|
Danh nhân văn hóa Đào Tấn |
Đào Tấn (1845 – 1907) là nhà thơ, nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn Tuồng xuất sắc. Tên tuổi của ông bao trùm bộ môn sân khấu Tuồng Việt Nam. Ông được giới nghệ thuật Tuồng tôn làm Hậu tổ.
Trước năm 1975, việc nghiên cứu về tài năng và sự nghiệp nghệ thuật của Đào Tấn chỉ là những công trình riêng lẻ của một số nhà nghiên cứu sân khấu, văn học, lịch sử… Chỉ đến khi nước nhà thống nhất, việc nghiên cứu về Đào Tấn mới được quan tâm và thực hiện bài bản, nghiêm túc, đạt được nhiều thành tựu. Đào Tấn được tôn vinh Danh nhân Văn hóa quốc gia là thành công lớn nhất của công trình nghiên cứu có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học trong cả nước.
* Để tên tuổi Đào Tấn thăng hoa
Tháng 12-1977 tại Quy Nhơn, Ty Văn hóa – Thông tin Nghĩa Bình kết hợp cùng Viện Nghiên cứu Sân khấu đã tổ chức Hội nghị Khoa học lần thứ nhất về Đào Tấn. Gần 50 bản tham luận (là những đề tài nghiên cứu về Đào Tấn) được trình bày tại hội nghị. Qua các tham luận này, tài năng và sự nghiệp nghệ thuật của Đào Tấn hiện lên khá rõ nét để có thể khẳng định Đào Tấn là một nghệ sĩ lớn, có công cách tân sân khấu Tuồng từ nghệ thuật biểu diễn đến phương pháp sáng tác, đưa sân khấu Tuồng lên đến đỉnh cao vào nửa cuối thế kỷ 19 và để lại cho đời nhiều tác phẩm Tuồng, thơ, từ... có giá trị.
Sự nghiệp nghệ thuật của Đào Tấn được đánh giá rất cao tại hội nghị này; không một ý kiến nào tỏ ra nghi ngờ những đóng góp của ông. Nhưng về mặt "lý lịch" thì có ý kiến cho rằng Đào Tấn là một ông quan lớn qua nhiều đời vua triều Nguyễn (2 lần Tổng đốc An Tịnh, Tổng đốc Nam Ngãi, Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Binh, Thượng thư Bộ Hình…); ông có hà khắc với dân, có hại dân không? Có thân Pháp, có bán nước cầu vinh không? Vì lý do nào mà ông được giao nhiều chức quan to như thế?…
Nhìn ở một góc độ nào đó thì những ý kiến này là một "lực cản" lớn! Nhưng khách quan nhìn nhận, từ ý kiến "phản biện" này mà công trình nghiên cứu về Đào Tấn nói chung đã được tiến hành kỹ hơn, sâu sắc hơn; các mối quan hệ của Đào Tấn được "bới tung" lên, được soi tìm, được lần dò theo từng đường đi nước bước của ông.
5 năm sau Hội nghị khoa học về Đào Tấn lần thứ nhất, hội nghị lần 2 được tổ chức vào năm 1982, cũng tại Quy Nhơn. Nói như một câu ngạn ngữ phương Tây: "Cái gì của Céza phải thuộc về Céza", "tiếng xấu" về Đào Tấn đã được gột rửa. Qua nhiều tài liệu, thư tịch, các nhà khoa học đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng Đào Tấn là một ông quan yêu nước, thương dân; tuy làm quan nhưng ông rất có cảm tình với các phong trào yêu nước, ngầm giúp đỡ và tạo điều kiện để Phan Bội Châu và nhiều nhà yêu nước hoạt động, đã "ngóng phương trời gửi lại gánh non sông" (một câu hát trong vở Hộ sinh đàn của Đào Tấn) qua những con người ấy. Chính vì vậy mà Đào Tấn như là một cái gai trong mắt tên Việt gian Nguyễn Thân, nhiều lần ông đã đụng độ với hắn và đã đưa hắn lên sân khấu để bêu riếu (qua nhân vật Tiết Bất Nghĩa trong vở Hộ sinh đàn hoặc nhân vật Bàng Hồng trong vở Diễn võ đình)… Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ rõ rằng quan điểm nghệ thuật của Đào Tấn rất rõ ràng. Nghệ thuật phải có tác dụng giáo dục tư tưởng; các vở tuồng ông viết đều có mục đích đấu tranh rõ rệt. Chính lòng yêu nước thương dân đã làm nền tảng cho tính chiến đấu trong các vở tuồng của Đào Tấn.
Năm 1986, tại Quy Nhơn, Hội nghị khoa học về Đào Tấn lần thứ ba được tổ chức, khẳng định thêm những đóng góp to lớn của Đào Tấn đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Sau năm 1990, Nhà nước ta đã tôn vinh Đào Tấn là Danh nhân Văn hóa quốc gia; khu mộ của ông trên núi Huỳnh Mai (Phước Nghĩa – Tuy Phước) cũng được công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia.
* Và phát huy tên tuổi ấy
Danh nhân Văn hóa Đào Tấn là niềm tự hào của nhân dân Bình Định nói riêng, và cả dân tộc Việt Nam nói chung. Ngành Văn hóa tỉnh Bình Định gần đây cũng đã tiếp tục tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về Đào Tấn nhằm tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp nghệ thuật, phương pháp sáng tác… để kế thừa và phát triển, làm giàu thêm cho sân khấu Tuồng nói riêng và cho nền văn hóa nghệ thuật Bình Định và Việt Nam nói chung. Việc tuyên truyền, phổ biến các tác phẩm của Đào Tấn cùng những đóng góp của ông cũng được quan tâm đúng mức.
Song, có thể nói rằng việc nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn Tuồng của Đào Tấn còn có những hạn chế nhất định, không có được công trình nghiên cứu chuyên biệt và dài hơi mà chỉ ở dạng chung chung, nên chưa đúc kết được nhiều về vấn đề này. Đào Tấn là một nhân vật Bình Định rất nổi tiếng, nhưng có nhiều người Bình Định không biết về ông; có người còn cho rằng Đào Tấn là "ông giám đốc" Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Đối với các em học sinh thì càng mù mờ hơn về Đào Tấn. Nên chăng "đưa" Đào Tấn vào chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông của tỉnh Bình Định. Điều này không khó, chỉ cần 2 giờ ngoại khóa là các em có thể hiểu biết một cách khái quát về vị danh nhân văn hóa này, để tăng thêm niềm tự hào về quê hương đã sản sinh ra những người con ưu tú như vậy, từ đó giáo dục lòng yêu nước.
Theo chúng tôi, đã xem Đào Tấn là niềm tự hào thì cần phải phát huy tên tuổi và những đóng góp của ông. Và điều này phải được các cấp, ngành chức năng nghiên cứu, thực hiện một cách khoa học và có hiệu quả. Đừng để Đào Tấn dần trở nên xa lạ đối với các thế hệ trẻ ngay trên quê hương của ông.
. Thúy Vi
|