: "Các tác giả có sự ngộ nhận về lịch sử, do thiếu khảo sát thực tế, đối chiếu các nguồn tư liệu, chỉnh lý, bổ sung nên ĐCBĐ còn nhiều sai sót, thậm chí sai sót cơ bản không tiện nêu ra ở đây. Các tác giả địa chí không nên viết các phần kết luận, kinh nghiệm, bài học lịch sử... Địa chí không cần những phần như vậy..."

Ông Văn Trọng Hùng - Giám đốc Sở VHTT tỉnh BĐ: "Các sai sót trong tập ĐCBĐ còn rất nhiều, khó kể hết ra được. Chỉ xin nói thêm một điểm, ngôn ngữ nghiên cứu trong ĐCBĐ tập Lịch sử có đoạn cứ như truyện thơ, tác phẩm sáng tác, xin đọc hai trang 113, 114 sẽ rõ. Địa chí viết như vậy tôi thấy rất buồn cười".

* Ý kiến của chúng tôi

Địa chí là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học. Điều kiện đầu tiên khi nghiên cứu khoa học là phải chính xác. Biên soạn địa chí thì yếu tố chính xác đầu tiên là địa danh. Đáng tiếc trong 2 tập ĐCBĐ vừa được nghiệm thu địa danh ghi sai rất nhiều, khá nhiều chỗ phải nói là sai nghiêm trọng. Và điều khó hiểu là dù còn tồn tại nhiều sai sót, dù các thành viên hội đồng đã chỉ ra rất rõ nhiều điểm mâu thuẫn... nhưng ĐCBĐ tập TN-DC-HC vẫn được nghiệm thu và xếp loại ĐẠT.

. Bá Phùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đi tìm ký ức bản làng   (07/08/2003)
Võ Bình Định trong hành trình tìm lại chính mình   (06/08/2003)
Nguyễn Sáng - Một danh họa lớn của Việt Nam   (05/08/2003)
U23 Việt Nam đại thắng trận đầu trên đất Áo   (04/08/2003)
Nguyễn Mạnh Dũng nói về việc tố cáo Việt Thắng bán độ   (03/08/2003)
Đội bóng đá Bình Định và những chuẩn bị cho mùa giải mới   (01/08/2003)
Thương tiếc Nghệ sĩ ưu tú Lưu Hạnh   (31/07/2003)
Armstrong - Một huyền thoại sống của làng xe đạp thế giới  (31/07/2003)
Múa hát cùng bản làng   (29/07/2003)
Hào hứng và sáng tạo   (28/07/2003)
Cầu thủ Minh Mính sẽ không rời khỏi đội Bình Định   (27/07/2003)
Bình Định "được mùa" huy chương   (25/07/2003)
Nhạc sĩ của thế hệ thứ năm   (24/07/2003)
Tour de France - Hành trình 1 thế kỷ   (23/07/2003)
Làng văn hóa Thắng Công   (22/07/2003)